Trực tết

Bác sĩ Quan Thế Dân

Bác sĩ Quan Thế Dân

02-02-2022 10:16 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Ngành y là gắn liền với trực. Suốt năm suốt tháng đi trực ở bệnh viện, rồi đến khi có tuổi thì được trực tham vấn, nghĩa là được ở nhà, có việc gì các bác sĩ trẻ sẽ hỏi qua điện thoại. Bây giờ thì 'sang hơn', gọi là trực online.

Mình ở nhà, xem xét nghiệm, điện tim, phim xquang qua mạng, rồi trả lời cũng qua mạng, nhiều khi gấp quá cần trao đổi nhiều thì mới cầm điện thoại.

Năm nay thật đặc biệt, vai trò trực online của tôi bận rộn lên gấp nhiều lần, người gọi bây giờ không những là các bác sĩ trẻ trong bệnh viện, mà còn là những người bạn trên mạng xã hội, phần nhiều chưa từng gặp mặt ngoài đời.

Chỉ mấy ngày cuối năm thôi đã có thật nhiều chuyện đáng nói. Mười hai giờ đêm, một cú điện thoại của số điện thoại lạ: "Chú ơi, cháu là con bố D, bố cháu đi tiêm vaccine về một tuần nay mệt, giờ khó thở nhiều, có làm sao không hả chú?. Ở nhà có máy kẹp đầu ngón tay đo SpO2 không?". Dạ có ạ. Đo ngay cho bố xem bao nhiêu?. Dạ 70%. Khả năng bố cháu bị viêm phổi Covid nặng rồi đấy, đưa ngay vào bệnh viện, nhanh lên.

Một bạn khác nhắn tin: "Thưa anh, bố em năm nay 90 tuổi, vừa test Covid dương tính, giờ em phải làm thế nào. Cụ đã tiêm vaccine chưa, giờ có triệu chứng gì không?. "Bố em tiêm đủ mũi rồi, hiện vẫn khỏe, chưa thấy gì. Tốt quá rồi, giờ em cho cụ cách ly phòng riêng, ai vào phục vụ thì phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang loại tốt, ra khỏi phòng thì cởi đồ bảo hộ và rửa tay rửa mặt kỹ. Cho cụ ăn uống dễ tiêu, chưa cần dùng thuốc gì. Theo dõi sát nhiệt độ và SpO2, có gì bất thường báo anh ngay".

 Một cô bác sĩ là học trò cũ của tôi, thỉnh thoảng vẫn nhắn tin hỏi tôi về những ca bệnh khó, mấy hôm trước nhắn tin: "Thầy ơi, em gái em đang mang thai tuần thứ 28, giờ test dương tính thì làm thế nào. Em gái em đã tiêm vaccine chưa?. Dạ chưa ạ, nhà chồng sợ ảnh hưởng đến thai không cho tiêm. Trời ạ, ở tỉnh nào mà lạc hậu thế. Nếu mà là con gái thầy thì thầy đã lôi về nhà bắt tiêm rồi. Có biết là người đang mang thai mà nhiễm Covid là nguy hiểm thế nào không, bao nhiêu thai phụ chết cả mẹ lẫn con rồi đấy. Giờ làm thế nào hả thầy. Đưa ngay vào bệnh viện, không tự chữa ở nhà.

Một người quen nhắn tin hỏi: "Chú ơi, em gái cháu mới sinh được 1 tuần, giờ sốt cao, gọi người ta đến làm xét nghiệm PCR thì dương tính, CT là 12, thì làm thế nào hả chú?. Em cháu đã tiêm vaccine chưa?. Tiêm 2 mũi rồi ạ. Thế thì tạm yên tâm. Em cháu đang cho con bú vẫn uống được thuốc hả chú? Uống được, trong khi uống thì ngừng cho con bú, em bé uống tạm sữa ngoài, hết liệu trình kháng virus một tuần thì lại cho con bú như cũ"….

Thế đấy, từ ngày con số nhiễm ở ngoài Bắc tăng lên, điện thoại và mạng xã hội của tôi liên tục tư vấn về căn bệnh Covid này, tôi như trực online 24/24.

Nhiều cuộc gọi hay nhắn tin không chỉ hỏi về bệnh tật mà còn hỏi về các thao tác cụ thể mặc đồ bảo hộ, dùng khẩu trang loại nào, tư vấn về dùng thuốc, cách ăn uống. Những người thân hơn thì nhờ liên hệ chuyển viện hoặc xem hộ thông tin người thân đang nằm viện. Tôi lại cố gắng sử dụng các mối liên hệ để giúp mọi người.

Nhiều lúc cũng bất lực không giúp được vì bệnh viện hết giường và nhiều lý do khác nữa...Nhưng nhiều lúc cũng thấy vui vì người mà mình nhờ hỏi tin tức có chuyển biến tốt. Các bạn đang làm trong khu cách ly còn nhiệt tình gửi cả thông tin chi tiết ra để tôi báo lại cho người thân ở ngoài.

Có lẽ sau đại dịch này sẽ phải cải cách lại mối liên hệ thông tin với người nhà bệnh nhân, việc này xưa nay chưa được chú ý lắm vì trước đây người bệnh lúc nào cũng có người nhà bên cạnh.

Anh bạn người quen trên mạng xã hội báo tin vui "Bố em vẫn ổn, test nhanh lại thì chỉ lên vạch rất mờ, chắc sắp khỏi rồi, em cám ơn anh rất nhiều".

Còn cô cháu gái thì báo tin buồn: "Bố cháu phải đặt ống thở máy rồi chú ơi, chúng cháu không được vào chăm sóc, bác sĩ bảo khả năng xấu lắm.".

Tôi cũng như bao nhiêu đồng nghiệp, hết trực tiếp chăm sóc người bệnh thì lại trực online, để giúp cho mọi nhà được bình yên.

Đầu năm mới lẽ ra không nên nói những chuyện không vui nhưng với ngành y chúng tôi việc giúp đỡ được người bệnh lại mang đến niềm vui cho chính mình.

 Chỉ mong một năm mới dịch bệnh qua hết để đất nước sớm trở lại bình thường, có một mùa xuân vui tươi, năm mới nhiều niềm vui, may mắn. Nhưng trước hết mọi người hãy đi tiêm vaccine đầy đủ, luôn giữ khoảng cách và nhớ mang khẩu trang khi đi ra ngoài.

Phòng ngừa hạ đường huyết thế nào?Phòng ngừa hạ đường huyết thế nào?

SKĐS - Hạ đường huyết là một biến chứng rất nguy hiểm và hay gặp ở người bệnh đái tháo đường, có thể dẫn tới tử vong nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời.


BS. Quan Thế Dân
Ý kiến của bạn