Trung Quốc muốn “vời” Pháp tham gia chiến lược “Vành đai, con đường”: Những tính toán chiến lược của hai bên

06-02-2018 15:13 | Quốc tế

SKĐS - Trong một bài viết mới đây, tờ L’Epxress (Pháp) nhận định Trung Quốc đang muốn “thâu tóm cảng Marseille của Pháp” nhằm mở rộng chiến lược “Vành đai con đường”. Trước đó, đầu tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc nhằm củng cố quan hệ song phương Pháp-Trung. Nếu Trung Quốc muốn thuyết phục Pháp ủng hộ chiến lược “Vành đai và Con đường”thì ngược lại Pháp muốn tranh thủ “túi tiền” của Bắc Kinh xốc lại nền kinh tế của mình.

Báo chí Pháp những ngày gần đây đặc biệt quan tâm đến Trung Quốc và ý định thâu tóm cảng Marseille của Bắc Kinh. Mục hồ sơ trên trang kinh tế của L’Express số ra 2/2 cho biết : “Marseille, đích nhắm mới của Trung Quốc”. Tờ báo phân tích:  trong kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới, Trung Quốc đang nhắm đến cảng Marseille của Pháp để làm một đầu cầu tiến vào Châu Âu. Theo L’Express, trong chuyến công du Bắc Kinh ngày 09/01/2018 của thống thống Macron, Pháp đã ký hợp đồng xây dựng một nhà máy hóa chất trị giá 100 triệu euro tại cảng Marseille với tập đoàn Trung quốc Quechen Silicon Chemical. Trước đó, Trung Quốc đã hiện diện ở Marseille với hàng chục doanh nghiệp kinh doanh vải sợi ở khu vực Marseille International Fashion Center 68, với diện tích khoảng 60.000 m2.  Theo bài viết, tại Marseille hiện có khoảng 2000 kiều dân Trung Quốc sinh sống, với hơn 500 là sinh viên. Và dấu hiệu thể hiện sự quan tâm của Trung Quốc đối với Marseille là Diễn Đàn Kinh Tế Pháp-Trung lần thứ 12, đầu tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên đã rời vùng Paris để xuống Marseille. Tuy nhiên, lợi thế nổi bật của Marseille trong mắt Trung Quốc là vị trí địa lý của thành phố cảng này, và hoạt động của Marseille ngày càng phát triển: 20,4 triệu tấn hàng xuống cảng vào năm ngoái, tăng 10% so với năm trước, cao gấp đôi mức trung bình ở Châu Âu. Vị trí của Marseillle khiến cảng này không chỉ là một đầu cầu vào châu Âu mà còn là một cánh cửa tiến vào Bắc Phi và Tây Phi, rất thuận lợi cho kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc. L’Express dẫn lời đại diện lãnh sự Trung Quốc tại Marseille, nói rằng : “Marseillle hiện là thành phố thu hút nhất sự chú ý của chúng tôi, chỉ sau Paris”.

Khu trung tâm thương mại Trung Quốc sầm uất được mệnh danh là thủ phủ tơ lụa của Trung Quốc tại Pháp.


Trong khi đó, chỉ cách đây 2 tuần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới thăm Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của việc châu Âu và Trung Quốc củng cố hợp tác trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Tuy nhiên, ông Ma-crông tỏ ra thận trọng với việc cảnh báo rằng, việc thực hiện dự án “Vành đai ” này cần nằm trong khuôn khổ của “mối quan hệ đối tác bình đẳng” và rộng hơn là khuôn khổ hợp tác châu Âu. Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc đã tiếp Tổng thống Macron một cách trọng thị với nghi lễ nguyên thủ và dùng những lời có cánh ca ngợi quan hệ Trung- Pháp. Nay, với việc “nhòm ngó” cảng Marseille, rõ ràng Trung Quốc đang muốn mời Pháp trở thành điểm nhấn quan trọng trong chiến  lược “Vành đai con đường” đang thúc đẩy.

Dưới góc nhìn phân tích, giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc muốn “tranh thủ” Pháp là điều dễ hiểu. Bối cảnh một châu Âu đang “thiếu đầu tầu”, khi Đức loay hoay với việc thành lập Chính phủ mới khiến vai trò của Pháp nổi lên không ai có thể thay thế. Với 1.000 tỷ USD đầu tư, đại dự án “Vành đai và  Con đường” được cho là sự tái sinh của Con đường Tơ lụa cổ xưa, sẽ tập trung vào việc xây dựng những hệ thống đường bộ và đường sắt mới xuyên Trung Á và vươn xa hơn, cũng như một tuyến hàng hải kết nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương và biển Hồng Hải. Trong đó, nhiều quốc gia châu Âu quanh biển Hồng Hải sẽ dóng vai trò mấu chốt phát triển dự án này. Mặc dù Trung và Đông Âu hoan hỉ sẵn sàng đón nhận các gói đầu tư khổng lồ của Trung Quốc, nhưng Tây Âu lại tỏ ra lo ngại trước vai trò ảnh hưởng và chi phối ngày càng tăng của Bắc Kinh. Chính vì thế, Trung Quốc muốn chờ đợi một lập trường rõ ràng" từ ông Macron  trong bối cảnh Bắc Kinh nhìn nhận nhà lãnh đạo Pháp là người sẽ dẫn dắt tăng trưởng của châu Âu. Nhà phân tích Barthelemy Courmont, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc tổ chức nghiên cứu Iris của Pháp nhận định “Nếu ông Macron đưa ra quyết định về cách ứng xử với sáng kiến của Trung Quốc, cả châu Âu sẽ nghe theo".

Đây cũng là lý do khiến Tổng thống Pháp phải thận trong trong từng bước đi của mình. Mặc dù ủng hộ về lý thuyết sự phát triển của Trung Quốc, nhưng khả năng ông Macron lên tiếng ủng hộ công khai đại dự án này sẽ không phải là nhiều. Vì thế, Pháp chọn một cách tiếp cận thông mình hơn khi ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của Bắc Kinh, còn đại dự án “Vành đai và Con đường” thì còn chờ về bàn với các nước trong khối EU. Tuy nhiên, Pháp không dại gì bỏ lỡ việc đem về những khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm, các doanh nghiệp Pháp và Trung Quốc đã ký kết một loạt các hợp đồng trị giá 10 tỷ euro và Pháp đã “tranh thủ” bán luôn 500 động cơ máy bay cho Trung Quốc đồng thời đề nghị Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm vận thịt bò Pháp sang thị trường này. Vì thế có thể nói, Pháp cần Trung Quốc để vực dậy nền kinh tế đang đi xuống. Tờ FrancInfor bình luận tất nhiên Tổng thống Pháp Macron hiểu rõ ý đồ của Trung Quốc, nhưng trên phương diện làm ăn, thì cứ phải “chắc cú”. Với vai trò cầm trịch ở EU, Pháp chả dại gì mà đánh đổi điều đó lấy tình bạn bị chỉ trích với Bắc Kinh. Tuy nhiên, tờ Phăng-In-phô bình luận “Chuyện nào ra chuyện ấy. Chuyện chính trị sẽ tính sau, còn chuyện làm ăn đã ở trước mắt rồi. Không làm là bỏ mất cơ hội”.


N.Minh
Ý kiến của bạn