Hà Nội

Trung Quốc chống tham nhũng: Hổ đã bị tóm

08-12-2014 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tân Hoa Xã đưa tin, ông Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc, đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị bắt, sau khi chính quyền cho mở điều tra về tội tham nhũng nhắm vào nhân vật này.

Báo chí Trung Quốc đưa tin Chu Vĩnh Khang bị bắt.

Chu Vĩnh Khang là quan chức cấp cao nhất ở nước này bị điều tra tham nhũng trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” đang được tiến hành rộng rãi hiện nay ở Trung Quốc. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cơ quan truy tố hàng đầu của Trung Quốc cho biết, họ đã mở một cuộc điều tra chính thức kết tội ông này. Trước khi nghỉ hưu cách đây hai năm, ông Chu Vĩnh Khang đứng đầu bộ máy an ninh nội bộ rộng lớn của Trung Quốc được biết đến là Ủy ban Chính pháp. Ông cũng từng là Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 2000 đến năm 2007. Trước khi bị bắt, ông phải chịu sự điều tra của một ủy ban đặc biệt do người lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản chỉ đạo, trong một phần của một chiến dịch rộng lớn hơn, chống tham nhũng. Chu Vĩnh Khang, một trong những nhân vật cao cấp nhất trong chính quyền Bắc Kinh, đã bị cáo buộc “tiết lộ” bí mật quốc gia, lạm dụng quyền lực, tham nhũng, theo thông cáo của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngoài ra, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc còn “có những hành vi ngoại tình với nhiều phụ nữ và sử dụng quyền lực của mình để có được tình dục và tiền bạc”. Theo thông cáo của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, hành vi của Chu Vĩnh Khang đã làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, sự nghiệp của Đảng và nhân dân. Việc khai trừ Đảng đối với ông Chu Vĩnh Khang đã được quyết định trong một cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương, ngày 5/12 và nhân vật này bị đặt trong sự “quản lý tư pháp”, một giai đoạn chuẩn bị trước khi tiến hành truy tố. Như vậy, sẽ có vụ xét xử Chu Vĩnh Khang, bởi vì sau khi bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc trở thành một công dân bình thường, như mọi người khác. Theo thông cáo của Bộ Chính trị, ông Chu dường như lạm dụng quyền lực để giúp đỡ những người thân cận, nhân tình và bạn bè kiếm những khoản lợi lớn trong các hợp đồng thương mại, hàm ý nói tới lĩnh vực dầu khí. Chính trong lĩnh vực này mà ông Chu đã leo cao, đạt tới đỉnh cao quyền lực.

Nguyên là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất Trung Quốc, bản thông cáo nhấn mạnh, các hành vi của ông Chu đã làm tổn hại uy tín của Đảng. Sắp 72 tuổi, Chu Vĩnh Khang không xuất hiện trước công chúng từ tháng 10/2013. Gọng kìm từng bước siết chặt lại: Những người thân cận, các đồng minh chính trị, như Bạc Hy Lai hoặc các cộng sự của ông lần lượt bị bắt.

Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch cấp cao để loại bỏ tệ nạn tham nhũng sâu rộng trong đảng và chính quyền.

(Theo Chinadaily, Xinhua)

Quỳnh Phạm

 

Từ một kỹ thuật viên thăm dò dầu khí, Chu Vĩnh Khang đã nhanh chóng thăng tiến, trở thành lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia CNPC vào năm 1996. Đường quan lộ của Chu Vĩnh Khang tiếp tục rộng mở khi năm 1999 ông được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên. Tại đây, Chu Vĩnh Khang lãnh đạo với một đường lối cứng rắn, nhất là trong vụ trấn áp nghiêm trọng phong trào Pháp Luân Công. Đến lúc này, Chu Vĩnh Khang vẫn luôn là nhân vật chủ chốt nắm ngành công nghiệp dầu khí, nguồn vàng đen của quốc gia nhưng cũng là nơi có thể gây dựng tài sản kếch sù và hình thành các mối quan hệ chính trị bền chắc cho những ai nắm được ngành này. Vào năm 2002, Chu Vĩnh Khang trở thành một trong số 25 Ủy viên Bộ Chính trị và giữ chức Bộ trưởng Công an, nắm giữ an ninh nội chính của chế độ. 5 năm sau (tức vào năm 2007), Chu Vĩnh Khang bước lên đỉnh cao quyền lực, trở thành thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực chính trị cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dù cũng đã có nhiều quyền lực trong tay, nhưng cựu lãnh đạo công an Trung Quốc còn củng cố thêm quyền hành của mình khi chiếm giữ Ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

 

 


Ý kiến của bạn