Trung Quốc lạm phát phi mã

16-06-2011 07:45 | Quốc tế
google news

Chính quyền Trung Quốc khẩn cấp ban hành biện pháp hạ nhiệt kinh tế với hy vọng làm giảm bớt tình trạng vật giá leo thang trong bối cảnh bạo loạn xã hội đang có xu hướng gia tăng.

Chính quyền Trung Quốc khẩn cấp ban hành biện pháp hạ nhiệt kinh tế với hy vọng làm giảm bớt tình trạng vật giá leo thang trong bối cảnh bạo loạn xã hội đang có xu hướng gia tăng. Chính phủ công bố tỷ số lạm phát tháng 5 lên đến 5,5% cùng lúc với một bản nghiên cứu của Quốc Vụ viện thẩm định lòng bất mãn của thành phần công nhân gốc nông dân (khoảng 145 triệu người) đe dọa ổn định của xã hội.

Theo AFP, chỉ số lạm phát được xem là tín hiệu nhạy cảm tại Trung Quốc đã lên đến mức cao nhất kể từ 34 tháng qua. Ngày 14/6/2011, Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc thông báo chỉ số giá cả gia tăng trong tháng 5/2011 là 5,5%, tiếp tục tăng thêm so với 5,4% vào tháng trước. Vào tháng 7/2008, lạm phát tại Trung Quốc đã lên 6,3% khiến cho Bắc Kinh phải ban hành nhiều biện pháp kiềm chế vì e ngại tác động bất ổn xã hội, nhưng dường như không đạt được hiệu quả mong muốn. Sản xuất công nghiệp vẫn tăng đến 13% tính trong 12 tháng qua, với tỷ lệ đầu tư trong cùng thời gian này tăng 25,8%.

Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên của Cơ quan Thống kê Trung Quốc Thịnh Lại Vận (Sheng Laiyun) thừa nhận, Trung Quốc vẫn phải đương đầu với áp lực lạm phát nghiêm trọng. Một chuyên gia kinh tế của Viện Hàn lâm khoa học xã hội, kiêm cố vấn Chính phủ dự báo giá cả sẽ tăng thêm vào khoảng 6% trong tháng 6. Vài giờ saukhi các chỉ số bi quan này được công bố, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ban hành biện pháp ngăn chặn bớt lượng tiền mặt tung vào thị trường bằng cách bắt buộc các ngân hàng tín dụng nộp thêm ngân khoản dự trữ vào Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, theo AFP, hy vọng kiềm chế lạm phát ở tỷ lệ 4% trong năm nay có thể xem như không thể đạt được.Thêm vào đó, hạn hán và lũ lụt tàn phá miền Trung và Nam Trung Quốc trong những tuần vừa qua làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện và đẩy giá cả, nhất là thực phẩm leo thang. Với giá nhu yếu phẩm tăng nhanh hơn các loại hàng hóa khác làm cho đời sống của thành phần dân chúng có mức thu nhập thấp và đồng lương cố định khốn khó hơn.

 Chỉ số lạm phát của Trung Quốc đa lên đến mức cao nhất kể từ 34 tháng qua.

Trong khi đó, theo hãng tin CNBC, một lượng lớn cổ phiếu của Trung Quốc giao dịch tại Mỹ đã bị nhà đầu tư bán tháo. Những vụ tai tiếng gần đây ở chính những công ty này đã khiến giới đầu tư và môi giới đề cao cảnh giác. Thậm chí, những nhà đầu tư ưa mạo hiểm cũng bắt đầu chuyển hướng. Các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của khối doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ vốn luôn thu hút các nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm cũng không tránh được xu hướng giảm giá. Trước đây, các vụ IPO kiểu này luôn thu hút nhiều người mua bởi lợi tức trên mức trung bình.

Trong bản báo cáo do Trung tâm nghiên cứu của Quốc Vụ viện công bố ngày 14/6/2011, các tác giả nhận định rằng: Một trong các nguy cơ đe dọa sự ổn định xã hội xuất phát từ một thành phần công nhân, trụ cột cho công cuộc phát triển kinh tế hiện nay, đó là giới nhân công từ nông thôn bỏ làng đi kiếm sống ở các khu công nghiệp. Thành phần này không chỉ được trả lương thấp mà còn bị khinh miệt, phân biệt đối xử. Theo thống kế chính thức, khoảng 145 triệu dân quê đã bỏ làng lên tỉnh gia nhập đội quân lao động nhập cư nói trên. Ban Nghiên cứu của Quốc Vụ viện khẳng định: Nếu đời sống bấp bênh của họ không được cải thiện thì ổn định xã hội sẽ bị đe dọa.

Trong bài “Cơn giận của lao động nhập cư tại miền Nam Trung Quốc”, hãng Reuters thuật lại những cuộc bạo loạn đốt cơ quan chính quyền, xe cảnh sát tại nhiều nơi ở Quảng Đông trong những tuần qua. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hồi cuối tháng 5 đã phải thừa nhận: “Trung Quốc đang lâm vào giai đoạn mâu thuẫn xã hội gay gắt khiến cho việc quản lý xã hội trở nên khó khăn và phức tạp hơn”.

HƯƠNG LINH


Ý kiến của bạn