Trong cuộc họp báo mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ quan điểm của Mỹ: “Chúng tôi muốn thấy việc tạo ra một quy tắc ứng xử, vấn đề này nên được giải quyết một cách hoà bình, thông qua Luật Biển, trọng tài quốc tế hoặc bất cứ một kênh nào khác, nhưng không có đối đầu trực tiếp”.
Trong những ngày qua, tình hình biển Đông lại dậy sóng bởi hàng loạt các hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc. Chưa bao giờ, chân lý về chủ quyền dân tộc lại trở nên sâu sắc và nhận được sự đồng thuận đến thế của 90 triệu người dân Việt Nam và hàng triệu kiều bào nước ngoài. Không chỉ dư luận quốc tế, bạn bè nước ngoài cũng như các học giả quốc tế đã có những ý kiến ủng hộ những hành động và việc làm của Việt Nam, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

Người Việt ở Praha, Cộng hòa Séc biểu tình phản đối Trung Quốc.
Trên website Bộ Nội vụ Philippines đã đăng tải thông điệp: “Vietnam, You’re not Alone” (Việt Nam, các bạn không đơn độc) để chỉ rõ sự ủng hộ của người dân Philippines đối với Việt Nam. Các cuộc tuần hành xuống đường phản đối trong hoà bình của nhân dân Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đã được sự hưởng ứng của bạn bè quốc tế cũng như người dân sở tại.
Cách đây vài năm, trong một buổi họp báo tổ chức tại Hà Nội, khi một phóng viên Trung Quốc hỏi Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc bấy giờ Michael Michalak về quan điểm của ông về biển Nam Trung Hoa (South China Sea - biển Đông), ông thốt lên đầy ngạc nhiên, tại sao lại gọi là biển Nam Trung Hoa (South China Sea), tôi nghĩ phải gọi là East Sea - biển Đông mới đúng. Ông đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cá nhân ủng hộ Việt Nam.
Một nhà nghiên cứu về Đông Nam Á, tại Washington (Mỹ) ông Ernest Bower - Chủ tịch Sumitro nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế cho biết, hành động của Trung Quốc đang gây ra mối lo ngại của các nước láng giềng và rằng Việt Nam có thể mong đợi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Với những hành động này của mình, Trung Quốc “đang thúc đẩy ASEAN hướng tới một mối quan tâm chung”. Ông Ernest cho biết, Trung Quốc đang áp dụng một chiến thuật mới ở khu vực, ASEAN cần phải đoàn kết nếu không muốn Trung Quốc tiếp tục có hành động tương tự ở quốc gia của mình. Bởi mục đích mà Trung Quốc muốn đạt được là một “ASEAN yếu thế và chia rẽ khi nói về biển Đông”.
Ngay trên trang thông tin điện tử của Trung Quốc tờ Thượng Hải (Shanghaiist) còn viết: Vào năm 2011, mặc dù Trung Quốc và Việt Nam đã ký thỏa thuận giải quyết một cách hòa bình các vấn đề trên biển Đông, nhưng Trung Quốc đã phá vỡ thỏa thuận đó. Ngay cả người dân Trung Quốc, không phải cá nhân nào cũng ủng hộ hành động trái ngược của Chính phủ. Bạn đọc Jiubannongju ở Tứ Xuyên viết: “Chúng ta giống như cướp biển. Xấu hổ vì là người Trung Quốc”, “bạo động trong nước đang khiến dân lo lắng, chính quyền lại đi gây hấn với quốc gia khác”.
Một trang thông tin của người Trung Quốc Duowei có một bài phân tích về chiến lược của Trung Quốc đối với Việt Nam và Philippines. Hai vụ việc, hai hành động nhưng Trung Quốc đang có một mục đích chung. Tờ báo thừa nhận: “Trung Quốc là kẻ xâm lược trên biển”. Không chỉ người Trung Quốc mà cả các học giả, chuyên gia, các nhà chính trị nước ngoài cũng thừa nhận hành động đi ngược lại luật pháp và lẽ phải, nhưng tại sao một Trung Quốc hùng mạnh lại có thể có hành động không xứng tầm một nước lớn? Đó là câu hỏi mà những người dân yêu chuộng hoà bình ở Việt Nam và trên thế giới đều yêu cầu Trung Quốc trả lời: Hãy hành xử đúng luật và có trách nhiệm...
TP. HCM: Triệu mời đại diện Tổng lãnh sự Trung Quốc để phản đối
Ngày 12/5, lãnh đạo Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh đã mời đại diện Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh đến để phản đối về việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) và một lượng lớn tàu bảo vệ vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở biển Đông. Những hành động này của Trung Quốc là bất hợp pháp, ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam, trong đó có nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa. Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp, cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
PV (Theo TTXVN)