Ông Nguyễn Thọ Chân - lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Trưởng Ban Thi đua TW - một người nhiều năm được làm việc gần gũi với Bác Hồ kể lại với các nhà báo: “Khi tôi là Phó Bí thư Thường trực thành ủy Hà Nội, năm1960 có chủ trương xây dựng, quy hoạch lại thành phố. Tôi đề nghị với Bác Hồ cho xây dựng một trụ sở Trung ương Đảng to đẹp để tương xứng với công lao vĩ đại của Đảng. Nhưng Bác không đồng ý. Bác bảo tôi: “Xây trụ sở Trung ương Đảng làm gì. Trung ương ở thế này (trụ sở số 4, Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội) là được”. Thế nhưng, Người lại hỏi tôi: “Nếu xây, theo chú, trụ sở Trung ương Đảng nên đặt ở đâu thì to đẹp, vững chắc nhất?”. Tôi còn đang suy nghĩ chưa ra, thì Bác đã ôn tồn giải thích:“Nơi đặt trụ sở của Đảng vững chắc nhất, là trong lòng nhân dân!”. Bao nhiêu năm đã qua đi, nhưng càng suy ngẫm, tôi càng thấy lời căn dặn của Bác sâu sắc biết bao”.
![]() Người Hà Nhì vui đón xuân. |
Trụ sở của Đảng phải ở trong lòng nhân dân! Đó là tư tưởng và đạo đức vô cùng cao đẹp, là tư duy hết sức sáng suốt, là câu nói cực kỳ nổi tiếng của Bác Hồ vĩ đại. Câu nói ấy xuất phát từ sâu thẳm lòng yêu nước thương dân vô hạn của Bác, thể hiện niềm tin tưởng sắt son của Người đối với nhân dân. Đảng từ nhân dân mà ra. Đảng chỉ có mục đích duy nhất là phấn đấu giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, dân chủ, công bằng và hạnh phúc cho nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên (CB-ĐV) chân chính – như lời Bác dạy – “phải là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân!” Nhân dân sinh ra Đảng và nhân dân chính là Người mẹ hiền nuôi dưỡng và bảo vệ Đảng – một khi Đảng xứng đáng với Người mẹ hiền. Nói như cố nhà thơ Tố Hữu: “Lòng dân yêu Đảng như là yêu con” (bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng”). Cho nên, Trụ sở TW Đảng phải ở trong lòng nhân dân thì mới trở nên to đẹp và vững bền nhất! Câu nói của Bác thật là chí lý, chí tình, chí nghĩa. Bên cạnh ý nghĩa to lớn, sâu xa đó, câu nói của Bác còn thể hiện quan điểm triệt để chống bệnh hình thức, chống xa hoa, lãng phí trong các tổ chức, cơ quan của Đảng và trong mỗi CB-ĐV.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về Bác Hồ: “Bình sinh, Hồ Chủ tịch không thích hình thức, chống nói suông, và rất coi trọng việc làm thiết thực”. Trong “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ”, ngày 1/3/1947, Bác nêu rõ những khuyết điểm mà mỗi CB-ĐV “phải kiên quyết tẩy sạch” (chữ Bác dùng – ĐNĐ), trong đó có bệnh “ham chuộng hình thức”. Nói về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” (1952), Bác nhấn mạnh: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Bác thường xuyên phê phán nghiêm khắc những căn bệnh tai hại này, đồng thời nhắc nhở CB-ĐV phải thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư và giữ vững “tính Đảng”.