Hà Nội

Trung Quốc làm "nhái" tượng nhân sư

04-06-2014 20:00 | Quốc tế
google news

Trung Quốc nổi tiếng thế giới vì rất giỏi sao chép các mặt hàng, từ quần áo tới xe hơi… Và giờ họ 'nhái' cả bức tượng nhân sư nổi tiếng của Ai Cập.

Bức tượng nhân sư “nhái” được dựng ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, có chiều dài khoảng 80m, chiều cao 30m, được xây bằng xà thép và xi măng. Nó giống hệt bức tượng nhân sư nổi tiếng của Ai Cập.

Bức tượng này sắp bị phá bỏ sau khi Ai Cập phản ánh sự việc lên UNESCO. Quan chức Ai Cập sau khi biết về sự tồn tại của một bức tượng nhân sư “nhái” ở Trung Quốc với kích thước giống hệt bức tượng thật đã phản ánh sự việc lên UNESCO.

Quan chức tỉnh Hà Bắc đã trả lời phỏng vấn của báo giới và “phân trần” rằng bức tượng nhân sư “nhái” kia được dựng lên ở ngoại ô thành phố Thạch Gia Trang chỉ nhằm mục đích phục vụ tạm thời cho việc thực hiện những bộ phim truyền hình và điện ảnh lấy bối cảnh ở đất nước Ai Cập: “Chúng tôi rất tôn trọng những di sản văn hóa thế giới và rất xin lỗi nếu khiến mọi người hiểu lầm mục đích”.

Tượng nhân sư "nhái" của Trung Quốc

Từ trước đến nay, Trung Quốc vốn đã nổi tiếng thế giới là một quốc gia rất giỏi sao chép các mặt hàng, từ quần áo, giày dép tới đồ điện tử, xe hơi… Hiện giờ, Trung Quốc bắt đầu bước lên một “tầm cao mới” trong khả năng sao chép, làm nhái, đó là xây dựng những “công trình nhái” vốn là biểu tượng quốc gia của nhiều dân tộc trên thế giới, chẳng hạn tháp Eiffel của Pháp, nhà hát Sydney của Úc hay núi Rushmore của Mỹ…

Ở phía tây nam thành phố Trùng Khánh còn có một công viên “sưu tầm” những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất thế giới như bức tượng David của Michelangelo, tượng Người suy tưởng của Rodin hay tác phẩm điêu khắc khổng lồ trên vách núi khắc họa chân dung 4 vị Tổng thống Mỹ…

Mức độ sao chép của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở một công trình, mà quốc gia này còn có thể sao chép nguyên cả một… ngôi làng. Đó là ngôi làng Hallstatt tuyệt đẹp nằm bên dãy An-pơ của Áo vốn đã được UNESCO công nhận là địa danh Di sản Thế giới. Hiện giờ ngôi làng đó đã có một người anh em song sinh ở phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Hiện mới chỉ có Ai Cập lên tiếng trước vấn nạn “đạo danh lam thắng cảnh” ở Trung Quốc. Không rõ nếu đồng loạt nhiều nước cùng lên tiếng trước hiện tượng này, Trung Quốc sẽ hành xử ra sao với những công trình của mình?

Bích Ngọc

 

 


Ý kiến của bạn