Trung Quốc cải cách sâu rộng

18-11-2013 22:54 | Quốc tế
google news

Ba ngày sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ban lãnh đạo thông báo một loạt các cải cách kinh tế và xã hội được xem là quan trọng nhất từ 30 năm nay.

Ba ngày sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ban lãnh đạo thông báo một loạt các cải cách kinh tế và xã hội được xem là quan trọng nhất từ 30 năm nay. Hai quyết định quan trọng nhất và có tác động sâu sắc đến xã hội Trung Quốc là giảm nhẹ chính sách một con và bãi bỏ trại lao cải.

Đối mặt với tình trạng dân số đang già đi một cách nhanh chóng, Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng mà một trong hai người là con một được phép sinh con thứ hai. Quyết định quan trọng này nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững dân số Trung Quốc về lâu dài. Chính sách một con được ban hành vào năm 1979 do Chính phủ lo ngại nguy cơ bùng nổ dân số. Hạn chế sinh con cho phép có nhiều vốn hơn để tập trung cho tăng trưởng kinh tế. Chính sách này được áp dụng trên hơn 60% lãnh thổ Trung Quốc, mặc dù luật lệ đã được giảm nhẹ qua nhiều năm, đặc biệt là tại nông thôn, để cho phép một số cặp sinh con thứ hai. Theo một công trình nghiên cứu được đăng vào năm 2009, 70% phụ nữ mong muốn có nhiều hơn một con.
Trung Quốc cải cách sâu rộng 1
 70% các bà mẹ Trung Quốc muốn có nhiều hơn một con.

Hơn nữa, dân số già đè nặng lên hệ thống hưu bổng và ngân sách xã hội. Theo một nghiên cứu do Đại học Thanh Hoa đăng vào tháng 8, từ 2 - 3 người Trung Quốc sẽ phải nuôi một người già vào năm 2035. Các chuyên gia từ lâu đã gióng chuông báo động rằng Trung Quốc có thể sẽ già trước khi giàu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng hủy bỏ hệ thống trại lao cải, theo tin chính thức của Tân Hoa xã đăng vào ngày 15/11. Hệ thống trại cải tạo lao động ra đời từ năm 1957 để giam giữ những người phạm các tội danh không nghiêm trọng như trộm cắp, gây rối trật tự, mại dâm, sử dụng ma túy. Cảnh sát có thể tống tù nhân vào các trại lao động trong nhiều năm mà không cần xét xử.

Nhằm tăng cường chế độ pháp trị và cải thiện vấn đề nhân quyền, Trung Quốc từng bước tiến hành cải cách tư pháp, trước hết là bãi bỏ tình trạng lạm dụng chính sách cải tạo lao động, giảm số lượng án tử hình và tiến tới cấm hành vi tra tấn ép cung.

Về kinh tế, Trung Quốc cụ thể hóa quyết sách của Hội nghị Trung ương 3 (Khóa 18) về xây dựng thị trường tự do cạnh tranh, trao cho thị trường vai trò quyết định phân bổ nguồn lực. Trung Quốc có thể cho phép các công ty tư nhân nắm 10 - 15% cổ phần trong những dự án nhà nước thuộc lĩnh vực nhà nước độc quyền kiểm soát trước đây như dầu khí, viễn thông; cho phép mở thêm ngân hàng nhỏ và các định chế tài chính sử dụng vốn tư nhân; tiếp tục mở rộng mô hình khu thương mại tự do đang thử nghiệm ở Thượng Hải, nhằm tăng khả năng tự do chuyển đổi của đồng nhân dân tệ, mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài; cởi trói về lãi suất... Nhà nước tăng cường giám sát và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của tập đoàn quốc doanh. Cụ thể, các tập đoàn nhà nước sẽ phải nộp ngân sách dưới dạng cổ tức lên tới 30% thay vì 5 - 15% như trước để tăng tính cạnh tranh cũng như phân phối vốn hợp lý hơn.

Về chính sách đất đai, nông dân được trao quyền linh hoạt hơn trong việc cho thuê đất. Trung Quốc cũng xử lý mạnh tay với tình trạng gây ô nhiễm bằng cách áp dụng một số loại thuế mới, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về môi trường.

Theo báo chí Trung Quốc, Chính phủ cũng sẽ thành lập hai cơ quan mới, một ủy ban tập hợp các quan chức cấp cao chịu trách nhiệm thúc đẩy chương trình cải cách kinh tế. Ủy ban An ninh Quốc gia được nhìn nhận có chức năng tương tự Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, có nhiệm vụ giám sát an ninh trong nước và chính sách đối ngoại.

Năm 2012, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, số người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc giảm 3,45 triệu xuống còn 937 triệu người. Báo New York Times của Mỹ đánh giá việc nới lỏng chính sách một con là phép thử đối với các biện pháp cải cách Trung Quốc mới ban hành trên hai khía cạnh: sự không thống nhất thời gian biểu áp dụng vì các tỉnh sẽ tự quyết định khi nào thực hiện; phóng đại kỳ vọng của công chúng vào những cải cách phía trước.

   Hà Phương

 (Theo Tân Hoa xã, Le Figaro)


Ý kiến của bạn