Một sản phẩm sữa của Trung Quốc được phát hiện nhiễm melamine tại Philippine. Ảnh: AP. |
Wang Xuening, một quan chức Bộ Y tế Trung Quốc hôm nay cho biết, một lượng nhỏ melamine có thể xâm nhiễm từ môi trường, bao bì vào trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên việc cố ý cho hóa chất này vào thực phẩm bị nghiêm cấm tuyệt đối.
Theo đó, hàm lượng melamine được xem là an toàn ở mức 1 mg trên mỗi kg (1ppm) đối với sữa bột trẻ em và 2,5 ppm đối với sữa nước, sữa bột và các loại thực phẩm khác có chứa hơn 15% là sữa.
"Tiêu chuẩn này sẽ giúp đánh giá liệu melamine có phải cố tình được cho vào không. Nếu hàm lượng vượt quá 1 mg, chúng tôi có lý do để tin rằng nó được người ta cố ý cho vào. Nếu hàm lượng thấp hơn thế, rất có thể đó là do nhiễm vô tình từ môi trường".
Cho tới nay Trung Quốc chưa có tiêu chuẩn về melamine. Các quan chức y tế nước này cho biết sẽ không có hại gì nếu người tiêu dùng sử dụng ở hàm lượng ít hơn 0,63 mg/kg.
Các bảng hướng dẫn ở Hong Kong và New Zealand cũng cho biết melamine cho phép trong thực phẩm là nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 ppm. Tiêu chuẩn này tương tự ở Australia và Malaysia.
Tại Mỹ, Cơ quan Thuốc và Thực phẩm nước này tuần trước cho biết các chuyên gia chấp nhận rằng việc ăn melamine ở hàm lượng 2,5 ppm (rất nhỏ) sẽ không gây hại cho sức khỏe, ngay cả khi người ta ăn thực phẩm này dài ngày.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể về chất này. Các sản phẩm nhiễm melamine tìm thấy tại nước ta trong thời gian gần đây đều có hàm lượng rất thấp, chẳng hạn sản phẩm của Anco chỉ ở mức 203 microgam/kg (0,203 ppm), hoặc sữa tiệt trùng Hi-P sôcôla của của HanoiMilk là 0,15 ppm.
Tiến sĩ Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cũng khẳng định các sản phẩm sữa ở Việt Nam tương đối an toàn, kể cả những sản phẩm đã nhiễm melamine, vì chúng chỉ có hàm lượng thấp.