Hà Nội

Trực Tết

19-02-2018 07:52 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nghỉ Tết nhưng mình vẫn đến bệnh viện như mọi ngày vì hôm nay là buổi trực của mình. Sáng 30 Tết, đường phố Hà Nội vắng tanh, những người đi làm ăn xa quê hương, những bạn sinh viên từ các tỉnh về Hà Nội học đều đã về quê sum họp với gia đình sau một năm xa nhà.

Nghỉ Tết nhưng mình vẫn đến bệnh viện như mọi ngày vì hôm nay là buổi trực của mình. Sáng 30 Tết, đường phố Hà Nội vắng tanh, những người đi làm ăn xa quê hương, những bạn sinh viên từ các tỉnh về Hà Nội học đều đã về quê sum họp với gia đình sau một năm xa nhà.

Đến bệnh viện vào khoảng 8h sáng, không khí khác hẳn thường ngày. Bãi giữ xe mọi khi chật kín, nay thưa thớt một vài chiếc; các bệnh phòng đông đúc nay cũng vắng bệnh nhân. Tuy nhiên, những bệnh nhân nặng vẫn phải ăn Tết ở bệnh viện cùng với người thân của mình.

Tết năm nay trời lạnh, cảm giác lạnh tăng thêm bởi những cơn mưa phùn và gió. Mình đi thăm bệnh nhân ở các bệnh phòng. Tất cả các bệnh nhân được tập trung lại một phòng, mỗi người một quê: Nghệ An, Hải Dương, Lào Cai... cùng nhau chuẩn bị đón Tết Hà Nội. Hôm nay, ngoài suất ăn bình thường của người bệnh, bệnh viện còn tặng thêm mỗi bệnh nhân một chiếc bánh chưng ăn Tết. Không khí Tết ấm cúng hơn. Một cành đào nhỏ làm ấm lòng những người bệnh xa nhà.

Buổi chiều, trời vẫn lạnh nhưng đã hết mưa, khô và tạnh ráo hơn buổi sáng. Những hàng cây đại trong khuôn viên bệnh viện khẳng khiu, trơ trụi cành. Chợt có tiếng gọi của chị y tá: “Bác sĩ Huyền ơi, có người gặp!”. Không biết là ai lại gặp mình vào ngày ba mươi Tết mà không hẹn trước nhỉ? Một cậu thanh niên, trên tay ôm một cây mai vàng nhỏ nhắn, xinh xinh. Mình không nhận ra, vừa lạ lại vừa quen. Cậu tự giới thiệu: “Em là Vinh, sinh viên Khoa dầu khí Đại học Bách khoa, bác sĩ nhớ chưa ạ?”. À, thì ra là cậu sinh viên mình điều trị cách đây đã 3 năm, khi cậu là sinh viên năm cuối.
Em bị bệnh trong quá trình làm đề tài tốt nghiệp, vừa thực tập lấy số liệu và viết luận văn, căng thẳng, lo lắng, em đã mất ngủ, buồn chán, bi quan, không muốn tiếp xúc với bạn bè và người thân, em có cảm giác ngại đến chỗ đông người, hay có cảm giác hồi hộp, trống ngực. Em học tập kém tập trung, tiếp thu bài chậm chạp hơn. Mình đã khám bệnh, làm các trắc nghiệm tâm lý về lo âu và trầm cảm với kết quả là em có tình trạng trầm cảm liên quan đến stress. Ngoài kê đơn thuốc, mình hướng dẫn em tập các liệu pháp tâm lý để giảm bớt căng thẳng, tập luyện thư giãn, liệu pháp nhận thức hành vi. Sau một tháng điều trị, bệnh của em đã tiến triển tốt lên, em đã bảo vệ thành công đề tài tốt nghiệp. Em cho biết sau khi tốt nghiệp đã vào làm tại một công ty dầu khí trong Vũng Tàu. Em bây giờ đã cảm thấy khỏe mạnh và công việc cũng tốt.

Trao cành mai cho mình, em nói: “Năm nay em về Bắc ăn Tết có mang theo một cây mai nhỏ tặng bác sĩ. Chúc bác sĩ và gia đình năm mới mạnh khỏe!”. Mình cám ơn và nhận cây mai, trong lòng cảm thấy niềm vui dâng trào. Mình cầm cây mai sang góp vui Tết với những người bệnh. Giữa trời đông lạnh giá của Hà Nội, những bông mai vàng như mang những tia nắng của miền Nam sưởi ấm lòng những người bệnh giữa ngày đông giá rét. Dù biết là trong lòng họ còn bao nhiêu trăn trở, lo toan nhưng hy vọng họ sẽ quên đi những sự đau đớn về thể xác và những lo lắng về tinh thần, yên tâm chữa bệnh. Và rồi tất cả bệnh nhân đều có thể khỏi bệnh, về đoàn tụ với gia đình. Mình bỗng nhớ đến bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư:

Xuân qua, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt: việc đi mãi
Trên đầu: già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai

Lại có tiếng gọi của cô y tá: “Bác sĩ ơi, có bệnh nhân từ khoa cấp cứu chuyển vào!”. Lại một bệnh nhân nữa sẽ phải đón Tết ở bệnh viện, nhưng rồi mọi việc tốt lành sẽ đến, mình thầm hy vọng và mong rằng tất cả những người bệnh sẽ vượt qua những cơn bệnh nặng và như nhành mai kia, sẽ nở ra những bông hoa giữa trời giá rét.

BS. Trịnh Thị Bích Huyền


Ý kiến của bạn