Đông y gọi quả mơ là mai tử, có vị chua, tính bình, không độc, đi vào các kinh can, tỳ, phế, đại tràng. Trong thịt quả mơ có nhiều loại vitamin, đặc biệt là vitamin A và C, đường, muối khoáng. Quả mơ tươi ngâm đường làm nước giải khát giảm mệt mỏi, tăng sức đề kháng. Nhân hạt mơ với tên thuốc là hạnh nhân trị chứng viêm phế quản thể hen.
Để làm thuốc, quả mơ được chế biến thành mơ muối (bạch mai) hoặc kết hợp với gừng tươi, cam thảo, muối làm ô mai cam thảo. Ô mai mơ ngậm giảm ngứa họng, buồn nôn, ho có đờm; Riêng mơ muối (bạch mai) có trong nhiều bài thuốc chữa cảm mạo, các bệnh đường hô hấp, chữa ho lâu ngày, rối loạn tiêu hóa, bệnh đường tiết niệu, chứng tiểu đường, viêm túi mật, thiếu máu, chóng mặt, ù tai…
Đông y cho rằng bạch mai có vị chua chát, tính ôn; vào kinh can, tỳ và phế. Có tác dụng thu liễm phế khí, làm săn ruột, sát trùng, tiêu mụn nhọt, sinh tân chỉ khát... được dùng trong một số trường hợp sau:
Chữa chứng phong nhiệt, hư lao phát nóng, trừ nhiệt: bạch mai, thiên hoa phấn, ngọc trúc, thạch hộc mỗi vị 8g, sắc uống.
Chữa ho lâu ngày: bạch mai 20g, hoàng kỳ 20g, cát cánh 10g, mạch môn 12g, trần bì 10g, cam thảo 5g. Sắc uống trong ngày.
Chữa đái tháo đường, tiểu tiện không tự chủ: bạch mai, thục địa, hoài sơn, đan phiến, ngũ vị tử mỗi vị 10g; nhục quế 2g. Sắc uống.
Trị sỏi mật, viêm túi mật: bạch mai, cam thảo chế, kim tiền thảo, hải kim sa, diên hồ tố, kê nội kim mỗi loại 15g, sắc uống.
Trị chứng tỳ hư, rối loạn tiêu hóa, đại tiện lỏng: bạch mai, bạch truật, kha tử, đẳng sâm, mỗi vị 10g, sắc uống.
Trị chứng mồ hôi trộm: bạch mai, hoàng kỳ, ma hoàng căn, đương quy mỗi vị 10g, sắc uống.
Để tẩy giun đũa: bạch mai 10g, xuyên tiêu 6g, gừng tươi 3 lát, sắc uống.