Trung Quốc đắc lợi từ khủng hoảng Ukraine

05-09-2014 11:00 | Quốc tế
google news

Trong khi Âu, Mỹ mải mê đấu với Nga cả về chính trị và kinh tế xoay quanh khủng hoảng Ukraine, thì Bắc Kinh thu về nhiều lợi lộc nhờ khéo léo tận dụng tình hình.

  • putin-and-xi-4709-1409826636.jpg
    Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi ký kết hợp đồng giao dịch dầu khí lịch sử giữa hai nước hồi tháng 5. Ảnh: GCR
  •  

Ngày 1/9, các nhà lãnh đạo phương Tây mới đây ra tối hậu thư cho Nga, thời hạn 7 ngày, để Nga thay đổi chính sách với Ukraine. Đây chỉ là một bước đi nữa trong chuỗi những hành động trừng phạt kinh tế đối với Nga kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra.

Gần như đồng thời với tuyên bố trên của EU, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự lễ khởi công xây dựng đường ống dẫn dầu lớn hàng đầu thế giới tại đông Siberia với ông Trương Cao Lệ, Phó thủ tướng Trung Quốc.

"Nhìn chung, chúng tôi rất thận trọng cân nhắc việc cho phép đối tác nước ngoài tham gia các dự án dầu mỏ của mình, tuy nhiên đối với người bạn Trung Quốc chắc chắn sẽ không có giới hạn nào", FT dẫn phát biểu của ông Putin trong buổi lễ.

Trung Quốc có vẻ là nước giành được chiến thắng lớn từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine, khi quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chuyển dần từ xấu sang cực kỳ tồi tệ. Martha Brill Olcott, giáo sư lâu năm nghiên cứu quan hệ chính trị giữa Nga và Trung Á, nhận định "Trung Quốc chắc chắn sẽ hưởng lợi".

Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận khổng lồ, vốn bị trì hoãn từ lâu vì vấn đề giá, về giao dịch khí đốt với Gazprom, công ty khai thác khí thiên nhiên và năng lượng lớn nhất nước Nga. Đồng thời Trung Quốc cũng tiến hành những bước tiếp theo để có thể tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất dầu khí.

Gazprom cuối cùng phải ký bản hợp đồng kéo dài 30 năm trị giá khoảng 400 tỷ USD với Trung Quốc vào tháng 5 sau gần một thập kỷ nắm những lợi thế về thương thảo. Bản hợp đồng ràng buộc hai quốc gia vào mối quan hệ đối tác lâu dài và giúp giảm phụ thuộc của Nga với thị trường khí đốt châu Âu.

Nga đang là nguồn cung chính, đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu. Tuy nhiên bất ổn trong quan hệ với Ukraine từ trước cuộc khủng hoảng hiện nay khiến phương Tây thay đổi chiến lược, dần dần đa dạng hóa nguồn cung nhằm thoát khỏi ràng buộc với Moscow. Và như vậy Nga cần tìm thị trường mới.

Bản thỏa thuận với Trung Quốc là ví dụ rõ nhất cho thấy Nga cũng đang chuyển mục tiêu sang thị trường châu Á. Ngư ông đắc lợi, Bắc Kinh có được lợi thế trong cuộc đàm phán về năng lượng, vốn là bài toán khó cho nước này nhiều năm qua khi kinh tế phát triển với tốc độ vượt bậc.

Theo Malcolm Graham-Wood, chuyên gia tư vấn thuộc công ty năng lượng HydroCarbon Capital của Anh, Nga đang bán nguồn tài nguyên của mình với "giá rẻ".

"Với Putin, ông ta chỉ muốn gửi thông điệp tới người châu Âu rằng 'chúng tôi không cần phải bán dầu mỏ cho các ông'", VOA dẫn lời Graham-Wood bình luận.

Bên cạnh lợi ích rõ ràng về dầu khí, Bắc Kinh còn tận dụng được bối cảnh thị trường tiêu dùng của Nga đang thiếu nguồn cung, sau khi chính phủ Nga trả đũa châu Âu bằng cách cấm nhập nông sản và hàng tiêu dùng từ các thành viên EU.

Nắm lấy cơ hội, các doanh nhân Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để lấp đầy mọi chỗ trống trên các kệ hàng trong siêu thị Nga, theo quản lý của tập đoàn Shandon Goodfarmer, công ty chuyên xuất khẩu táo, tỏi và gừng lớn nhất Trung Quốc.

Ngoài các lợi ích về kinh tế, Trung Quốc cũng đang hưởng lợi về chính trị do Mỹ và châu Âu đang đặt sự quan tâm vào khủng hoảng Ukraine. Robert Daly, người đứng đầu viện nghiên cứu Kissing Wilson cho rằng vấn đề Ukraine giúp Bắc Kinh thoát khỏi sự theo dõi nghiêm ngặt của thế giới trước những động thái gây hấn trong khu vực.

"Trung Quốc giành được lợi ích to lớn nhất khi các vụ việc ở Ukraine thậm chí là Iraq và Syria nổ ra. Những sự kiện này khiến Mỹ phân tâm và đánh mất sự chú ý vào việc cân bằng sức mạnh quân sự ở phía Đông", VOA dẫn lời ông Andrew Kuchins, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét.

 

 


Ý kiến của bạn