Trung Quốc vừa dẫn độ 254 nghi phạm từ Indonesia và Campuchia về nước. Những đối tượng này bị cáo buộc liên quan tới hơn 4.000 vụ án lừa đảo qua mạng Internet và điện thoại xuyên quốc gia, với số nạn nhân trải khắp 20 tỉnh thành từ Hồng Kông tới đại lục.
Nhiều lực lượng phối hợp truy quét
9h sáng 10-11, 4 chiếc máy bay của Trung Quốc xuất phát từ Jakarta (Indonesia) và Phnom Penh (Campuchia) đã hạ cánh tại sân bay Bạch Vân (Quảng Đông), Tiêu Sơn (Hàng Châu), Phố Đông (Thượng Hải) và Thủ đô Bắc Kinh, dẫn theo 254 nghi phạm Trung Quốc về nước.
Hồi tháng 10, nhiều đội an ninh của Bộ Công an Trung Quốc cùng lực lượng cảnh sát Đài Loan, Hồng Kông đã được triển khai tới Indonesia và Campuchia để thu thập bằng chứng về các nghi phạm. Ngày 19-10, các lực lượng an ninh trên phối hợp cùng cảnh sát địa phương đã bắt giữ 224 đối tượng ở Indonesia, trong đó có 86 người đại lục và 138 người Đài Loan.
Đến 31-10, cảnh sát đại lục cùng cảnh sát Campuchia tiếp tục triệt xóa 3 mạng lưới tội phạm và bắt 168 đối tượng, thu giữ nhiều máy tính, điện thoại và thẻ ngân hàng. Cùng thời gian này, cảnh sát Quảng Đông cũng tóm gọn 39 nghi phạm vừa trở về từ Indonesia và Philippines.
Trong số 254 đối tượng bị dẫn độ từ Indonesia và Campuchia về lần này, có 47 nghi phạm do cảnh sát Thượng Hải đưa về từ Jakarta. Kể từ tháng 7, cảnh sát Thượng Hải đã rà soát hơn 45.000 cuộc điện thoại từ Indonesia và tìm ra 453 nạn nhân bị cuốn vào các vụ lừa đảo. Bằng cách thu thập thông tin từ những người này, cơ quan điều tra lần ra manh mối dẫn đến các địa điểm nghi phạm trú ẩn ở Indonsia.
Mạng lưới lừa đảo tinh vi
Vệ Kiến, một quan chức cảnh sát Thượng Hải cho biết, ông ấn tượng nhất với sào huyệt của tội phạm viễn thông ở Surabaya (Indonesia). Đại bản doanh của nhóm này là một ngôi biệt thự 4 tầng khá hoành tráng với diện tích hơn 400m2, trên tầng 2 la liệt giường xếp cho nhân viên nghỉ ngơi.
Một nghi phạm khai rằng, giờ làm việc của chúng bắt đầu từ 8h sáng, kết thúc 17h chiều và mỗi nhân viên phải có trong tay ít nhất 150 khách hàng tiềm năng mỗi ngày. Lương hàng tháng là 10.000NDT và thu nhập tăng hay giảm phụ thuộc vào hiệu suất làm việc. “Chúng tôi bị áp lực “săn khách” mỗi ngày. Nếu nhân viên nào không hoàn thành chỉ tiêu nhiều ngày liên tiếp sẽ bị đuổi việc” - tên này cho biết.
Những nghi phạm chia ra thành nhiều nhóm và được giám sát bởi nhiều người quản lý ở các cấp độ khác nhau. Mỗi cuộc điện thoại lừa đảo đều được lưu lại và các quản lý sẽ nhận xét về quá trình làm việc của nhân viên mỗi tối. Mánh khóe lừa đảo của chúng là đóng giả nhân viên của các công ty viễn thông như China Unicom, China Mobile hoặc các ngân hàng như Ngân hàng Thượng Hải, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc hay nhân viên của các công ty tài chính có tiếng khác.
Thậm chí, chúng còn tự nhận làm việc trong văn phòng chi nhánh của Cơ quan công an Bắc Kinh, Thượng Hải. “Việc tuyển dụng nhân viên “săn khách” được tiến hành ở Trung Quốc trước khi họ được đưa ra nước ngoài và trở thành “ong thợ” trong một “dây chuyền công nghiệp” lừa đảo xuyên lục địa” - ông Vệ cho biết.
Nhân viên được tuyển dụng tại Trung Quốc sẽ nhận thị thực ở Thâm Quyến trước khi ra nước ngoài. Họ thường lấy Hồng Kông làm trạm trung chuyển thay cho bay trực tiếp đến đại bản doanh tại hải ngoại, nhằm tránh sự chú ý của cảnh sát. Hộ chiếu của nhân viên bị người quản lý giữ lại để kiểm soát họ tốt hơn và đặc biệt nhân viên không được sử dụng điện thoại di động.
Những năm gần đây, tội phạm lừa đảo viễn thông liên tục tăng lên, trở thành hoạt động tội phạm nổi cộm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trong các loại vụ án ở Trung Quốc. Chỉ tính riêng năm 2014, Bộ Công an nước này đã phá 6 triệu vụ lừa đảo qua viễn thông, xử lý 3.100 nhóm lừa đảo và bắt hơn 20.000 nghi phạm.