Sáng 11/5, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo "Xây dựng văn bản pháp luật về quản lý khoa học công nghệ và ứng dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh".
Hội thảo nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật triển khai thực hiện các quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Luật Dược, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 95/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, năm 2013, Quốc hội đã ban hành Luật về Khoa học và công nghệ; Năm 2009, Quốc hội đã ban hành Luật về Khám bệnh, chữa bệnh và đến ngày 09/1/2023, Quốc hội đã ban hành Luật số 15/2023/QH15 về Khám bệnh, chữa bệnh bổ sung, sửa đổi.
Luật và các văn bản hướng dẫn mới này đã và đang từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý về nghiên cứu khoa học trong thời gian qua.
Trong lĩnh vực y tế, để phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, các thầy thuốc đồng thời là những nhà khoa học ngành y luôn là những người đi tiên phong tìm tòi nghiên cứu, tiếp thu tiến bộ khoa học thế giới, ứng dụng sáng tạo vào hoạt động phòng bệnh, chữa bệnh.
"Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học ngành y tế đã tiến hành hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học có giá trị góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân và tiếp cận trình độ khoa học công nghệ của thế giới. Các thành tựu khoa học của ngành y tế đạt được trải rộng trên các lĩnh vực từ y tế dự phòng, lĩnh vực y tế công cộng - dân số, lĩnh vực chẩn đoán, điều trị bệnh, lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế, lĩnh vực xây dựng tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, Lĩnh vực nghiên cứu chính sách y tế và nhiều thành tựu, giải thưởng nổi bật khác"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Để đạt được những kết quả trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo và điều hành hoạt động khoa học và công nghệ trên cơ sở bám sát, thực hiện các chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ được cụ thể hóa qua các văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế và tạo hành lang pháp lý, làm cơ sở cho các đơn vị triển khai hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Bộ Y tế đặt lên hàng đầu trong công tác quản lý Nhà nước.
Lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ tin tưởng với sự tâm huyết, đoàn kết, sáng tạo, với tinh thần đổi mới toàn diện và đồng bộ về hành lang pháp lý, cơ chế tổ chức, quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, tài chính khoa học công nghệ, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ngành y tế sẽ có bước phát triển vững chắc, hội nhập bền vững với khu vực và thế giới, đem lại nhiều kết quả thiết thực hơn nữa để phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế trình bày về dự thảo Thông tư quy định quy trình quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế ; Dự thảo nội dung chi tiết hướng dẫn Điều 99 về Thử nghiệm lâm sàng đối với kỹ thuật mới, phương pháp mới và thiết bị y tế trong Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, các đại biểu cũng được nghe các chuyên gia chia sẻ một số hướng dẫn trên thế giới về thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh...
Chia sẻ về dự thảo Thông tư quy định quy trình quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, TS Võ Nhị Hà - Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho hay, dự thảo lần này có một số điểm mới như lần đầu tiên đưa vấn đề "Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc, thiết bị y tế, kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh và các nghiên cứu y sinh học khác trên đối tượng con người" vào phạm vi điều chỉnh.
Lý giải điều này TS Hà cho biết nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc, thiết bị y tế, kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh và các nghiên cứu y sinh học khác trên đối tượng con người là loại hình nghiên cứu đã được Bộ Y tế quản lý, xây dựng được hệ thống hội đồng đạo đức các cấp... Trung bình mỗi năm Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế đã thẩm định khoảng gần 100 nghiên cứu lâm sàng để trình Lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt...
Hội nghị diễn ra tại Hà Nội lần này thu hút sự có mặt của khoảng gần 200 đại biểu đến từ các Cục/Vụ/Viện/bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; đại diện một số đơn vị có liên quan của một số bộ, ngành nhằm: Xây dựng, hoàn thiện Thông tư quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế; Xây dựng nội dung hướng dẫn về thử nghiệm lâm sàng đối với kỹ thuật mới, phương pháp mới và thiết bị y tế trong Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.