Trưa 4/9: Sáu yêu cầu với lực lượng tham gia chống dịch; Đồng Nai điều trị 266 ca COVID-19 nguy kịch, nặng

04-09-2021 12:42 | Tin nóng y tế

SKĐS - Theo quy định của Bộ Y tế có 6 yêu cầu với lực lượng tham gia chống dịch COVID-19; TP HCM đưa ra yêu cầu khẩn về chăm sóc F0 tại nhà; Đồng Nai đang điều trị 266 ca COVID-19 nguy kịch, nặng.

Chi tiết ca mắc COVID-19 hôm nay ở các tỉnh, thànhChi tiết ca mắc COVID-19 hôm nay ở các tỉnh, thành

SKĐS - Danh sách chi tiết từ số liệu chính thức của Bộ Y tế về các ca mắc mới COVID-19, ca tử vong hôm nay ở tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước. Cập nhật hàng ngày trên Báo Sức khỏe & Đời sống

Bộ Y tế: 6 yêu cầu với lực lượng tham gia chống dịch COVID-19

Bộ Y tế vừa có Công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn về quy định đảm bảo an toàn đối với các lực lượng tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.

Nhóm đối tượng áp dụng gồm: nhân viên y tế, sinh viên khối ngành sức khỏe và các lực lượng khác: cán bộ y tế nghỉ hưu, giáo viên, thanh niên, tăng ni phật tử/tu sĩ, lái xe,...

Trong công văn, Bộ Y tế nêu rõ 6 yêu cầu chung mà người tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch cần có để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể:

Trưa 4/9: Sáu yêu cầu với lực lượng tham gia chống dịch; Đồng Nai điều trị 266 ca COVID-19 nguy kịch, nặng - Ảnh 1.

Bộ Y tế đưa ra 6 yêu cầu với lực lượng tham gia chống dịch COVID-19

1. Đủ điều kiện sức khỏe về thể chất, tinh thần; Không mắc các bệnh nền, mạn tính (bệnh gan, thận, tiểu đường, ung thư, tim mạch, béo phì, bệnh đường hô hấp, bệnh suy giảm miễn dịch...); Không cử phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi.

2. Không thuộc đối tượng tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19 trong vòng 14 ngày trước ngày làm nhiệm vụ; không có các biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở, đau rát họng…

3. Đã được tiêm đủ liều vaccine COVID-19.

4. Được xét nghiệm SARS-CoV-2: trước khi vào hỗ trợ (trong thời gian tối đa 72 giờ), định kỳ 3 ngày/lần trong thời gian công tác và trước khi kết thúc đợt công tác.

5. Được tập huấn về nội quy phòng, chống dịch, nhiệm vụ của đoàn công tác, đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhiễm khuẩn và hướng dẫn cách sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân theo yêu cầu tại các vị trí làm việc trước khi tham gia.

6. Được cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, quy định về phòng, chống dịch, các thông tin liên quan đến địa phương, đơn vị đến công tác.

Tình hình dịch COVID-19: Cập nhật mới nhất từ Bộ Y tếTình hình dịch COVID-19: Cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế

SKĐS - Nội dung tình hình dịch COVID-19 dưới đây là số liệu chính thức, mới nhất theo nguồn tin từ Bộ Y tế, cập nhật mỗi buổi tối hàng ngày trên Báo Sức khỏe & Đời sống.

Quảng Bình: Ghi nhận 43 ca mắc COVID-19 trong 24h qua  

Thông tin tổng hợp từ Trung Tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình cho biết, từ 6 giờ ngày 3/9 đến 6 giờ sáng nay (4/9), Quảng Bình ghi nhận thêm 43 ca nhiễm COVID-19 mới (trong đó 35 ca trong khu phong toả, 8 ca trong khu cách ly) và 8 ca khỏi bệnh.

Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến nay là 758 ca, có 87 ca khỏi.

Hiện đã có hơn 78.000 người tại Quảng Bình đã tiêm vaccine COVID-19, trong đó gần 24.800 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Từ 19h ngày 3/9- 8h ngày 4/9: Phú Yên ghi nhận 24 ca dương tính với SARS-CoV-2

Sau hai tháng bùng phát dịch COVID-19, Phú Yên nới lỏng giãn cách xã hội khi số ca mắc mới giảm mạnh, chủ yếu là người từ TP.HCM và Bình Dương về.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, vừa ký quyết định nới lỏng giãn cách xã hội trên toàn tỉnh từ tối 3/9 đến hết ngày 12/9. Trong đó, địa phương chuyển giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 đối với các huyện, thị xã trên toàn tỉnh Phú Yên.

Riêng TP Tuy Hòa có hai xã Phú Đông, Bình Ngọc và các phường 2, 3, 4, 6, 9 tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; các xã, phường còn lại thực hiện Chỉ thị 15.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên giao các địa phương tùy vào tình hình dịch, cần thiết phải áp dụng các biện pháp thắt chặt hoặc nới lỏng thì có văn bản đề xuất cụ thể để Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19 tỉnh Phú Yên cho biết từ 19h ngày 3/9 đến 8h ngày 4/9, địa phương chỉ ghi nhận 24 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Những ca này chủ yếu là người từ TP HCM, Bình Dương được tỉnh đón về quê. Các trường hợp mắc mới trong cộng đồng giảm mạnh.

TP HCM: Yêu cầu khẩn về chăm sóc F0 tại nhà

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng vừa ký văn bản khẩn về việc chăm sóc và quản lý người F0 trên địa bàn gửi đến Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở TP Thủ Đức, quận, huyện.

Sở Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương tập trung triển khai và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý người F0 cách ly tại nhà, cụ thể:

Các trạm Y tế phường, xã, thị trấn, Trạm Y tế lưu đồng phải quản lý danh sách người F0 trên địa bàn bằng cách, khi có kết quả xét nghiệm test nhanh hoặc PCR phải khẩn trương gửi ngay danh sách F0 mới phát hiện về các Trạm Y tế hoặc Trạm Y tê lưu động để triển khai công tác chăm sóc.

Tổ chức đến nhà để lấy mẫu xét nghiệm nhanh khi nhận được thông tin của người dân báo có kết quả tự làm xét nghiệm dương tính qua điện thoại hoặc qua phần mềm "Hệ thống khai báo y tế diên tử" hoặc nhận được thông tin từ Tổ COVID-19 cộng đồng, Tổ dân phố…

Đăng nhập vào phần mềm "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19" để biết và tiếp nhận danh sách người F0 mới thuộc địa bàn quản lý do các sơ sở y tế khác phát hiện.

Các bước thực hiện khi phát hiện một trường hợp F0 mới như sau:

Bước 1: ghi lại đầy đủ thông tin về địa chỉ nhà, số điện thoại của người F0 và người thân trong gia đình.

Bước 2: Phát ngay túi thuốc điều trị COVID-19 (gói thuốc A, gói thuốc B) cho người bệnh. Phổ biến và hướng dẫn cho người F0 biết, chấp nhận tham gia và ký vào "Phiếu chấp thuận tham gia chương trình Molnupiravia có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19" khi phát gói thuốc C.

Bước 3: Tầm soát đủ điều kiện để cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung. Hướng dẫn người F0 tự theo dõi và khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày (tự ghi vào sổ tay hay khai báo y tế điện tử).

Bước 4: Cung cấp các số điện thoại để người F0 biết và gọi khi cần giúp đỡ.

Sau đó, gọi điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe F0 mỗi ngày hoặc chủ động nắm bắt tình hình sức khỏe người F0 qua khai báo y tế mỗi ngày.

Chủ động đến nhà người F0 để tham khám trực tiếp, ưu tiên cho các trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai…) để thuyết phục cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung tại các phường, xã, thị trấn và quận, huyện.

Về cấp cứu tại nhà trường hợp người F0 có triệu chứng nặng, Sở Y tế yêu cầu các địa phương cần Đảm bảo cung cấp số điện thoại và tiếp nhận cuộc gọi của người F0 hoặc người thân 24/7.

Đồng Nai: Có 266 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch đang điều trị

Sáng 4/9, thông tin từ Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 24 giờ qua, tỉnh ghi nhận thêm 992 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 toàn tỉnh lên 27.409 ca.

Trong ngày 3/9, có thêm 278 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 11.736 trường hợp. Tổng số bệnh nhân tử vong được ghi nhận đến nay là 220 trường hợp, hiện còn 36 bệnh nhân có diễn tiến nguy kịch, 230 bệnh nhân có diễn tiến nặng.

Với quyết tâm tiêm vaccine nhanh, an toàn để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, trong 3 ngày từ 1 đến 3/9, toàn tỉnh đã tiêm được hơn 56,7 ngàn liều vaccine trong đợt 7. 

Cộng dồn từ đợt 1 tiêm vaccine phòng COVID-19 đến nay, toàn tỉnh có 838.951 người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 (đạt 37,2% tổng số người từ 18 tuổi trở lên trong tỉnh), trong đó có 61.992 người đã được tiêm đủ 2 liều vaccine. 

Ghi nhận tại một số điểm tiêm chủng trên địa bàn mới đây, đa số người dân, công nhân lao động đều rất tin tưởng và đồng tình với việc tiêm vaccine phòng COVID-19.

Mời bạn đọc theo dõi video đang được quan tâm:

Triển khai triệt để các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ 2-9.

Thái Bình
Ý kiến của bạn