Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về vấn đề này.
Phóng viên: Xin PGS cho biết loại vi khuẩn này có thể gây bệnh như thế nào. Mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe ra sao?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga:Trực khuẩn mủ xanh thường sống ở trong đất, nước hoặc trên da và niêm mạc người và động vật. Trực khuẩn Pseudomonas aeruginosa là thành viên của họ vi khuẩn Pseudomonadaceae, là một vi khuẩn gram âm, hiếu khí, có lông 2 đầu. Khi phát triển trong môi trường nuôi cấy thích hợp, chúng tạo nên những sắc tố xanh không phát huỳnh quang, một số chủng có thể tạo màu xanh huỳnh quang. Mủ của vết thương bị nhiễm Pseudomonas aeruginosa thường có màu vàng xanh, nên được gọi là trực khuẩn mủ xanh.
Vi khuẩn này có thể gây nhiều bệnh khác nhau ở người, nhưng ít khi gây bệnh nặng ở những người khỏe mạnh mà không có các yếu tố thuận lợi kèm theo. Nó phát triển mạnh ở các vết thương, vết bỏng; gây nhiễm trùng đường hô hấp kết hợp với các vi khuẩn khác; gây nhiễm trùng các vết thương ở mắt (thường gặp ở những người nông dân trong vụ mùa, bị hạt lúa bắn vào mắt làm xước giác mạc, sau đó bị bội nhiễm trực khuẩn mủ xanh gây viêm loét giác mạc cấp, có thể mù nếu không điều trị kịp thời). Từ những vị trí này, P.aeruginosa có thể xâm nhập sâu vào cơ thể gây hoại tử vết thương, nhiễm trùng huyết, viêm màng não.
Những bệnh nhân bị bệnh xơ nang phổi hoặc suy giảm miễn dịch có thể bị bội nhiễm trực khuẩn mủ xanh gây nhiễm trùng phổi nặng. Tắm, lội ở các vùng nước nhiễm bẩn, trực khuẩn mủ xanh có thể gây viêm nang lông (nhiễm trùng da), viêm tai giữa.
Đa số các chủng trực khuẩn mủ xanh đề kháng nhiều loại kháng sinh làm khó khăn cho việc điều trị. Trực khuẩn mủ xanh là loại vi khuẩn thường gặp trong nhiễm trùng bệnh viện, đó là tình trạng bội nhiễm các loại vi khuẩn đề kháng nhiều kháng sinh, hiện diện trong môi trường bệnh viện.
TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ y tế
Phóng viên: Trực khuẩn mủ xanh thường có mặt ở đâu, xâm nhập cơ thể như thế nào, thưa PGS?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Trực khuẩn mủ xanh phổ biến trong môi trường tự nhiên, có mặt khắp nơi trong phân, đất, nước, nước thải. Nó có thể phát triển nhiều trong môi trường nước và trên bề mặt các vật thể hữu cơ trong nước. Trong nhà ở, có thể tìm được trực khuẩn mủ xanh từ bồn rửa chén, bồn tắm, vòi sen, hồ bơi...
Trực khuẩn mủ xanh xâm nhập vào cơ thể chính qua vết thương, niêm mạc bị nhiễm nước bẩn hoặc dụng cụ nhiễm bẩn. Lau kính áp tròng bằng nước bẩn cũng có thể gây viêm kết mạc. Nước uống không phải là nguồn nhiễm trực khuẩn mủ xanh chính.
Phóng viên: Vậy, xin PGS cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất nước uống đóng chai bị nhiễm trực khuẩn?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Theo sơ đồ quy trình nước uống đóng chai đạt chuẩn, đảm bảo an toàn, tránh ô nhiễm vi sinh và các hóa chất độc hại thì cơ sở sản xuất phải kiểm soát chặt chẽ ngay nguồn nước đầu vào; công đoạn lọc và thanh trùng nước phải an toàn; các bước làm sạch bình chứa, đóng nắp, lưu kho thành phẩm cũng phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt. Năm 2010 Bộ Y tế đã ban hành QCVN 6-1 Quy chuẩn quốc gia về nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những cơ sở sản xuất nước uống, nước đá chui vẫn sử dụng giếng khoan, giếng đào mà không xét nghiệm nước thường xuyên. Từ đó, không phát hiện được nguy cơ nhiễm vi sinh. Đã thế, đa số những cơ sở sản xuất này đều tạm bợ, tận dụng nhà ở, nơi sinh hoạt chật hẹp để sản xuất, không đảm bảo quy trình một chiều trong súc rửa, ngâm và tiệt trùng bình chứa sản phẩm. Trong khi đó, bình chứa lưu thông ngoài thường bị người tiêu dùng sử dụng vào nhiều mục đích khác, khi tái sử dụng dễ có nguy cơ ô nhiễm vi sinh hoặc hóa chất độc hại. Nếu bình chứa tái sử dụng phải được rửa và ngâm trong hồ chứa Cloramin B để sát khuẩn, sau đó rửa trong và được tiệt trùng bằng tia cực tím trước khi chiết rót. Nhưng công đoạn này thường làm thủ công, chỉ xác định độ sạch bằng mắt thường.
Tuy nhiên cũng phải nói rằng việc xét nghiệm cũng phải thực hiện đúng quy trình lấy mẫu. Để đảm bảo tính khách quan và tính pháp lý thì người thực hiện lấy mẫu phải là nhân viện cơ quan xét nghiệm hoặc mẫu xét nghiệm là chai nước còn được niêm phong nguyên đai, nguyên kiện khi mang đến cơ sở xét nghiệm.
Sự hiện diện của trực khuẩn mủ xanh trong nước uống đóng chai chứng tỏ mẫu nước đó chưa được tiệt trùng thích hợp như nhiễm bẩn từ đường ống hoặc thiết bị lọc hay từ chai, bình chứa...
Phóng viên: Theo PGS, có phải nguồn nước uống là nguồn gây nhiễm trực khuẩn mủ xanh đối với cộng đồng và làm thế nào để tiêu diệt được trực khuẩn mủ xanh?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Trực khuẩn mủ xanh không phải là một chỉ tiêu ảnh hưởng sức khỏe của tiêu chuẩn chất lượng nước uống theo quy định của Bộ Y tế trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chât lượng nước ăn uống. Trực khuẩn này hiện diện rộng rãi trong môi trường tự nhiên nhưng ít khi được phát hiện trong hệ thống nước máy. Không có bằng chứng về khả năng nguồn nước uống là nguồn gây nhiễm trực khuẩn mủ xanh đối với cộng đồng. Tuy nhiên, sự hiện diện với số lượng lớn trực khuẩn mủ xanh trong nước uống, chủ yếu là các loại nước đóng chai có thể làm nước có màu, mùi vị lạ và làm đục nước. Sự hiện diện của trực khuẩn mủ xanh trong nước uống đóng chai chứng tỏ mẫu nước đó chưa được tiệt trùng thích hợp như nhiễm bẩn từ đường ống hoặc thiết bị lọc hay từ chai, bình chứa... Bởi vì, trực khuẩn mủ xanh dễ bị tiêu diệt bởi các phương pháp khử khuẩn thông thường bằng cách đun sôi, tia cực tím, ozon, clo. Tiêu chuản nước đóng chai của Cộng đồng châu Âu quy định không có trực khuẩn mủ xanh trong 250 ml nước đống chai. Nhưng Hoa Kỳ thì không có quy định cụ thể. QCVN 6-12010/BYT quy định giới hạn 2 vi khuẩn trong 250 ml nước khi xét nghiệm lần 2.
Phóng viên: Vậy, theo PGS cần phải làm gì để khắc phục việc nhiễm trực khuẩn mủ xanh trong sản xuất?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga:Trong hệ thống cung cấp nước công cộng, các biện pháp nhằm làm giảm lượng cacbon hữu cơ, giảm thời gian lắng cặn trong đường ống, duy trì đủ nồng độ clo dư, đều làm hạn chế sự phát triển của trực khuẩn mủ xanh.
Khi xét nghiệm chất lượng nước về mặt vi sinh (nước cấp tập trung), không chủ định xét nghiệm trực khuẩn mủ xanh, nhưng nếu hiện diện, nó có thể mọc tốt và nhanh trên các môi trường nuôi cấy thông thường và tạo màu xanh đặc trưng nên dễ được phát hiện. Chỉ tiêu trực khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa) trong nước uống đóng chai, các loại thực phẩm khác là một trong các loại chỉ tiêu chỉ điểm sự nhiễm bẩn, không phải là chỉ tiêu phát hiện vi khuẩn gây bệnh.
Phòng bệnh không đặc hiệu đóng vai trò chính trong việc ngăn ngừa nhiễm trực khuẩn mủ xanh. Giữ gìn vệ sinh chung, triệt để thực hiện các quy trình tiệt trùng, làm đúng các thao tác vô trùng để tránh lây chéo trong bệnh viện. Đối với cá nhân, giữ gìn vệ sinh, tránh xây sát da và niêm mạc, tăng cường sức đề kháng chung, tránh lạm dụng kháng sinh và các thuốc gây suy giảm miễm dịch. Rửa tay bằng xà phòng là một biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn PGS!
Xem video phụ huynh phản ánh nước nhiễm vi khuẩn mủ xanh của VTC News
Vi khuẩn mủ xanh kháng thuốc
Trực khuẩn Pseudomonas aeruginosa là một trong những chỉ tiêu được kiểm soát nhiều trong nước, thực phẩm và mỹ phẩm. Nó phân bố rộng rãi trong tự nhiên như đất, nước trên bề mặt động thực vật. Nó phát triển ở nhiệt độ tối ưu là 370C, dễ dàng phát triển trong môi trường nghèo dinh dưỡng. Điều đáng ngại là vi khuẩn này kháng thuốc đối với nhiều loại kháng sinh, gây bệnh cơ hội trên người. Có thể gây viêm màng tim, viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng đường máu, đường tiết niệu, viêm màng não mủ và áp xe não, viêm tủy xương, viêm tai, gây bệnh hóa sừng ở mắt, nhiễm trùng da...
Toàn bộ nước quy định phải xử lý bằng chloramin B dùng cho thực phẩm, hoặc lọc. Thông thường lọc nhiều hơn, tuy nhiên nhiều hệ thống lọc hiện nay cũng không đảm bảo, một số máy lọc nước trên thị trường cũng không đạt tiêu chuẩn lọc nước. Một số hãng nước uống đóng chai uy tín trên thị trường đều đầu tư hệ thống dàn lọc hiện đại đạt tiêu chuẩn.