Trung Đông bất ngờ “nóng” trở lại

21-05-2020 22:07 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong khi thế giới đang dồn sức chống dịch bệnh COVID-19 lây lan ở khắp mọi nơi, “chảo lửa” Trung Đông bất ngờ bị “đun nóng” trở lại trong bối cảnh Israel chuẩn bị sáp nhập khu vực Bờ Tây chiếm đóng, Palestine quyết định rút khỏi tất cả các thỏa thuận đã ký trước đây, đẩy tiến trình hòa bình ở khu vực Trung Đông vào ngõ cụt.

Đàm phán hòa bình Trung Đông lâm vào bế tắc

Con đường đi đến hòa bình ở Trung Đông  ngày càng gặp nhiều “chướng ngại vật”, khó có thể dẹp bỏ trong “một sớm một chiều”. Không còn là những lời đe dọa suông mà mới đây, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố, nước này sẽ rút khỏi tất cả các thỏa thuận đã ký với Israel và Mỹ, kể cả về an ninh, nhằm đáp trả quyết định sáp nhập các khu định cư chiếm đóng trái phép của Israel ở Bờ Tây. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Đây từng là lời cảnh báo đanh thép mà Tổng thống Palestine đưa ra cách đây vài tháng, ngay sau khi Mỹ công bố bản “kế hoạch hòa bình thế kỷ” cho Trung Đông, trong đó tuyên bố ủng hộ Nhà nước Israel tiến tới hành động nguy hiểm này.

Dù không đề cập cụ thể, nhưng tuyên bố hôm 19/5 của Nhà lãnh đạo Palestine có  thể nhắm tới Hiệp ước Oslo (ký năm 1993 với Israel tại Mỹ, trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Bill Clinton), Nghị định thư Hebron hay Bản ghi nhớ sông Wye... Tuyên bố của ông Abbas đã “dập tắt”  hoàn toàn hy vọng về tiến trình hòa bình ở khu vực. Điều này đã được dự đoán từ cách đây 3 năm, khi Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Palestine vẫn để ngỏ khả năng tham gia các tổ chức và thể chế quốc tế, cũng như sẵn sàng giải quyết xung đột với Israel trên cơ sở giải pháp 2 nhà nước.

Trung Đông bất ngờ “nóng” trở lạiTổng thống  Palestine tuyên bố các thỏa thuận   với Israel và Mỹ  bị vô hiệu.

Trước đó, tiến trình hòa bình Trung Đông vốn mong manh gặp thêm “vật cản” lớn. Chính phủ mới được thành lập của Israel tuyên bố “cứng rắn” rằng đã đến lúc sáp nhập các vùng đất ở Bờ Tây. Theo một số nguồn tin, kế hoạch sáp nhập sẽ được thực hiện sau ngày 1/7 tới. Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế trong đó có Liên minh châu Âu và nội bộ chính giới Mỹ, kế hoạch “đầy tham vọng” của Israel sáp nhập các vùng đất ở Bờ Tây lại nhận được sự ủng hộ của Chính quyền Mỹ.

Thế giới kêu gọi các bên nối lại đàm phán hòa bình

Trước diễn biến căng thẳng tại Trung Đông, Israel liên tục mở rộng các khu định cư trái phép, phá hủy các công trình của người Palestine và đe dọa sáp nhập lãnh thổ chiếm đóng ở Bờ Tây cũng như ở Đông Jerusalem, ngày 20/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành họp trực tuyến về vấn đề này.

Đặc phái viên về Trung Đông của LHQ Nickolay Mladenov yêu cầu “Israel phải từ bỏ các đe dọa sáp nhập”, đồng thời kêu gọi Palestine nối lại các cuộc đàm phán của nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông, gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và LHQ. Trước tình thế cấp bách ở Trung Đông, đặc phái viên LHQ khẩn thiết nói: “Tôi kêu gọi các đồng nghiệp thuộc nhóm Bộ Tứ phối hợp với LHQ và nhanh chóng đưa ra một đề xuất giúp Bộ Tứ có thể đóng vai trò trung gian hòa giải và phối hợp với các nước trong khu vực thúc đẩy triển vọng hòa bình”.

Trong một tuyên bố chung, Pháp, Bỉ, Đức, Estonia và ngay cả Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Joseph Borrell khẳng định, sẽ không công nhận bất kỳ thay đổi nào trong việc phân định biên giới năm 1967 mà không có sự chấp thuận của cả Palestine và Israel.

Tại hội nghị LHQ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng, việc Israel mở rộng các khu định cư và đe dọa sáp nhập lãnh thổ tại Bờ Tây là trái với luật pháp quốc tế và gây trở ngại lớn cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

Việt Nam mong muốn Israel và Palestine sớm nối lại đàm phán nhằm đạt được một giải pháp toàn diện, công bằng và bền vững, đồng thời khẳng định lại lập trường nhất quán của Việt Nam ủng hộ giải pháp hai nhà nước trên cơ sở đường biên giới trước năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine.


Hải Yến
Ý kiến của bạn