Trưa 6/9: Có hiện tượng buôn bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc; Đăk Nông thêm 15 ca mắc mới

06-09-2021 13:26 | Y tế

SKĐS - Theo Cục Quản lý Dược, hiện nay có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để buôn bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc. Đăk Nông xuất hiện ổ dịch phức tạp, thêm 15 ca mắc mới COVID-19.

Tình hình dịch COVID-19: Cập nhật mới nhất từ Bộ Y tếTình hình dịch COVID-19: Cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế

SKĐS - Nội dung tình hình dịch COVID-19 dưới đây là số liệu chính thức, mới nhất theo nguồn tin từ Bộ Y tế, cập nhật mỗi buổi tối hàng ngày trên Báo Sức khỏe & Đời sống.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh để buôn bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu 24 cơ sở sản xuất thuốc trên toàn quốc báo cáo tình hình nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose.

Cục Quản lý Dược cho biết đã cấp phép nhập khẩu cho một số đơn hàng dược chất, bán thành phẩm thuốc gồm 4 loại có tên trên của các cơ sở sản xuất thuốc để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, kiểm nghiệm và sản xuất thuốc xuất khẩu.

Khi đồng ý nhập khẩu cho các đơn hàng, Cục Quản lý Dược ghi rõ cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm, không sử dụng vào mục đích khác, không lưu thông trên thị trường. 

Các cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để sản xuất thuốc xuất khẩu, không sử dụng vào mục đích khác. Thuốc thành phẩm sản xuất không được lưu hành Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Dược, hiện nay có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để buôn bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc.

Trưa 6/9: Có hiện tượng buôn bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc; Đăk Nông thêm 15 ca mắc mới   - Ảnh 1.

Theo Cục Quản lý Dược, hiện nay có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để buôn bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc. (Ảnh minh hoạ)

Để tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực dược, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, phục vụ tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở nghiêm túc thực hiện việc sử dụng các nguyên liệu được cấp phép nhập khẩu trên đúng mục đích theo công văn đồng ý nhập khẩu Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose của Cục Quản lý Dược.

Các cơ sở thực hiện việc báo cáo, cập nhật trong vòng 24 giờ kể từ khi có thay đổi (tăng, giảm) về số lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose) trên trang điện tử dichvucongdav.gov.vn và gửi báo cáo về tình hình nhập khẩu, sử dụng các nguyên liệu theo mẫu hoặc khi có sự thay đổi so với lần báo cáo trước.

Hơn 22 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm chủng

Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 đến trưa 6/9 đã có 22,075,731 liều vaccine COVID-19 được tiêm chủng trên cả nước.

Cũng theo thống kê trên cổng này cho biết TP. Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Bình, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Gia Lai và Khánh Hoà là 10 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp nhất tính theo số mũi tiêm/ số vaccine phân bổ theo quyết định.

Danh sách 10 địa phương có tỷ lệ tiêm cao nhất tính theo số mũi tiêm/ số vaccine phân bổ theo quyết định gồm có Bình Phước, Bắc Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau, Bắc Ninh, Yên Bái, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Quảng Ninh.

Đến nay Việt Nam đã tiếp cận khoảng 33 triệu liều vaccine COVID-19 từ các nguồn khác nhau.

TP HCM: Phê bình nghiêm khắc những quận, huyện chậm phát túi thuốc cho F0

Sở Y tế TP HCM đề nghị các quận, huyện tuyệt đối không để bất kỳ trường hợp bệnh nhân F0 điều trị tại nhà bị thiếu thuốc, đồng thời nghiêm khắc phê bình những trung tâm y tế, trạm y tế chậm triển khai đưa túi thuốc đến cho người bệnh.

Sở Y tế cho biết, sau khi ban hành công văn về việc phân bổ túi thuốc A, B cho bệnh nhân F0 điều trị bệnh COVID-19 tại nhà, sở này đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc A và B, Bộ Y tế cấp 16.000 túi thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir) và đã phân bổ vượt so với số bệnh nhân F0 do quận, huyện và TP Thủ Đức báo cáo.

Bộ Y tế: 7 loại vật dụng phải chuẩn bị khi cách ly, điều trị F0 tại nhàBộ Y tế: 7 loại vật dụng phải chuẩn bị khi cách ly, điều trị F0 tại nhà

SKĐS - Có 7 loại vật dụng phải chuẩn bị khi cách ly F0 tại nhà gồm: Khẩu trang y tế dùng 1 lần đủ dùng cho cả nhà trong 2 - 3 tuần; Găng tay y tế sạch tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc trong 2 - 3 tuần; Nhiệt kế thủy ngân hoặc điện tử, máy đo huyết áp...

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra, giám sát về hoạt động chăm sóc, quản lý người F0 đang cách ly tại nhà và báo cáo số liệu cấp phát túi thuốc đến bệnh nhân F0 chậm, do đó, còn nhiều bệnh nhân F0 chưa được nhận túi thuốc, gây bức xúc cho người bệnh.

Để đảm bảo bệnh nhân F0 điều trị tại nhà được tiếp cận túi thuốc điều trị kịp thời, giảm trường hợp chuyển nặng, Sở Y tế đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố chỉ đạo các bên liên quan khẩn trương rà soát và cấp phát túi thuốc cho bệnh nhân F0, tuyệt đối không để bất kỳ trường hợp bệnh nhân F0 điều trị tại nhà bị thiếu thuốc.

Đồng thời, Sở Y tế cho biết sẽ nghiêm khắc phê bình những trung tâm y tế, trạm y tế chậm triển khai đưa túi thuốc đến cho người bệnh.

Đắk Nông xuất hiện ổ dịch COVID-19 phức tạp, chưa rõ nguồn lây

Sáng 6/9, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết, xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp đã ghi nhận thêm 15 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây là ổ dịch COVID-19 phức tạp, chưa rõ nguồn lây.

Theo đó, các trường hợp này xuất hiện tại hai bon là BuBia và Bù Dzách, xã Quảng Tín, có yếu tố tiếp xúc gần, sống cùng nhà với bệnh nhân đã được công bố trước đó. Ngày 5/9, những người trên được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, cho kết quả dương tính. Đến sáng 6/9, kết quả xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông thực hiện đã khẳng định mắc COVID-19.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, huyện quyết định phong tỏa toàn bộ xã Quảng Tín từ 21 giờ ngày 5/9. Xã Quảng Tín tiến hành thành lập 33 chốt chặn (2 chốt tại đường Hồ Chí Minh và 31 chốt liên xã).

Dự kiến, trong ngày 6/9, lực lượng y tế Đắk Nông sẽ tiến hành xong việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng cho người dân xã Quảng Tín. Bước đầu, cơ quan chức năng đã xác định hơn 100 trường hợp có liên quan hoặc tiếp xúc với các ca bệnh.

Đến nay, Đắk Nông đã ghi nhận 324 ca mắc COVID-19, trong đó đang điều trị 158 ca (166 ca đã khỏi bệnh).

Kon Tum: 30 bác sỹ, điều dưỡng đến Bình Dương hỗ trợ chống dịch COVID-19

Sáng 6/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ xuất quân, tiễn 30 bác sỹ, điều dưỡng của Đoàn cán bộ y tế tỉnh Kon Tum tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương.

Đây là đoàn cán bộ y tế đầu tiên của tỉnh tham gia phòng, chống dịch tại các tỉnh phía Nam, nhằm góp phần chung tay cùng tỉnh Bình Dương sớm đẩy lùi dịch bệnh, ổn định tình hình, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Các cán bộ y tế tham gia đoàn lần nay có năng lực chuyên môn tốt, đã được tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, tiêm chủng đủ vaccine phòng COVID-19, được khám sức khoẻ kỹ và xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính, đảm bảo đầy đủ các điều kiện tham gia phòng, chống dịch.

Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:

Toàn cảnh Covid sáng 6/9: Hà Nội: phong tỏa một tòa chung cư ở Times City.

Thái Bình
Ý kiến của bạn