Trưa 29/8: Bộ Y tế hướng dẫn 2 điều kiện F0 được cách ly tại nhà; 50% ca COVID-19 ở Bình Dương khỏi bệnh

29-08-2021 13:14 | Tin nóng y tế

SKĐS - Bộ Y tế hướng dẫn 2 điều kiện F0 được cách ly tại nhà; 50% ca COVID-19 ở Bình Dương khỏi bệnh; Thanh Hoá cử thêm gần 60 y bác sĩ vào TP HCM hỗ trợ chống dịch

Hai điều kiện người mắc COVID-19 được cách ly tại nhà

Trong tài liệu hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà, Bộ Y tế quy định F0 đủ các điều kiện dưới đây sẽ được cơ quan có trách nhiệm ra quyết định cách ly, theo dõi tại nhà:

Căn cứ mức độ bệnh và đặc điểm của F0

- Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ, gồm: Không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút.

- Độ tuổi: Trên 12 tháng và dưới 50 tuổi.

- Bệnh, thể trạng kèm theo: Không có bệnh nền.

- Không đang mang thai.

Trưa 29/8: Bộ Y tế hướng dẫn 2 điều kiện F0 được cách ly tại nhà; 50% ca COVID-19 ở Bình Dương khỏi bệnh - Ảnh 1.

Người mắc COVID-19 được theo dõi, điều trị tại nhà khi đủ 2 điều kiện theo yêu cầu của Bộ Y tế

Bệnh nhân có thể tự chăm sóc bản thân

- F0 có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân…

- Biết cách đo thân nhiệt.

- Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát. Khi có tình trạng cấp cứu, có sẵn và sử dụng được các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…

- Có khả năng tự dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.

Nếu người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình bệnh nhân phải có người khỏe mạnh, đủ kiến thức chăm sóc F0, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng yêu cầu hạn chế người chăm sóc.

Đồng thời, khi trong gia đình có người mắc COVID-19, các thành viên phải tự cách ly tại nhà để tránh lan cho cộng đồng, bởi lúc này, họ cũng có nguy cơ bị lây nhiễm.

Với những gia đình có F0 cách ly tại nhà, chúng ta không cần lo lắng, tích trữ thực phẩm. Chính quyền địa phương, người thân và các lực lượng, tổ chức sẽ giúp đỡ gia đình bệnh nhân trong thời gian cách ly tại nhà.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đưa túi thuốc và gói an sinh đến với người dân ở TP HCM   Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đưa túi thuốc và gói an sinh đến với người dân ở TP HCM

SKĐS - Để nắm bắt sâu sát, cặn kẽ các hoạt động của địa phương Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã vào tận nhà dân ở phường 5, Quận 8, TP HCM thị sát, trò chuyện và động viên người dân đồng lòng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19

Giai đoạn bệnh nhân COVID-19 thường trở nặng

Theo BSCKI Tống Hồ Tứ Phương, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 (TP HCM), bệnh nhân COVID-19 thường trở nặng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 10 của bệnh.

 Đặc biệt, bệnh dễ diễn tiến nặng với những người có cơ địa béo phì, bệnh nền, bệnh mạn tính (cao huyết áp, tiểu đường, bệnh hệ thống, suy gan thận...) và người trên 50 tuổi. Tuy vậy, gần đây vẫn có nhiều bệnh nhân trẻ chuyển nặng cần thở oxy.

Cũng theo BS Tứ Phương, vì là bệnh do virus, nên nếu người mắc COVID19 ít yếu tố nguy cơ (già, bệnh nền, béo phì...), chúng ta sẽ vượt qua được mà không cần nhập viện.

"Người nhiễm SARS-CoV-2 chỉ cần điều trị triệu chứng: bị cái gì, uống thuốc trị cái đó. Nhưng nếu diễn tiến xấu, có tổn thương phổi như: thở mệt, khó thở, thở nhanh > 20 lần/phút, hoặc SpO2 <=95% (chỉ số SpO2 bình thường là 99%), bệnh nhân phải được xử trí sớm tại chỗ và nhập viện để theo dõi, điều trị tiếp"- BS Tứ Phương chia sẻ.

Thêm gần 60 cán bộ y tế của Thanh Hoá vào hỗ trợ TP HCM chống dịch COVID-19

Sáng 29/8, Sở Y tế Thanh Hóa đã tổ chức lễ xuất quân tiễn đoàn cán bộ y tế tỉnh Thanh Hoá tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại TP HCM.

Đoàn công tác lần này có 59 cán bộ, bác sĩ, nhân viên thuộc các đơn vị sự nghiệp y tế tỉnh Thanh Hóa, có kinh nghiệm, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống dịch theo yêu cầu chuyên môn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19 đến từ 12 bệnh viện các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, gồm 9 Bác sĩ, 45 Điều dưỡng và 5 Kỹ thuật viên.

Trước khi lên đường, tất cả các cán bộ y tế đã được tập huấn, hướng dẫn quy trình chuyên môn, kỹ thuật và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm COVID-19, đồng thời đã được tiêm chủng vaccine đủ 2 mũi, lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Trước đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức nhiều đợt hỗ trợ nhân lực cho các tỉnh, thành phố phía Nam phòng chống dịch. Hiện nay, có 285 cán bộ, nhân viên y tế thuộc các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tham gia công tác phòng, chống dịch tại TP HCM và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Bình Dương: Hơn 50% bệnh nhân COVID-19 đã xuất viện

Ngày 29/8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, ngày 28/8, tỉnh Bình Dương có 1.171 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện tính từ đợt dịch thứ tư lên 54.030 người. Trong 24 giờ qua, tỉnh Bình Dương ghi nhận 4.049 ca mắc mới COVID-19, giảm 3,3% so với ngày 27/8.

Trong đó, số ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa với 3.060 ca (chiếm 75,6%), qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng 687 ca (chiếm 17,0%); 190 ca qua kết quả khẳng định PCR tại khu cách ly tạm thời (chiếm 4,7%) và 112 ca tại cơ sở y tế (chiếm 2,8%).

Trong ngày, Bình Dương đã thu dung điều trị 1.700 bệnh nhân, giảm 16,3%. Hiện các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang điều trị 17.608 bệnh nhân, trong đó tầng 1 có 14.011 bệnh nhân, tầng 2 có 2.872 bệnh nhân và tầng 3 có 725 bệnh nhân.

Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 98.794 ca mắc COVID-19.

Từ ngày 2/8, Bình Dương tiến hành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2, 3. Kết quả, các địa phương lấy mẫu test nhanh và PCR cho 2.041.097 người, có 43.574 trường hợp dương tính; triển khai lấy mẫu PCR cho 114.797 công nhân tại 131 công ty trong các khu công nghiệp, có 323 trường hợp dương tính.

Sở Y tế Đắk Lắk thông tin về trường hợp tử vong thứ 6 do COVID-19 là sản phụ mang thai 24 tuần

Sở Y tế cho biết, ngày 28/8 Đắk Lắk ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do COVID-19. Đây là trường hợp tử vong thứ 6 trên địa bàn tỉnh.

Đó là bệnh nhân D.H.H.G, mã số 244329 (sinh năm 1988, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột). Ngày 11/8, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 01 của tỉnh, sau đó chuyển qua Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh ngày 13/8.

Đến ngày 16/8, bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân được chuyển vào khu điều trị COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ liên quan đến trường hợp BN244320 (sinh năm 1992, địa chỉ thôn 20, xã Cư Bông, huyện Ea Kar).

Sau 18 ngày theo dõi, điều trị tích cực, thở máy, lọc máu liên tục tại các bệnh viện nhưng do tình trạng bệnh nặng, suy hô hấp, viêm phổi nặng do SARS-CoV-2, sốc nhiễm trùng biến chứng suy đa tạng, rối loạn đông máu và toan chuyển hóa. Với chẩn đoán sốc nhiễm trùng biến chứng suy đa tạng (tổn thương thận cấp, rối loạn toan-kiềm, rối loạn đông máu, suy gan...), ARDS nặng, viêm phổi nặng, nhiễm SARS-CoV-2 ngày thứ 19, tăng natri máu, thiếu máu mức độ nặng, hạ albumin máu.

Bệnh nhân tử vong lúc 16 giờ 50 phút ngày 28/8, hiện mang thai 24-25 tuần.

Hiện Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiến hành các thủ tục cần thiết để xử lý thi hài người bệnh theo đúng quy định.

Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:

Toàn cảnh cuộc huy động gần 14.600 "chiến sĩ áo trắng" của ngành Y giúp miền nam chống dịch COVID-19

Thái Bình
Ý kiến của bạn