Trung Quốc đã mở rộng Gạc Ma tới 100.000m2

20-09-2014 14:41 | Quốc tế
google news

Hình ảnh vệ tinh do cơ quan Quốc phòng và Không gian Airbus đưa ra đã cho thấy có sự tiến triển nhanh chóng và thay đổi lớn trong hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa.

 

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã mở rộng Gạ Ma ra rất nhiều so với trước đây.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã mở rộng Gạ Ma ra rất nhiều so với trước đây.

Cho tới đầu năm 2014, cấu trúc nhân tạo duy nhất trên bãi đá ngầm Gạc Ma mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988 là một sàn bê tông nhỏ, trên đó có một cơ sở liên lạc, tòa nhà của đơn vị đồn trú và một cầu cảng. Sàn bê tông này hiện được bao quanh bởi một hòn đảo rộng xấp xỉ 400m (ở hai điểm cách xa nhau nhất) và có diện tích khoảng 100.000m2.

Công nhân đã xây dựng một bức tường kiên cố quanh toàn bộ hòn đảo. Ngoài ra còn có 2 bến tàu lưu động và một cầu cảng ở phía sườn tây bắc của Gạc Ma, các phần móng có thể để xây một tòa nhà lớn ở phía sườn tây nam, trong khi cũng có thể thấy các máy khử muối, khu trộn bê tông và một kho nhiên liệu.

Bãi Gạc Ma không chỉ là địa điểm xây dựng duy nhất của Trung Quốc ở Trường Sa. Hình ảnh đề ngày 13/9 và được các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc công bố cũng cho thấy hoạt động xây dựng tượng tự ở bãi đá Châu Viên, với các máy khử muối, cần trục, máy khoan cùng với các đống vật liệu xây dựng.

Dữ liệu theo dõi tàu AISLive được tạp chí quân sự HIS Jane’s đăng tải hồi tháng 6/2014 cho thấy tàu nạo vét Ting Jing Hao, tàu chịu trách nhiệm cho gần như toàn bộ hoạt động nạo vét, bồi đắp đất của Trung Quốc ở Trường Sa, đã tới đá Châu Viên 3 lần kể từ tháng 9/2013 và lần gần đây nhất là từ 10/4-22/5/2014.

Ting Jing Hao cũng chịu trách nhiệm cho hoạt động nạo vét ở Gạc Ma và đã tới bãi Ga Ven, nằm ở trung tâm Trường Sa và gần với đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm giữ.

Hình ảnh do chính phủ Philippines công bố hồi tháng 8 vừa qua cũng cho thấy hoạt động bồi đắp đất ồ ạt của Trung Quốc ở bãi Gạc Ma, một trong những bãi thuộc cụm Sinh Tồn thuộc Trường Sa.

Theo tạp chí Jane’s, từ tất cả những hoạt động được nêu trên, Trung Quốc đang xây dựng các đảo quanh các cơ sở bê tông mà họ đã xây dựng trong những năm 1980 và 1990. Chương trình mở rộng hoạt động bồi đắp đất ở Trường Sa này của Trung Quốc đã phớt lờ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, tuyên bố không có tính ràng buộc được ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002.

Và hoạt động của Bắc Kinh trên Trường Sa suốt 12 tháng qua là thách thức đối với hiện trạng khu vực, bởi họ đã tạo ra những khu đất rộng lớn có khả năng để xây các căn cứ quân sự rất gần với lãnh thổ của các nước khác.

Jane’s nhận định: “Lịch sử xung đột ở Biển Đông cho thấy những căn cứ như vậy có thể được dùng làm điểm xuất kích để tấn công vào các thực thể gần đó, mặc dù cho tới nay Trung Quốc thích khẳng định tuyên bố chủ quyền trong khu vực bằng các tàu bán quân sự và bằng cách phong tỏa hơn.”

 


Ý kiến của bạn