Hai Phiếm ngồi phịch xuống ghế:
- Giời ạ, cả một sọt chanh 4-5 chục ký mà bán chỉ được 6.000 - 8.000 đồng!
- Hả? Từng ấy chanh mà giá ấy không mua được bát phở?
- Đến ổ bánh mỳ có nhân còn không được. Loại chanh quả to, vàng, mọng nước phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân chỉ khoảng 300 đồng/kg. Còn ở vùng trồng chanh nổi tiếng tại huyện Cao Lãnh, Châu Thành (Đồng Tháp), hiện giá chanh loại 1 (phục vụ nhu cầu xuất khẩu) có vỏ ngoài xanh, vỏ cứng, da láng mịn có giá 2.000 đồng/kg.
- Vậy chứ tiền thuê người thu hoạch chanh cũng không đủ. Rồi chanh rụng và lại có chuyện như nông dân phải phá bỏ mảnh vườn của mình để mò mẫm trồng cây khác.
- Nhưng chanh ngoài chợ lại tăng cao đột ngột hơn 10.000 đồng/kg, chanh không hạt giá dao động từ 15.000 đồng cho tới 20.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết, do cuối vụ nên đã dần hết hàng khiến giá cả tăng lên.
- Nghĩa là người làm thực thì đói mà trung gian giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng thì phất to?
- Thì xưa nay trung gian nào chả thế!
- Vậy sao địa phương huyện xã có cơ quan nông nghiệp, khuyến nông, thương mại không thể làm trung gian giữa bà con tới người tiêu dùng cho nông dân mình bớt cực nhỉ?
- Giá ngân hàng cho bà con vay và hợp tác với nhau thuê xe lên thành phố bán trực tiếp cho chợ đầu mối nhỉ!
- Chợ đầu mối chỉ mua của thương lái quen chứ bà con đem lên cũng bị ép giá.
- Thế thì vai trò trung gian phải là chính quyền cơ sở. Tổ chức mua, liên hệ điểm bán như vụ “giải cứu” dưa hấu, hành tím ngày nào!
- Nếu thật sự thương bà con, thiếu gì cách!
Cả Nghĩ