Bắt giữ ngư dân rất có thể là khởi đầu của một chiến dịch tổng lực từ Trung Quốc nhằm thử thách sức chịu đựng của VN, theo các chuyên gia.
Chưa chịu dừng lại ở việc cho tàu đâm húc, bắn vòi rồng vào tàu lực lượng thực thi pháp luật cũng như đâm chìm tàu cá VN tại khu vực hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981), việc Trung Quốc (TQ) bắt giữ tàu cá QNg 94912 TS công suất 100 CV của ông Võ Đạt ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) và 6 ngư dân vào ngày 3.7 là động thái mới nhất cho thấy các tàu TQ - bất kể là tàu ngư chính, hải giám hay hải cảnh - đang ngày càng hung hăng, ngang ngược. Bắc Kinh cũng dường như đang muốn mở rộng vùng căng thẳng và thử thách sức kháng cự của VN, theo giới quan sát.
Trả lời PV Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) nhận định về động thái bắt 6 ngư dân VN của TQ: “Thực ra diễn biến này không có gì ngạc nhiên khi mà trước đây TQ đã nhiều lần bắt giữ các ngư dân VN và sau đó đòi tiền chuộc. Đây là một hành động leo thang của TQ nhằm gia tăng áp lực lên phía VN. Với việc áp sát tàu cá và dùng súng uy hiếp ngư dân, TQ đang tiếp tục có những hành vi mang tính cướp biển ở cấp quốc gia”.
Theo Giáo sư Thayer, điều đáng quan ngại ở đây là các lực lượng trên biển của TQ đang hành động mà không hề lo sợ sẽ bị trừng phạt từ cấp trên của họ và thực tế đã chứng minh họ luôn được bật đèn xanh để “lên tàu, đánh đập và cướp tài sản của ngư dân VN”. Ông Thayer nhận định: “Tôi không thể đọc ý nghĩ của người TQ, nhưng tôi không thể loại trừ khả năng vụ bắt giữ 6 ngư dân chỉ là màn khởi đầu của một chiến dịch tổng lực từ phía Bắc Kinh trong cuộc chiến pháp lý để khẳng định cái gọi là chủ quyền của họ trên biển Đông”.
Giáo sư Thayer phân tích: “Họ ngang nhiên làm luật để phục vụ cho mưu đồ thôn tính biển Đông, rồi ngang nhiên tuyên bố “chúng tôi đang thực thi luật pháp” bất chấp luật pháp quốc tế”. Tháng 1.2014, sau khi áp đặt vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, TQ tiếp tục khiến biển Đông nổi sóng với quy định phi lý cấm tàu bè nước ngoài hoạt động nghề cá tại khu vực bao phủ gần trọn biển Đông. Khi đó, tỉnh Hải Nam đã ban hành quy định yêu cầu tàu cá nước ngoài phải xin phép chính quyền TQ nếu muốn đánh bắt trong “vùng quản lý” của địa phương này.
Ngày 27.6 mới đây, Ủy ban Thường vụ quốc hội TQ đã ban hành luật Bảo vệ cơ sở quân sự, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1.8. Đạo luật này là phiên bản mới của một bộ luật ban hành hồi năm 1990, bổ sung nghiêm cấm các hoạt động đánh bắt thủy hải sản và các công trình xây dựng dân sự tại “vùng biển cấm” theo định nghĩa từ Bắc Kinh.
Với việc đạo luật mới không nói rõ sẽ được áp dụng ở những vùng biển nào, giới phân tích dự báo chính sự mập mờ này sẽ càng đẩy các ngư dân của VN hay bất kỳ một nước thứ ba nào khác vào tình thế nguy hiểm khi đánh bắt trên biển Đông. Giáo sư Zachary Abuza (Mỹ) nhận định với Thanh Niên: “Tôi dự báo là khi đạo luật này có hiệu lực, sẽ có thêm nhiều vụ quấy rối, giam giữ ngư dân VN hay bất kỳ một nước nào khác. Đây là những động thái được tính toán rất kỹ của TQ và họ cũng biết chắc rằng nếu có ngang nhiên hành động thì Mỹ cũng sẽ chẳng thể can thiệp”. Trong tình hình đó, các chuyên gia khuyến cáo tàu bè VN tránh hoạt động riêng lẻ để giảm thiểu những thiệt hại có thể phải gánh chịu từ các hành vi trên biển của Bắc Kinh.
Giáo sư Thayer đúc kết: “TQ đang muốn căng sức VN trên nhiều mặt trận. Bắc Kinh đang dần dần chuyển từ thử thách quyết tâm bảo vệ chủ quyền của VN sang trừng phạt sự phản kháng từ phía VN. Nói cách khác, TQ đang dùng vũ lực để buộc VN thuận theo ý muốn của mình”.
Mỹ cần kiểm soát sự bành trướng của Trung Quốc
Đó là khuyến cáo vừa được cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michèle Flournoy và chuyên gia Ely Ratner tại Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS) đưa ra trong bài bình luận đăng trên tờ The Washington Post ngày 4.7. Bà Flournoy và ông Ratner chỉ ra kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo TQ năm 2013, Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh việc củng cố tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và biển Hoa Đông một cách quyết liệt hơn. Hai chuyên gia cho rằng nếu những hành động trên biển của TQ không được kiểm soát, chúng dần dần sẽ thay đổi cơ bản trật tự quốc tế ở châu Á theo hướng bất lợi cho sự ổn định và những lợi ích sống còn của Mỹ cũng như của các đồng minh và đối tác. Từ đó, hai chuyên gia cho rằng Mỹ cần phải ngăn chặn hành động gây bất ổn của TQ bằng cách thực hiện các biện pháp duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở châu Á. Mỹ có thể bắt đầu bằng cách hỗ trợ xây dựng một cơ chế cho việc nâng cao nhận thức về biển trong khu vực để ngăn chặn các hành vi mạo hiểm và cho phép chính quyền các nước bảo vệ tốt hơn bờ biển của họ. Ngoài ra, Mỹ cũng nên hỗ trợ các nước phát triển khả năng phòng thủ để có thể ứng phó các hành vi của TQ. Hai chuyên gia còn khuyến cáo Washington chuẩn bị nhiều cơ chế quản lý khủng hoảng khác nếu Bắc Kinh cứ tiếp tục trì hoãn đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
- Vụ giàn khoan HD981:Không dễ dàng…bẻ một bó đũa
- Dư luận thế giới về vụ dàn khoan HD981
- Hai “quả đấm thép” của Cảnh sát biển sẽ tiếp cận giàn khoan 981
- Giàn khoan 981 đã khoan xuống đáy biển Việt Nam chưa?
- Triệu hồi Tổng lãnh sự Trung Quốc để phản đối việc đặt giàn khoan 981
- Nỗi tủi hổ của giàn khoan HD 981
- Cận cảnh tàu tuần tra lớn nhất Việt Nam điều ra giàn khoan
- Đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan HD 981
- Cảnh sát biển điều tàu tuần tra lớn nhất ra khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép
- Hai ý đồ chiến lược của Trung Quốc trong vụ đặt giàn khoan HD-981
- Trung Quốc tăng phạm vi cấm quanh vị trí đặt giàn khoan 981
- Trung Quốc "cảnh báo" bình luận của Mỹ về biển Đông
- Chào cờ xếp hình Tổ quốc hướng về Biển Đông
- Báo chí thế giới lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
- ASEAN ra tuyên bố lịch sử về biển Đông
- "Biển Đông căng thẳng, ASEAN cần đoàn kết và có phản ứng chung"
- Các ngoại trưởng ASEAN quan ngại tình hình ở Biển Đông
- "Trung Quốc đang biến Biển Đông thành nồi nước sôi”
- Nga tuyên bố không khoan dầu cùng Trung Quốc
- Cư dân mạng Trung Quốc phê phán cách hành xử của chính quyền Bắc Kinh
- Người tiêu dùng và tiểu thương tẩy chay, ngừng bán hàng Trung Quốc
- Lộ diện nhóm hacker Trung Quốc
- Người lao động Bình Dương xuống đường phản đối Trung Quốc