Nhắc đến mảng kịch truyền hình, người trong giới khó nén được tiếng thở dài. Buồn là một nhẽ, nhưng nếu để mảng nghệ thuật này “ngủ” mãi thì coi như người làm nghề đa không làm tròn bổn phận của mình. Hồi sinh kịch truyền hình không phải việc dễ làm, từ ý tưởng cho đến việc thực hiện và duy trì sẽ là một chặng đường dài, gian nan và vất vả khi mà khán giả bây giờ đa khác xưa, nếu cứ “bê” kịch bản cũ ra diễn lại chưa chắc đa thành công, đây chính là thử thách vô cùng khó khăn.
Ra đời vào những năm 1980 - thời điểm khan hiếm của những chương trình giải trí trên truyền hình, “Trong nhà ngoài phố” nhanh chóng được nhiều khán giả yêu thích và trở thành một “thương hiệu” riêng của Đài Truyền hình TP.HCM. Đây cũng là một trong những chương trình có “tuổi thọ bền nhất” với hơn 15 năm lên sóng và hàng trăm vở kịch. Mặc dù bối cảnh của các vở kịch lúc bấy giờ vẫn còn thô sơ, đơn giản nhưng với sức hấp dẫn của những câu chuyện mang tính thời sự, bám chặt hơi thở cuộc sống cùng sự diễn xuất chân thật của những nghệ sĩ tài hoa như: Quốc Hòa, Lê Vũ Cầu, Kim Ngọc, Bảo Quốc, Hồng Nga, Mỹ Chi, Hồng Vân, Kim Xuân, Kiều Mai Lý, Phú Quý, Hoàng Lan, Hữu Châu, Bạch Long, Thu Thủy, Thu Tuyết, Hữu Nghĩa..., “Trong nhà ngoài phố” đã trở thành món ăn tinh thần cho hàng triệu khán giả, đặc biệt là khán giả phía Nam. Sự thành công của “Trong nhà ngoài phố” lúc bấy giờ đã gợi nguồn cảm hứng cho nhiều chương trình kịch nói trên truyền hình về sau.

Mặc dù tạo được nhiều tiếng vang nhưng đầu năm 2003 - tức gần 2 thập niên lên sóng, “Trong nhà ngoài phố” đã tạm ngưng việc phát sóng, để lại không ít tiếc nuối cho khán giả màn ảnh nhỏ, nhất là những khan giả từ thế hệ 8X trở về trước và cả những người nghệ sĩ đã từng làm nên thành công của chương trình này.
Phó GS.TS. Huỳnh Văn Sơn bày tỏ: “Trong nhà ngoài phố” là một trong những chương trình gây ấn tượng hết sức sâu sắc vì chương trình phản ánh những vấn đề của đời sống xã hội, đặc biệt là những mâu thuẫn về làng xóm, mâu thuẫn giữa con người với con người, thậm chí là những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống dưới góc nhìn hài kịch. Đây chính là một trong những chương trình đã đem đến cho tôi những chất liệu sống quý báu. Có thể nói, những suy nghĩ hài hước và dí dỏm của tôi cũng xuất phát từ chính những chất liệu này...”.
Trước tình cảm của khán giả cũng như sự ủng hộ hết mình của các diễn viên, nghệ sĩ, tháng 3/2014, Đài Truyền hình TP.HCM đã quyết định thực hiện trở lại chương trình “Trong nhà ngoài phố” phiên bản 2014. Ngay khi có thông tin chương trình quay trở lại, nhiều diễn viên đã không giấu được sự vui mừng, phấn khởi.
Phiên bản mới của “Trong nhà ngoài phố” sẽ có sự xuất hiện xuyên suốt của NSND Hồng Vân và nghệ sĩ Anh Vũ trong vai trò là 2 nhân vật dẫn dắt chương trình. Trong hình tượng của một bà nội trợ, Hồng Vân sẽ đại diện cho những nhân vật “Trong nhà” để mang đến cho chương trình những câu chuyện xảy ra hàng ngày trong gia đình như chuyện giải phẫu thẩm mỹ, làm đẹp của chị em phụ nữ, chuyện nuôi dạy con cái, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau... Trong vai trò là nhân vật “Ngoài phố”, nghệ sĩ Anh Vũ sẽ hóa thân vào một anh chàng có tính “tọc mạch” và hay soi mói những câu chuyện xung quanh của hàng xóm, khu phố... Cả hai nhân vật này sẽ tranh luận và đưa ra những ý kiến, góc nhìn, cảm xúc của mình về một vấn đề, qua đó đưa ra hướng giải quyết hợp lý nhất. Sau mỗi tập, người xem sẽ có những “bí quyết” bỏ túi cho riêng mình.
Theo đánh giá của đội ngũ sản xuất, “Trong nhà ngoài phố” phiên bản 2014 mới mẻ về nội dung và cách thể hiện. “Trong nhà ngoài phố” bao gồm chuỗi những vở kịch ngắn được chắt lọc từ những câu chuyện gần gũi, thiết thực trong cuộc sống hiện đại của người Việt Nam. Mỗi tập sẽ là những câu chuyện, những chủ đề khác nhau. Những câu chuyện này sẽ được chuyển tải bằng ngôn ngữ kịch hóa pha lẫn sự hài hước, dí dỏm để người xem tiếp cận vấn đề dễ dàng, gần gũi hơn.
Cuộc hồi sinh của “Trong nhà ngoài phố” sẽ là sự lựa chọn tốt nhất đối với mảng kịch truyền hình, bởi dẫu sao thì đây cũng là một đề tài dễ lấy lòng khán giả. “Trong nhà ngoài phố” không đặt nặng sự giáo điều hay lên lớp mà chỉ mong muốn thông qua những câu chuyện của mình để nói lên tâm tư, nguyện vọng, những xu hướng và vấn đề đang được người dân quan tâm... Đan xen trong những câu chuyện này là những tình huống hài hước, dở khóc dở cười được xây dựng một cách tinh tế, ý nhị bởi đội ngũ biên kịch giàu kinh nghiệm và những biên tập trẻ đầy sáng tạo.
Công bằng mà nói, kịch truyền hình chưa hẳn mất đi chỗ đứng, có điều nó đang lúng túng, chưa tìm được hướng đi thích hợp trong bối cảnh mới. Khôi phục lại không khó, vì thật ra tiềm lực của đội ngũ biên tập và nghệ sĩ vẫn rất dồi dào. Họ thừa sức đột phá nếu cho họ một định hướng tốt.
MAI PHONG