Hà Nội

Trứng cá bọc, chữa thế nào?

03-04-2017 14:14 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Bệnh trứng cá có liên quan tới nhiều yếu tố như: nội tiết, chế độ sinh hoạt, thức đêm và môi trường làm việc nhiều bụi.

Cháu 23 tuổi, hai tháng nay da mặt cháu tự dưng mọc nhiều mụn bọc đỏ, sưng lên có mủ rồi để lại sẹo, mặt thì lúc nào cũng bóng như bôi mỡ. Cháu để ý thấy kinh nguyệt của cháu cũng thưa hơn trước, bình thường chu kỳ của cháu là 35 ngày nay thì 40-45 ngày. Cháu rất lo lắng buồn phiền. Vậy cháu nên làm gì ạ?

Phạm Thị Liễu (phamlieu@gmail.com)

Trứng cá bọc, chữa thế nào?

Theo thư mô tả thì bạn bị bệnh trứng cá bọc (nhiễm khuẩn). Bệnh trứng cá có liên quan tới nhiều yếu tố như: nội tiết, chế độ sinh hoạt, thức đêm và môi trường làm việc nhiều bụi. Bệnh thường phát triển ở người có cơ địa da nhờn. Đặc biệt, bệnh hay gặp và nặng nhất ở tuổi dậy thì và tuổi thanh niên. Đây là nỗi lo lắng cho các bạn trẻ, gây cho các bạn thiếu tự tin trong giao tiếp nên thường tìm mọi cách để chữa trị. Mặc dù được chữa trị tích cực nhưng bệnh chỉ đỡ mà không khỏi hẳn.

Vấn đề là bạn cần biết trứng cá tuổi của bạn là do nội tiết tố thay đổi, đây là bệnh rất thường gặp nhưng nếu không giữ vệ sinh tốt, nặn nhể non... dùng thuốc điều trị không đúng có thể gây biến chứng bội nhiễm, viêm nang nông và để lại sẹo xấu. Cũng cần nói thêm, bệnh mang yếu tố gia đình (nếu cha mẹ, anh chị em ruột bị bệnh thì bạn cũng có thể bị. Ngoài ra, các yếu tố thuận lợi để bệnh tăng nặng là thức khuya, kinh nguyệt thất thường... Muốn hạn chế mụn, bạn cần vệ sinh da mặt đúng cách, nên ngủ đúng giờ không thức quá khuya, hạn chế ăn ngọt và cay nóng...

Bệnh trứng cá tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng tới tâm lý và ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Trường hợp của bạn, trứng cá bọc (có nhiễm khuẩn) việc điều trị nhất thiết phải dùng các thuốc bạt sừng, chống nhờn và kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Việc điều trị thường kéo dài. Tuy vậy nhưng bệnh sẽ đỡ và hết khi bạn ở tuổi từ 25 trở lên nên bạn đừng buồn.

BS. Vũ Lan Anh


Ý kiến của bạn