Trữ thuốc... Tết

04-01-2017 08:08 | Dược
google news

SKĐS - Các rối loạn thông thường như: cảm sốt, khó tiêu đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, dị ứng do ăn uống, ngộ độc thực phẩm, chấn thương phần mềm, say rượu... rất có thể chúng ta sẽ gặp phải trong dịp Tết.

Các rối loạn thông thường như: cảm sốt, khó tiêu đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, dị ứng do ăn uống, ngộ độc thực phẩm, chấn thương phần mềm, say rượu... rất có thể chúng ta sẽ gặp phải trong dịp Tết. Vậy phải ứng phó với những vấn đề này như thế nào để không làm ảnh hưởng tới không khí vui xuân?

Gọi là rối loạn thông thường vì các vấn đề về sức khỏe mắc phải không trầm trọng đến độ phải đi khám bác sĩ hoặc phải đến bệnh viện để được chữa trị mà chỉ cần có chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng thích hợp tại nhà kết hợp một số biện pháp chữa trị không dùng thuốc hoặc dùng thuốc thông thường là có thể cải thiện các rối loạn đó. Các thuốc được dùng xử lý những trục trặc về sức khỏe tại nhà thuộc loại không cần có đơn thuốc của bác sĩ.

Các rối loạn thông thường có thể xử lý tại nhà có thể kể như sau: cảm sốt, khó tiêu đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, dị ứng do ăn uống, ngộ độc thực phẩm, chấn thương phần mềm, say rượu… Đặc biệt trong dịp Tết, thay đổi thời tiết, thay đổi chế độ sinh hoạt ăn, ngủ tập luyện... làm cho cơ thể mỏi mệt, sức đề kháng kém, rất dễ bị rối loạn, đặc biệt dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn.

Cảm sốt

Cảm sốt thường do cảm cúm là rối loạn thường gặp. Có hai triệu chứng đi kèm với cảm cúm là sốt và đau nhức, đặc biệt là nhức đầu. Đối với trẻ em thì thường bị sốt, còn người lớn cảm thấy rất khó chịu do bị nhức đầu.

Để giảm đau, hạ sốt, đặc biệt trị nhức đầu, thuốc thường được dùng là aspirin và paracetamol. Trong hai loại thuốc này, paracetamol được xem là tương đối an toàn. Aspirin giảm đau hạ nhiệt tốt nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt gây tổn hại niêm mạc dạ dày-tá tràng và tăng nguy cơ xuất huyết. Nên lưu ý, không được dùng aspirin khi nghi ngờ sốt xuất huyết. Phụ nữ có thai và trẻ em không nên dùng aspirin. Nên lựa chọn paracetamol nhưng cũng cần lưu ý paracetamol không phải hoàn toàn vô hại, dùng quá liều có thể hại gan. Không nên dùng paracetamol quá thường xuyên và phải dùng thật đúng liều.

Khó tiêu đầy bụng

Khó tiêu đầy bụng là triệu chứng cảm thấy no hơi, nặng bụng, khó chịu do có sự tích khí trong đường tiêu hóa, do tiêu hóa không tốt, thức ăn bị ứ đọng ở dạ dày. Trước khi tính chuyện dùng thuốc, ta nên lưu ý thực hiện mấy điều sau:

- Nên quan tâm đến cách ăn uống để tránh chứng khó tiêu đầy bụng như ăn chậm, nhai kỹ, tạo không khí thoải mái trong bữa ăn, tránh dùng các thực phẩm mà theo kinh nghiệm có thể gây chứng khó tiêu (như thức ăn chiên quá nhiều dầu mỡ), không lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị gây kích thích.

- Có thể dùng gừng giã nhỏ lấy nước hòa với nước ấm uống cũng có tác dụng  làm giảm chứng khó tiêu.

- Chỉ nên dùng các thuốc trị khó tiêu, đầy bụng khoảng 5-7 ngày, nếu sau đó chứng khó tiêu đầy bụng không cải thiện, ta nên đi bác sĩ khám bệnh (đặc biệt, người trên 45 tuổi càng nên đi khám bệnh tổng quát để tầm soát các bệnh hay mắc ở người cao tuổi).

Về thuốc trị khó tiêu đầy bụng có thể dùng các thuốc sau:

- Thuốc chống acid, chống đầy hơi: được dùng khi bị chứng khó tiêu đầy bụng kèm theo ợ chua do thừa acid dịch vị, tức là chất chua trong dạ dày, gồm có: maalox plus, simelox, phosphalugel, gasvicon, pepsan…

- Thuốc giúp điều hòa sự co bóp dạ dày: Dùng khi sự co bóp dạ dày kém đưa đến sự chuyển đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột chậm, gồm có: metoclopramid (primpéran) domperidon (motilium-M)…

- Thuốc giúp tiêu hóa: Đó là thuốc chứa các men tiêu hóa để giúp sự tiêu hóa thức ăn ở dạ dày dễ dàng hơn như: neopeptine, festal, pancrélase, alipase… hoặc dùng thuốc chứa mật, làm lợi mật hoặc thông mật như: spasmenzyme, artichaut (BAR), sulfarlem, sorbitol…

Nôn ói

Trước khi nôn ói, ta thường có cảm giác buồn nôn và nếu làm mất cảm giác này thì sẽ không nôn. Buồn nôn và nôn là triệu chứng của nhiều rối loạn và do nhiều nguyên nhân gây ra.

Những nguyên nhân gây ra buồn nôn, nôn có thể kể: ngộ độc thực phẩm (nôn được xem là phản ứng cần thiết loại chất độc ra khỏi cơ thể bằng đường miệng), do thai nghén (nôn xảy ra trong mấy tháng đầu thai kỳ), do say tàu xe, máy bay. Riêng nguyên nhân say tàu xe, máy bay thường hay gặp nhất.

Có thể thực hiện một số biện pháp nhằm giảm bớt sự kích thích đưa đến say tàu xe bằng cách: ngồi ở chỗ thoáng mát, đầu tựa nơi cố định, không đọc sách báo hoặc nhìn các vật di chuyển bên ngoài (nhắm mắt là tốt nhất), đắp khăn mát lên trán, không ăn uống quá no… Có thể dùng thảo dược là gừng dùng ngậm trong miệng để phòng chống nôn, say tàu xe.

Có thể dùng thuốc chống nôn dạng uống gọi là thuốc kháng histamin ở thụ thể H1 như: promethazine (phenergan), diphenhydramine (nautamine), dimenhydrinate (dramamine), cinnarizine (stugeron)… Nên lưu ý uống đúng liều lượng theo sự chỉ dẫn và nên uống 30 phút trước khi lên tàu xe. Hoặc dùng dạng miếng băng thuốc dán vào da sau tai là scopolamine TTS, nên dán 6 tiếng trước khi đi tàu xe để thuốc có đủ thời gian cho tác dụng.

Tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng đi tiêu nhiều lần trong ngày và lỏng (phân có khi chỉ là nước) do ruột tăng cường sự co thắt và nước không hấp thu qua niêm mạc ruột để vào máu mà bị thải ra ngoài.

Tiêu chảy cấp khi tình trạng tiêu chảy tồn tại trong vòng 2 tuần, còn tiêu chảy mạn kéo dài trong thời gian lâu hơn và có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng. Tiêu chảy cấp là triệu chứng do khá nhiều nguyên nhân gây ra.

Do tiêu chảy cấp gây mất nước và chất điện giải cho nên trong điều trị, đặc biệt đối với trẻ em, vấn đề hàng đầu được đặt ra là bù nước và chất điện giải. Tức là trước khi tính chuyện cầm tiêu chảy, hãy dùng gói oresol (đối với trẻ nhỏ, có thể có đến 80% tiêu chảy do nhiễm siêu vi Rotavirus và trường hợp này chỉ cần bù nước và chất điện giải) là có thể khỏi.

Trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, chất độc, dùng thuốc cầm ngay tiêu chảy không có lợi, cơ thể cần tiêu chảy tống chất độc ra khỏi cơ thể. Chỉ khi tiêu chảy không khu trú, kéo dài mới tính tới chuyện dùng thuốc cầm tiêu chảy như loperamid, imodium… và tiêu chảy hơn 3 ngày nên đi khám bác sĩ để định bệnh.


PGS.TS.Nguyễn Hữu Đức
Ý kiến của bạn