Cho đến ngày 11/1, Iran đã thừa nhận tên lửa của mình đã không kích nhầm chiếc máy bay dân sự này. Những diễn biến hết sức nóng giữa Mỹ và Iran đã đẩy Trung Đông đứng trước nguy cơ một cuộc xung đột mới, đồng thời làm thay đổi cục diện địa chính trị khu vực.
Trước hết phải khẳng định rằng, hành động của Mỹ hôm 2/1 và hành động của Iran không kích các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Iraq hôm 8/1 với 22 quả tên lửa đều đã vượt qua “lằn ranh đỏ”. Kể từ cuộc khủng hoảng con tin năm 1979 khi một nhóm sinh viên Iran bắt giữ 56 nhà ngoại giao và công dân Mỹ và giam giữ họ trong 444 ngày, quan hệ Mỹ và Iran đã nhiều lần trở nên căng thẳng, thậm chí suýt đối đầu quân sự, song rốt cuộc cả hai bên đều kiềm chế. Nhưng lần này, với việc Mỹ bất ngờ sát hại Tướng Soleimani dường như mọi việc đã bị đẩy đi quá xa, khiến cả Mỹ và Iran cùng đứng bên miệng hố chiến tranh, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.
Hôm 11/1, Iran đã thừa nhận bắn nhầm chiếc máy bay của Ukraine làm 176 người thiệt mạng.
Nhìn lại đối đầu Mỹ - Iran trong suốt một tuần qua, có thể thấy rằng mối quan hệ thù nghịch Mỹ - Iran nay đang có những thay đổi theo chiều hướng nguy hiểm. Vụ Mỹ tấn công và hành động trả đũa của Iran đều được ví như hành động “chơi dao” , hậu quả là cả Mỹ - Iran đều “đã đứt tay”, trả giá cho những tính toán quân sự nguy hiểm của họ. Nếu như Tổng thống Trump ra lệnh sát hại Tướng cấp cao Iran với nhiều toan tính, thì những phản ứng trên chính trường Mỹ cho thấy chiến lược của Tổng thống Trump có thể “lợi bất cập hại”. Mà những bước đi mới nhất của Hạ viện Mỹ nhằm ngăn chặn hành động tấn công quân sự, phần nào thể hiện mối bất an của chính giới Mỹ rằng Tổng thống Trump đang đặt nước Mỹ vào một “tình thế nguy hiểm”.
Đối với Iran, việc lần đầu tiên quốc gia Hồi giáo này không kích trực tiếp vào căn cứ quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh thay vì các biện pháp thông thường trước đây cho thấy Iran đã thay đổi cách tiếp cận mới. Iran không còn nhân nhượng và sẵn sàng hành động vì thể diện dân tộc. Việc không kích trực tiếp vào các căn cứ quân sự Mỹ tuy giúp quốc gia Hồi giáo này giữ được thể diện, bảo tồn được vai trò và ảnh hưởng trong khu vực, nhưng lời thừa nhận “tên lửa Iran đã bắn nhầm chiếc máy bay Ukraine khiến 176 hành khách thiệt mạng” thật chua xót, đau lòng và có thể lại đẩy quốc gia Hồi giáo này vào một vòng xoáy nguy hiểm mới.
Ở một góc nhìn khác, đối đầu Mỹ - Iran đã và đang lái con thuyền Trung Đông rẽ sang một hướng mới phức tạp và khó lường. Với mục tiêu đầy tham vọng là “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và chủ trương “Nước Mỹ trước tiên”, chính sách của Mỹ tại khu vực Trung Đông đi theo xu hướng thực dụng, tối đa hóa và đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu trong mọi tính toán chiến lược đối với khu vực. Thế nhưng, sau vụ sát hại Tướng Iran, việc Quốc hội Iraq yêu cầu quân đội Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ Iraq nhưng Mỹ “lắc đầu từ chối” không rút quân; việc Iran đe dọa tiếp tục trả đũa các lợi ích của Mỹ ở Iraq và Trung Đông; và mới nhất là việc Mỹ tính toán mời 5 quốc gia Trung Đông, trong đó có Israel gia nhập NATO trong tương lai gần... có thể sẽ kích hoạt những ngòi nổ phản kháng mới giữa các phe phái chính trị trong khu vực. Lực lượng Hezbollah thân Iran đã từng nhiều lần tuyên bố rằng “họ sẽ sát cánh cùng người dân Trung Đông chống Mỹ đến cùng”.
Rõ ràng, chính sách “gây sức ép tối đa” mà Mỹ nhằm vào Iran gần như không đem lại hiệu quả như Mỹ mong muốn, mà trái lại còn khiến khu vực trở nên ngày càng bất ổn. Hoặc cũng có thể nói rằng, Trung Đông đã trở thành một vũng lầy phức tạp, khó lường với những cuộc chiến ủy nhiệm; với xung đột phe phái, đối đầu và mâu thuẫn ý thức hệ ngày càng gay gắt.
Phía sau những lằn ranh đỏ mà Mỹ và Iran đã bước qua trong tuần - dù chưa phải là chiến tranh, nhưng với những gì đang xảy ra, ai có thể nói rằng Trung Đông sẽ có hòa bình trong những ngày sắp tới? Bởi một khi căng thẳng Mỹ - Iran tiếp diễn, thì những đốm lửa đang khác chực chờ bùng phát như mâu thuẫn Israel - Palestine, nội chiến ở Libya... sẽ không thể giải quyết.
Năm 2020 bắt đầu với việc cả Mỹ và Iran bị cuốn vào vòng xoáy đối địch mới. Dư luận hy vọng các bên kiềm chế làm dịu tình hình. Trong bối cảnh tình hình Trung Đông phức tạp như hiện nay, đối thoại có lẽ vẫn sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để giảm bớt căng thẳng cho khu vực.