Hà Nội

Trong vòng tay Khánh Ly

14-09-2017 15:34 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Huyền thoại Khánh Ly không chỉ do giọng hát mà đẹp thêm và tỏa sáng bởi phần cuối cuộc đời bà đã sống vì yêu thương nhân quần, không mảy may toan tính và e ngại mọi khó khăn, cản trở.

Khánh Ly chia sẻ, bà chỉ thích chơi với người trẻ vì bà không có tuổi trẻ. Tuổi trẻ có thể ước mơ, có thể làm mọi thứ. Già rồi, bà vay mượn sức sống, học hỏi từ những người bạn trẻ. Bà hóm hỉnh: Tại sao phải ăn gian 9 tháng trong bụng mẹ, giờ tôi đã 73, chắc cũng sắp bay đi về nơi nào đó.

Khánh Ly thỏa ước được hát ở Hà Nội vào mùa thu, mùa đẹp nhất của thành phố cổ nơi bà được sinh ra. Trong cuộc họp báo chiều 25/8/2017 lẫn trên sân khấu đêm diễn, bà đều nhấn mạnh đây là chương trình lớn nhất của đời bà để trở về nơi bắt đầu. Sự lớn ấy không chỉ ở quy mô, tầm cỡ hay giá vé của 2 đêm diễn mà ở ý nghĩa hành trình Vòng tay nhân ái mà Khánh Ly khởi xướng.

Khán giả hâm mộ Khánh Ly chủ yếu ở tuổi trung niên đến lão niên đến xem bà hát để nhớ một thời, khó có thể đòi hỏi giọng hát được như xưa. Nhưng ở tuổi 72 hát 23 bài trong đêm nhạc 4 chương cũng là rất hiếm. Đêm 10/9, sau khi kết thúc, khán giả vẫn ngồi lại và Khánh Ly đã đứng để nói chuyện rất nhiều với khán giả. Bà gọi đùa đây là chương 5, chương dành riêng cho bà với những người bạn Hà Nội.

Khánh Ly - 55 năm hát tình ca, 9-10/9/2017 tại Nhà hát Lớn Hà Nội là liveshow quan trọng nhất trong đời hát của danh ca mà sự nghiệp gắn với những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Đời nghệ sĩ mấy ai đủ sức bền và sức hút để theo nghề hơn nửa thế kỷ mà vẫn đầy hào hứng, nhiệt lượng cống hiến và được công chúng đón đợi. Nhiều người nói nhờ Trịnh Công Sơn mà Khánh Ly thành giọng ca huyền thoại, nhưng nếu Trịnh Công Sơn không gặp Khánh Ly thì sao? Sự tương hỗ, nâng đẩy, dựa vào nhau, là cảm hứng của nhau trong cuộc đời nghệ thuật của cặp đôi này đã và sẽ khiến tên tuổi họ vang - sáng, vượt qua kiếp sống hữu hạn bởi những tình ca đã được nhắc nhớ và ám ảnh qua nhiều thế hệ. Trở về để hát tiếng Việt trên quê hương của mình, làm được nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa như Khánh Ly khi đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy” thì là ngạc nhiên, hiếm có. Bị thần kinh tọa, chỉ đứng “bằng một chân” và phải tiêm hàng ngày vì bệnh tiểu đường, Khánh Ly vẫn hát thật truyền cảm và đẹp đẽ tiếng Việt với những nốt trầm, tròn sáng mà lên cao cũng rất nét đã thành một biểu tượng của thanh âm có một không hai, một biểu tượng gây nhiều ảnh hưởng. Đạo diễn chương trình là Đào Gia Long (SN 1980) lần đầu làm đêm nhạc hoành tráng, đã thể hiện năng lực đáng ghi nhận khi tạo nên bữa tiệc nghệ thuật lãng mạn, sang trọng với phần dẫn dắt của NSND Lê Khanh, hình ảnh minh họa của đạo diễn Phạm Việt Khanh, phần múa minh họa do NSƯT Cao Ngọc Ánh (Nhà hát Tuổi trẻ) dàn dựng. Khánh Ly không chỉ hát Trịnh Công Sơn mà còn hát nhạc của Phú Quang, Thanh Tùng, Từ Huy, Giáp Văn Thạch.Danh ca Khánh Ly chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt concert Khánh Ly hát tình ca.

Danh ca Khánh Ly chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt concert Khánh Ly hát tình ca.

Khánh Ly đã khóc khi hát quê hương. Bà có rất nhiều áo dài mặc để biểu diễn, mỗi lần về lại được tặng và may thêm. Cô bé Nguyễn Thị Lệ Mai được sinh ra năm Ất Dậu, năm có nạn đói kinh hoàng, chào đời ngày 6/3/1945 ở phố Hàng Bông, trong gia đình có 4 anh chị em và sau này bà cũng sinh được 4 người con. 5 tuổi mồ cô cha, 60 tuổi mất mẹ, bà luôn nghĩ có một ngày trở về ngôi nhà trên phố Hàng Bông ấy, nếu gõ cửa mà cha mình, mẹ mình hay bà nội mở cửa thì sẽ như thế nào. Phải chăng vì mồ côi sớm mà bà hằng khát khao mái ấm gia đình, sớm kết hôn và làm mẹ khi 17 tuổi? Năm 2014, Khánh Ly trở về sau 40 năm xa, bà không chỉ làm live show để thỏa mãn việc hát cho người hâm mộ, tạo nên món quà tương tác của ca sĩ và khán giả - cả hai phía đều hân hoan trong những show được dàn dựng, chuẩn bị; mà còn hát miễn phí cho bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi, sinh viên. Bà đã làm như thế liên tục trong các cuộc trở về hàng năm như 50 năm trước bà đã từng cùng Trịnh Công Sơn hát cho sinh viên ở quán Văn, dân lao động nghèo Sài Gòn thời chống Mỹ. Bao nhiêu kỷ niệm, hồi ức dồn dập ùa về, mùa thu 2017 với Khánh Ly, đúng tròn 50 năm thiếu nữ Lệ Mai từ Đà Lạt về Sài Gòn hát. Từ lần đầu trở về sau gián cách 4 thập niên bà đã làm live show Nhớ mùa thu Hà Nội ngày 9/5/2014 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (hát cùng Tuấn Ngọc, Thái Châu, Hà Anh Tuấn). Năm 2016, là 2 chương trình ở  thành phố: đầu năm là live show Cúi xuống thật gần tại Cung Văn hóa Việt Xô (với sự tham gia của Kim Anh, Lệ Quyên) và cuối năm tại Sân vận động quân khu 7 (song ca với Hồ Ngọc Hà, có sự tham gia của Ý Lan, Hồng Nhung, Quang Dũng). Mọi đêm diễn đều được nhà tổ chức bán vé giá cao, nhằm để trích tiền cho Quỹ Vòng tay nhân ái mà Khánh Ly cùng ca sĩ Quang Thành triển khai. Bên tác phẩm của Trịnh Công Sơn là chủ đạo, những bài ca của tình yêu, tình mẹ, quê hương của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trầm Tử Thiêng đã cất lên thiết tha trong những đêm nhạc ấy.

Sau cuộc hôn nhân đầu không hạnh phúc, bà lấy được người chồng sẻ chia và giúp đỡ rất nhiều, đồng cảm tâm hồn và khơi gợi cho Khánh Ly làm thiện nguyện. Ông nói: “Có tiền, có danh chưa chắc hạnh phúc, vì đời còn dài. Em hãy tới với những số phận không may mắn là người ta đang cho em niềm vui, hạnh phúc”. Vào tuổi 70, người bạn đời ra đi cũng là lúc chín muồi để bà trở về. Những hoạt động từ thiện đều gắn với những kế hoạch hát. Sau lễ 100 ngày của chồng, Khánh Ly đã mang hết tiền phúng cùng NSND Kim Cương đến Bệnh viện Nguyễn Trãi, trao 160 triệu đồng hỗ trợ cho 160 bệnh nhân phẫu thuật đục thủy tinh thể. Bà đề cao tình thương, lòng nhân ái như lẽ sống, nó vượt lên tình ái thuần túy. “Tôi muốn trả lại phần nào những gì đời đã cho tôi”. Bà mang tên tuổi và giọng hát của mình để làm vốn thường trực và căn bản của hành trình thiện nguyện, một con đường càng đi càng dài. Người kết nối và giúp bà đắc lực, hiệu quả chính là ca sĩ Quang Thành. Anh tiếp nhận thiện tâm từ mẹ của mình. Mẹ con anh năm nào cũng về Việt Nam. Họ rủ bạn bè, các nghệ sĩ: Ngọc Giàu, Kim Cương, Kim Anh, Lệ Thu cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng: Hồng Nhung, Thu Phương, Hồ Ngọc Hà, Quang Dũng, Hà Anh Tuấn... góp sức đến tận nơi trao tiền, quà cho những người kém may mắn, tàn tật, mồ côi, các nhà thờ, chùa chiền nuôi dưỡng, cưu mang trẻ con không nơi nương tựa. Khánh Ly đã có hồi ký Đằng sau những nụ cười (NXB Văn học, 2015). Song với bà nước mắt bao giờ cũng đáng nhớ, trĩu nặng như con đường bà đến, nỗ lực đến với phận người nghèo khổ, mãi không xuể, hết. Dịp Giỗ tổ Sân khấu năm ngoái bà cùng 2 nghệ sĩ Kim Cương, Hồng Nga tặng quà cho các nghệ sĩ lão thành, neo đơn. Bà hát cho những người thua thiệt, khổ đau ở Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Vũng Tàu. Noel 2016, Khánh Ly đã đến tặng quà cho các bệnh nhân phong ở Khánh Hòa thì vừa qua, ngày 4/9, danh ca cùng cộng sự đã thến thăm và tặng quà các bệnh nhi K ở Tân Triều, quận Thanh Trì, mỗi cháu 1 triệu đồng kèm sữa với tổng số tiền gần 300 triệu. Sáng 8/9/2017, bà đã đến trao 540 suất quà, tiền cho các bệnh nhân, y bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần, quận Long Biên, Hà Nội số tiền 450 triệu đồng hội tụ của các doanh nghiệp đồng hành.

Trước đó, ngày 5/9, bà đã thăm chùa Quang Châu, nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi tặng, mỗi cháu 1 triệu đồng. Chiều 10/9, trước đêm diễn thứ 2, danh ca lại đến Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội của nghệ sĩ Phan Phúc (vợ NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) ở ngõ 17 Hoàng Ngọc Phách, tặng 50 suất quà cho các bé, mỗi suất gần 1 triệu đồng.

Tự nhận mình là “bà già”, mà lịch hoạt động của Khánh Ly khiến thanh niên khó theo. Sáng 12/9, bà lại bay vào Sài Gòn, để hát vận động tiền xây cầu cho bà con nghèo ở Bến Lức, Long An. Tiếp theo, bà lại ra Nha Trang hát ngày 17/9, quyên tiền cho bệnh nhân nghèo của Hội Bảo trợ xã hội Bệnh viện Khánh Hòa và hát miễn phí cho sinh viên ở Nha Trang 18/9. Ngày 19/9 Khánh Ly về Hà Nội để nghỉ ngơi và chữa bệnh. Ngày 23/9, trở lại Sài Gòn để mang tiền, quà giúp chùa nuôi 200 trẻ mồ côi ở quận Gò Vấp và thăm cây cầu ở Long An. Sẽ còn nhiều các hoạt động thiện nguyện khác nữa theo lịch diễn Khánh Ly. Mỗi thành phố chỉ hát 1 đêm nhưng sẽ đi 2 điểm từ thiện: ngày 17/9, Trung tâm Hội nghị thành phố Nha Trang; ngày 29/9: khách sạn 5 sao Equatorial Saigon - 242 Trần Bình Trọng, quận 5, Hồ Chí Minh; ngày 1/10, Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng;  ngày 5/10, giao lưu và hát cho sinh viên Huế; ngày 7/10, hát tại Buôn Ma Thuột.

Chuyến trở về lần này, bà như vắt hết sức lực của mình, bởi nghĩ đã già, có thể ra đi bất cứ lúc nào nên càng cố gắng tối đa làm được nhiều việc thiện. Chính vòng tay của bà đã nối vòng tay lớn, là vòng tay của yêu thương, vị tha, đùm bọc, sẻ chia như ước nguyện của Trịnh Công Sơn và chồng bà trao gửi. Trịnh Công Sơn, người bạn, người anh lớn, một tri kỷ quý báu vẫn ở trong thế giới bởi với Khánh Ly - chỉ cần có người hiểu mình đến cạnh, dù không nói gì cả cũng là quý giá. Tâm nguyện mở rộng vòng tay nhân ái lần này được hỗ trợ đắc lực của nghệ sĩ xiếc Nguyễn Hoài Oanh - Giám đốc Công ty Đông Đô, đơn vị tổ chức sự kiện trên và sát cánh bên bà trong chuỗi hoạt động thiện nguyện. Với tấm lòng đôn hậu và tâm hồn chan chứa tình đời, chị Hoài Oanh đã làm từ thiện hơn 20 năm nay và lần này còn hội tụ thêm nhiều bạn bè, doanh nhân ủng hộ Khánh Ly.

“Tôi không định lúc nào dừng hết, tôi sẽ hát cho thật sung sướng với tất cả hơi thở, hết tim óc mình, như thể 1 giờ nữa sẽ không còn sống, không được gặp ai nữa. Khi nào không hát được thì mới thôi”. Vượt nửa vòng trái đất, vòng tay Khánh Ly đã mở rộng và có thêm nhiều đôi tay, sẽ có vô số bàn tay chìa ra cùng nắm lại với bà.

Khánh Ly thực hiện chuyến xuyên Việt lần trở về này đến tháng 10 mới quay lại Mỹ. Tổng giá trị từ thiện mà Khánh Ly kêu gọi ủng hộ từ các doanh nghiệp, từ các mạnh thường quân, tiền bán vé chương trình Khánh Ly trích ra ủng hộ các hoạt động từ thiện, tính đến hết ngày 10/9, lên tới gần 600 triệu đồng.


VI THUỲ LINH
Ý kiến của bạn