Bệnh nhân là Huỳnh Thanh Bình, sinh năm 1973 (quê quán Bình Sơn, Quảng Ngãi), là ngư dân đánh bắt hải sản trên quần đảo Trường Sa. Trong quá trình khai thác thủy sản, khoảng 10 ngày trước, anh Bình xuất hiện triệu chứng đau đầu tăng dần.
Ngày 28/6, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn ý thức, liệt nửa người bên trái. Đến 20h ngày 28/6, tình trạng rối loạn ý thức nặng hơn, bệnh nhân được đưa vào bệnh xá đảo An Bang và có chỉ định chuyển vào đất liền.
Trong quá trình vận chuyển, bệnh nhân tiến triển nặng phải chuyển vào Bệnh xá Đảo Trường Sa trong tình trạng Glassgow 12 điểm đồng tử 2 bên 2 ly, tiếp xúc khó. Hội chẩn qua Telemedicine với Bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân hôn mê, theo dõi đột quỵ xuất huyết não/tăng huyết áp. Đồng thời đề ra các biện pháp điều trị tích cực tại chỗ cho bệnh nhân, đảm bảo dấu hiệu sinh tồn, khai thông đường thở, phối hợp báo cáo thường xuyên về bệnh viện. Trong quá trình điều trị bệnh nhân tiến triển ít, dấu hiệu ý thức xấu hơn, hôn mê, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Trường Sa đề nghị cho bệnh nhân vào đất liền điều trị.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, 19h45 ngày 29/6, Binh đoàn 18 nhanh chóng điều động máy bay trực thăng EC 225 cùng tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 do Thiếu tá, bác sĩ Diệp Hồng Kháng làm kíp trưởng, xuất phát tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Đến 2h45 phút ngày 30/6, trực thăng đáp xuống nóc tòa nhà Viện Chấn Thương chỉnh hình an toàn, bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào trung tâm cấp cứu và tiến hành điều trị.
Thiếu tá, bác sĩ Diệp Hồng Kháng - kíp trưởng kíp vận chuyển cho biết, khi tiếp xúc bệnh nhân trong tình trạng rối loạn ý thức nặng, Glassgow (thang đo hôn mê, đánh giá tình trạng ý thức của bệnh nhân bị chấn thương sọ não cấp tính) chỉ còn 7-8 điểm, vấn đề kiểm soát đường thở cho bệnh nhân là rất quan trọng, phải đảm bảo an toàn về mặt hô hấp, cũng như chống phù não trong quá trình vận chuyển. Chính vì vậy, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản ngay tại Bệnh xá đảo Trường Sa và cho thở máy trong suốt quá trình vận chuyển.
"Vận chuyển bệnh nhân trong môi trường bay, tổ cấp cứu phải hiệp đồng cùng tổ bay đảm bảo tốc độ bay nhằm hạn chế tối đa tình trạng phù não. Bên cạnh đó, luôn quan tâm và kiểm soát dịch truyền, huyết động, đảm bảo huyết áp, đảm bảo áp lực tưới máu não, giảm nguy cơ phù não cho bệnh nhân", bác sĩ Diệp Hồng Kháng cho hay.