Hà Nội

Trụ nước cứu hỏa mất tác dụng - hậu quả khôn lường

07-10-2019 13:59 | Xã hội
google news

SKĐS - Trụ nước cứu hỏa đặc biệt quan trọng để chữa cháy, là nguồn tiếp nước dập lửa trong nhiều trường hợp hỏa hoạn.

Thế nhưng, ngay tại Hà Nội, trụ nước cứu hỏa ở nhiều nơi đang trong tình trạng “mất tác dụng” vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là thực trạng nhức nhối đang diễn ra trong nhiều năm qua trên địa bàn Hà Nội, làm cho công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) gặp nhiều hạn chế.

Thực trạng đáng lo ngại

Gần đây. qua công tác kiểm tra thực tế của lực lượng PCCC Công an Hà Nội cho thấy, nhiều nơi, các trụ nước không đáp ứng yêu cầu. Tình trạng vặn van không có nước chảy ra là điều không khó bắt gặp với các chiến sĩ PCCC. Tại Hà Nội, tuyến đường Hồ Tùng Mậu mới được xây dựng, trong 7 trụ nước cứu hỏa có tới 4 trụ hỏng không hút được nước. Còn tại đường Tô Hiệu, một trụ nước trông rất mới nhưng khi mở van cũng chỉ có vài giọt nước chảy ra. Hay một trụ nước trên đường Trần Thái Tông, may mắn là vẫn có nước phun ra nhưng áp lực nước yếu không đủ để phục vụ công tác chữa cháy...

Theo số liệu báo cáo của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trong 9 tháng năm 2019, cả nước xảy ra hơn 3.059 vụ cháy, làm chết 75 người và làm bị thương 99 người; thiệt hại về tài sản khoảng 1.171,24 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2018: Số vụ cháy tăng 414 vụ, tương đương 15,7% (3.059/2.645 vụ), số người chết tăng 5 người, tương đương 7,1% (75/70 người), bị thương giảm 51 người, tương đương 34% (99/150 người).

Theo thống kê mới nhất của Cảnh sát PCCC Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2019, trong gần 2.700 trụ nước trên địa bàn có hơn 500 trụ cứu hỏa đang không sử dụng được do nhiều nguyên nhân. Ngoài số trụ không sử dụng được, số lượng thiếu cần bổ sung cũng lên tới hơn 3.000 trụ cứu hỏa. Trụ nước thiếu, lại bị hỏng hóc là thực trạng nhức nhối đã diễn ra trong nhiều năm qua trên địa bàn Hà Nội. Thực trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCC, dẫn đến có những vụ cháy xảy ra, đáng lẽ được xử lý nhanh, ảnh hưởng ít nhưng vì nguồn nước thiếu, việc tiếp viện khó khăn, các trụ cấp nước không hiệu quả nên công tác PCCC gặp nhiều khó khăn đã làm thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Đó là một thực tế đáng lo ngại, việc này đòi hỏi lực lượng PCCC và chính quyền Hà Nội phải rà soát toàn bộ và cần có sự đầu tư thỏa đáng để công tác PCCC đạt hiệu quả cao, tránh việc đối phó và hình thức như thời gian qua.

Nhiều trụ nước cứu hỏa như thế này ở Hà Nội đang bị tê liệt không hiệu quả.

Nhiều trụ nước cứu hỏa như thế này ở Hà Nội đang bị tê liệt không hiệu quả.

Hậu quả khôn lường

Được biết, ngày hôm sau, trụ nước “tạm bợ” trên đường Hồ Tùng Mậu đã được sửa chữa nhưng khi vụ việc được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đã gây bức xúc không nhỏ trong dư luận những ngày qua. Vì trước đây từng xảy ra những vụ cháy nhưng khi cần nước để dập lửa thì những trụ tiếp nước bị hỏng hay không sử dụng được đã để lại hậu quả khôn lường, thiệt hại cả về người và tài sản vô cùng nghiêm trọng. Hẳn nhiều người còn nhớ lại vụ cháy trong khu tập thể Nam Đồng (Hồ Đắc Di, Hà Nội) trước đây với 5 căn nhà bị thiêu rụi và 1 chiến sĩ bị thương nặng trong quá trình khống chế ngọn lửa. Điều đáng nói, khi các xe cứu hoả hết nước, lực lượng PCCC đến trụ nước cách đám cháy khoảng 100m thì mới biết trụ nước này chỉ để làm “cảnh”.

Hay vụ cháy nhà số 48, ngõ 41 phố Vọng (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) xảy ra năm 2007 khiến 2 mẹ con tử vong. Vụ cháy này gây khó khăn cho lực lượng chức năng do hiện trường vụ cháy nằm trong ngõ sâu, các xe chữa cháy không vào tận hiện trường và khi đó, khu vực này cũng chưa được lắp đặt trụ nước cứu hỏa công cộng.

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống về vấn đề trên, Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH - Bộ Công an cho biết: “Cần điều tra làm rõ trách nhiệm thuộc về ai. Đây là hành vi cần xử lý nghiêm minh bởi vì vô cùng nguy hiểm cho xã hội, nó gián tiếp làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản”.

Cũng theo Đại tá Khương: Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, ở các đám cháy thông thường thì nước là chất chữa cháy chủ yếu. Còn ở những đám cháy đặc biệt như xăng dầu hay hóa chất thì không sử dụng nước nhưng ít khi xảy ra. Trước những đám cháy thông thường, lượng nước chứa trong xe cứu hỏa để dập lửa chỉ từ 2,5 - 6 khối nên lượng nước từ lăng phun chỉ 5 - 6 phút là hết. Trong khi đó, tại Hà Nội, khi cháy ở các cụm dân cư thường lớn, lan ra nhiều nhà, nhiều nhà nằm trong ngõ hẹp, lực lượng PCCC khó khăn, mất thời gian triển khai và nhiều nơi nguồn nước khan hiếm, cách xa. Vậy nếu không có nguồn nước trực tiếp ở đó để hút thì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy vì phải đi lấy nước nơi khác và rất mất thời gian. Quãng thời gian này, đám cháy cứ lan và khi cháy càng to thì lại càng khó dập lửa...

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều ao, hồ tự nhiên vốn là nguồn nước chữa cháy đã bị san lấp. Nguồn nước chính phục vụ chữa cháy hiện nay là từ các trụ nước cứu hỏa. Theo quy chuẩn PCCC, cứ cách 150m hè phố phải có 1 trụ cấp nước chữa cháy nhưng nếu không có trụ nước hay có trụ nước mà không có nước thì hậu quả sẽ là khôn lường.


Anh Minh
Ý kiến của bạn