Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua vào châu Phi

04-09-2018 16:01 | Quốc tế
google news

SKĐS - Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) 2018 tại Bắc Kinh ngày 3/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ thực thi 8 sáng kiến lớn với các nước châu Phi. Như vậy, một lần nữa Trung Quốc lại trở thành quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua vào châu Phi.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ khuyến khích các công ty tăng cường đầu tư tại châu Phi. Trung Quốc sẽ thực hiện 50 chương trình hỗ trợ nông nghiệp, cung cấp viện trợ thực phẩm nhân đạo khẩn cấp trị giá một tỷ Nhân dân tệ (147 triệu USD) cho các nước châu Phi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, và cử 500 chuyên gia cao cấp về nông nghiệp sang hỗ trợ châu Phi. Đáng chú ý, Trung Quốc sẽ lập một quỹ hòa bình và an ninh Trung Quốc - châu Phi và tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự miễn phí cho Liên minh châu Phi. Tổng cộng Trung Quốc sẽ rót 50 chương trình hỗ trợ an ninh, trong đó có phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chống hải tặc, chống chủ nghĩa khủng bố.Trung Quốc cam kết sẽ giải ngân toàn bộ 60 tỷ USD cam kết hỗ trợ châu Phi, được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh FOCAC ở Johannesburg (Nam Phi) năm 2015. Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc theo đuổi một cách tiếp cận "5 không" trong quan hệ với châu Phi.

Thực tế, Diễn đàn Trung Quốc – châu Phi được thành lập từ năm 2000 và đến nay đã trải qua 6 kỳ hội nghị. Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Phi đang trở thành đích đến của cuộc chạy đua tìm kiếm lợi ích giữa các nước lớn, Trung Quốc dường như cũng đẩy nhanh hơn sự hợp tác về kinh tế và thương mại với “lục địa Đen”. Và Diễn đàn Trung Quốc – châu Phi lần này là nơi thể hiện những cam kết của Bắc Kinh. Ngay trong phiên khai mạc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi vào chiều 3/9 tại Bắc Kinh, xoay quanh chủ đề “Hợp tác cùng thắng, cùng nhau xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – châu Phi chặt chẽ hơn”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi tăng cường kết nối các chiến lược hợp tác giữa Trung Quốc và châu Phi, trước mắt sẽ là kết nối sáng kiến "vành đai và con đường" của Trung Quốc với "Chương trình hành động đến năm 2063" của Liên minh châu Phi, hay với "Chương trình hành động đến năm 2030" của LHQ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ tiếp tục “sát cánh” cùng châu Phi.

Trải qua 6 kỳ Hội nghị, Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi là kênh tiếp xúc quan trọng, hiệu quả, tăng cường, thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và các nước châu Phi trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế - thương mại, đầu tư, quân sự và giao lưu nhân dân. Diễn đàn năm nay diễn ra ngay sau chuyến thăm châu Phi của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều thay đổi, Vị thế của Trung Quốc hiện cũng đã khác xưa, bên cạnh đó chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy, rồi chiến tranh, khủng bố xuất hiện tại nhiều điểm nóng. Đáng chú ý, cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đang diễn biến hết sức phức tạp và chắc chắn sẽ còn kéo dài, đòi hỏi Trung Quốc phải đẩy mạnh triển khai chiến lược "Vành đai và con đường", cũng như xây dựng các mối quan hệ quốc tế khác nhằm phá thế bị động, bị cô lập về kinh tế, chính trị. Việc Trung Quốc tổ chức Diễn đàn năm nay với quy mô lớn không nằm ngoài mục đích tăng cường vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc tại Lục địa đen giàu tài nguyên. Với nguồn tài chính dồi dào, lĩnh vực cũng như phạm vi hợp tác của Trung Quốc tại châu Phi ngày càng mở rộng, từ kinh tế thương mại, đầu tư cho tới hợp tác về quân sự hay là trung gian hòa giải xung đột. Không thể phủ nhận, vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi ngày càng lớn.

Việc Trung Quốc coi Diễn đàn năm nay là một trong 4 sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm 2018, cũng như quy mô tổ chức cho thấy Trung Quốc coi trọng hợp tác với châu Phi. Bên cạnh việc rót tiền cho châu Phi như đã nói ở trên, Trung Quốc còn thực hiện hàng loạt các chính sách mềm mỏng khác nhằm thay đổi cách nhìn của người dân châu Phi đặc biệt là những người trẻ đối với Trung Quốc, như dành cho châu Phi hơn 50 nghìn suất học bổng tại Trung Quốc mỗi năm, tăng cường đào tạo công nhân kỹ thuật cho châu Phi.

Đến thời điểm hiện tại Trung Quốc đã thành công đáng kể trong việc xác lập vị thế chính trị, ngoại giao và kinh tế ở Lục địa Đen. Tuy vậy, bản thân Bắc Kinh cũng đứng trước các thách thức trong việc tiếp tục gia tăng sự hiện diện tại châu lục này. Đó là việc chính phủ các quốc gia châu Phi ngày càng nhận thấy rõ nguy cơ gánh nợ từ các khoản vay của Trung Quốc, từ đó tìm cách thúc đẩy các thỏa thuận có lợi hơn cho họ. Lo ngại bị “bẫy nợ” khiến không ít quốc gia châu Phi đang lập rào cản với làn sóng đầu tư từ Trung Quốc. Một thách thức nữa với Trung Quốc là cuộc đua của các nước lớn vào khu vực châu Phi đang ngày càng sôi động. Ngoại trừ Mỹ, các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức và cả đến Ấn Độ  đều bắt đầu khởi động sự trở lại mảnh đất truyền thống này. Nước Anh đặt mục tiêu đến năm 2022  sẽ trở thành nước có mức đầu tư tại châu Phi cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Đức cũng tập trung vào “Kế hoạch Marshall vì châu Phi”, nhằm chấn hưng nền kinh tế, qua đó góp phần ngăn chặn làn sóng di cư từ châu Phi tới châu Âu….Điều này khiến Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức dài hạn trong cuộc đua vào châu Phi sắp tới.


N.Quang
Ý kiến của bạn