Gần 25 triệu người ở nước ta đã tiêm chủng vaccine COVID-19
Đến nay, Việt Nam tiếp nhận khoảng trên 33 triệu liều vaccine COVID-19 từ các nguồn khác nhau. Bộ Y tế đã tiến hành phân bổ cho các địa phương phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Thông tin cập nhật trên cổng tiêm chủng quốc gia đến trưa nay cả nước đã tiêm chủng vaccine COVID-19 cho gần 25 triệu người.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tiêm chậm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, trước ngày 15/9, TP HCM, Hà Nội và 3 địa phương: Long An, Đồng Nai, Bình Dương phải hoàn thành tiêm mũi 1.
500 cán bộ y tế tỉnh Phú Thọ hỗ trợ TP Hà Nội chống dịch COVID-19
Ngày 9/9, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức gặp mặt, giao nhiệm vụ cho đoàn công tác gồm 500 cán bộ y tế hỗ trợ công tác lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm chủng trong phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hà Nội.
Trong đó, có 230 cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và 270 cán bộ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Đây là đoàn công tác thứ 7 của tỉnh cử đi hỗ trợ các địa phương để chống dịch và là đoàn có số lượng đông nhất từ trước đến nay.
Sở Y tế TP HCM yêu cầu đảm bảo chế độ, bữa ăn cho nhân viên y tế, tình nguyện viên
Ngày 9/9, Sở Y tế TP HCM cho biết đã có văn bản khẩn gửi Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 về công tác điều trị của các bệnh viện điều trị COVID-19.
Sở Y tế cho biết trong thời gian qua, các bệnh viện đã thực hiện tốt mô hình "chị - em", các bệnh viện tầng trên đã chủ động điều phối nhận bệnh từ các bệnh viện tầng dưới.
Việc chuyển viện 2 chiều giữa các tầng an toàn và thông suốt, các bệnh viện đã có nhiều nỗ lực tăng số giường điều trị, đặc biệt là giường hồi sức cấp cứu để tiếp nhận người bệnh nặng.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị COVID-19 tại các bệnh viện, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện tiếp tục phát huy những kết quả đạt được.
Trong đó, phải đảm bảo các chế độ cho nhân viên y tế, tình nguyện viên khi tham gia công tác phòng chống dịch (phương tiện phòng hộ đầy đủ và đạt chuẩn, bữa ăn, nơi nghỉ ngơi sau khi làm việc...), hưởng phụ cấp phòng chống dịch theo quy định.
Đề xuất nhu cầu sử dụng lực lượng tình nguyện viên là F0 đã khỏi bệnh tham gia công tác phòng chống dịch tại Sở Y tế để tổng hợp.
Sở Y tế cho biết sẽ kiểm tra, giám sát việc cung cấp bữa ăn cho nhân viên y tế, tình nguyện viên khi tham gia chống dịch ở các đơn vị, đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng, đa dạng. Bên cạnh đó, sẽ giám sát các đơn vị thực hiện chính sách đặc thù, hỗ trợ, động viên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Quảng Bình: Thêm 55 ca mắc và 1 điểm dịch COVID-19 mới
Thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình cho biết, trong 24 giờ qua (sáng 8-9/9), Quảng Bình có thêm 55 ca nhiễm COVID-19 (gồm 29 ca trong khu cách ly; 25 trong khu phong toả và 1 ca cộng đồng), 19 ca khỏi bệnh và xuất hiện 1 điểm dịch mới.
Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 892 ca, có 178 ca khỏi.
Hiện đã có hơn 85.700 người tại Quảng Bình đã tiêm vaccine COVID-19, trong đó hơn 32.000 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Đồng Nai: Xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng thuốc phòng, chống COVID-19
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ vừa ký văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc;
Tuân thủ đầy đủ các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc; thực hiện bình ổn giá các loại thuốc dùng trong phòng, chống dịch COVID-19, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng; tích cực phối hợp các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra khi được yêu cầu.
Thanh tra Sở Y tế, Phòng Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống COVID-19.
Xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thông tin, quảng cáo thuốc không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng của thuốc; tăng giá thuốc bất bất hợp lý.
Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Trung tâm Kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với các thuốc dùng trong phòng, chống COVID-19. Trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc, đặc biệt là các thuốc dùng trong phòng, chống COVID-19.
Mời bạn đọc theo dõi video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội