Ngày 6/9, nam ca sĩ đã quyết tâm bỏ lại những ngày tháng cống hiến ở ngôi trường ươm mầm cho những tài năng âm nhạc tương lai, anh đã gửi đơn xin nghỉ việc lên lãnh đạo và từ bỏ sự nghiệp đào tạo của mình.
Với chất giọng trời phú, cùng với tình yêu say đắm trong nghệ thuật, Trọng Tấn một giọng hát được cho là rất lịch lãm, thanh cao và giàu tình cảm, một chất giọng mà ít các ca sĩ cùng thế hệ có được.
Từ một cậu học trò khối A, chưa có chút kiến thức gì về nhạc lí, anh vẫn quyết định nộp đơn thi vào Nhạc viện Hà Nội để theo đuổi con đường nghệ thuật chỉ bởi một lí do rất giản đơn là vì gia đình khó khăn.
Là một học trò “cưng” của NSND Trần Hiếu, với hơn 10 năm hoạt động nghệ thuật và trung thành với dòng nhạc cổ điển, Trọng Tấn vẫn luôn nỗ lực để giữ hình ảnh và niềm yêu mến của công chúng đối với con đường mình đã theo đuổi.
Kinh nghiệm của những năm tháng “vừa học, vừa hành” của Tấn đã giúp ích rất nhiều cho việc giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và ngược lại, việc giảng dạy cũng giúp cho Tấn có thêm nhiều kiến thức và hoàn thiện bản thân hơn.
Trọng Tấn nộp đơn từ bỏ công tác giảng dạy |
Tuy nhiên, tất cả những danh vọng hay tiền bạc mà nghệ thuật đã ưu ái dành tặng cũng đã không đủ sức để níu giữ chân “thầy giáo Vũ Trọng Tấn”.
Quyết tâm bỏ lại những ngày tháng cống hiến ở ngôi trường ươm mầm cho những tài năng âm nhạc tương lai, Trọng Tấn đã gửi đơn xin nghỉ việc lên lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, quyết định từ bỏ sự nghiệp tại ngôi trường đào tạo nghệ thuật mà anh đã gắn bó gần chục năm qua.
Cấm diễn và cát-xê
Trước đó, vào tháng 8/2012, Trọng Tấn và Anh Thơ, cùng là giảng viên khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã phải nhận hình thức kỷ luật là cảnh cáo trước hội đồng nhà trường với lý do là tự ý bỏ chương trình biểu diễn tối 18/7/2012 tại nước Lào, không chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền.
Đồng hành với việc cả hai cùng nhận được lệnh cấm diễn của Cục NTBD từ ngày 20/7, đến 10/8/2012, cả hai mới thoát lệnh cấm diễn, được trở lại với sân khấu.
Ngay sau án kỉ luật, giá cát xê của ca sĩ Trọng Tấn vô tình được tiết lộ là cao nhất miền Bắc. Giá cát xê của anh dao động từ 8 – 15 triệu đồng. Nếu diễn ở tỉnh, thì thù lao cao hơn, từ 20 triệu đồng trở lên.
Được cho là giọng ca đẳng cấp cao của Học viện Âm nhạc Quốc gia, lại thích ứng nhanh với thị trường và biết làm cho giọng ca của mình trở nên hấp dẫn.
Vì thế, trong lúc nhiều ca sĩ nhạc đỏ lao đao tìm chỗ đứng với mức cát sê khiêm tốn thì Trọng Tấn vẫn kín lịch diễn và nhận cát sê “khủng”. Không ít doanh nghiệp sẵn sàng chịu chi 50-60 triệu đồng để mời đích danh anh về biểu diễn.
Tuy không khoe hàng hiệu, không khoe xe hơi khủng, khoe nhà triệu đô… nhưng thu nhập của anh tính ra không kém “sao” nhạc trẻ là mấy. Nhiều ý kiến độc giả cho rằng, Trọng Tấn từ bỏ công tác giảng dạy để đầu tư đi diễn.
Theo Đất Việt