Một công cụ tùy chỉnh ADN có tên CRISPR được công bố vào năm 2012 đã cho thấy khả năng có thể thay đổi gen của con người ngay cả khi gen này vẫn ở trong một phôi thai.
Công cụ được cho là phát hiện công nghệ sinh học vĩ đại nhất thế kỷ 21 này giúp các nhà khoa học có thể loại bỏ các gen “xấu” và thay thế bằng các gen “tốt” hơn.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, không nên thay đổi gen của con người theo cách này cho tới khi hiểu rõ hơn về hậu quả của chúng.
Những lo lắng được dấy lên đặc biệt là sau khi có thông tin các nhà khoa học Trung Quốc đã thực hiện công nghệ này trong thực tế.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất thì việc này đã không còn là tin đồn nữa.
Một bài viết được đăng tải trên Tạp chí Protein and Cell của nhóm các nhà khoa học Trung Quốc dẫn đầu là nhà nghiên cứu Junjiu Huang của Đại học Sun Yat-sen đã cho thấy họ đã thực hiện công nghệ này trong thực tế.
Nature News dẫn lời nguồn tin Trung Quốc khẳng định rằng, có ít nhất 4 nhóm khác nhau “theo đuổi việc thay đổi gen phôi thai người”.
Cụ thể, nhóm của Huang đã tiến hành thay đổi gen trên một phôi thai không còn sống. Tuy vậy, báo cáo của nhóm Huang cũng khẳng định, vẫn còn rất nhiều rào cản trước khi có thể ứng dụng lâm sàng.
Mặc dù nhóm của Huang tiến hành thay đổi gen của phôi thai đã chết, song nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi gen và thay đổi ADN của phôi thai là có vấn đề về đạo đức. Bởi lẽ, nó có thể dẫn đến việc sử dụng công nghệ này trên con người.
Thay đổi ADN trên một phôi thai còn sống có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước cho các thế hệ tương lai. Do đó, các nhà khoa học muốn chúng ta phải hiểu rõ hơn trước khi ứng dụng thực tế.
Mặc dù vậy, một số nhà khoa học cho rằng, công nghệ CRISPR có thể là vô giá, dù nhiều người nghĩ rằng nó vẫn chưa sẵn sàng để ứng dụng. Theo đó, công nghệ này có thể giúp loại bỏ các bệnh di truyền và các bệnh gây ra do gen mà trên lý thuyết có thể loại bỏ được.
Một số khác lo lắng rằng khi công nghệ này đạt đến mức độ chính xác, nó có thể được sử dụng để tạo ra những con người với những đặc tính mong muốn.
Tuy nhiên, bất chấp những tranh luận quanh công nghệ này, các thí nghiệm vẫn được tiến hành.
Hà Phương (Theo BI)