“Trông người mà nghĩ đến ta”

03-08-2010 8:07 PM | Thời sự

Đất nước đã qua hơn hai mươi năm đổi mới. Kinh tế thị trường với các đặc thù của nó giờ không còn lạ lẫm đối với người Việt Nam.

Kỳ I: Cạnh tranh có thực sự mang lại lợi ích?

Đất nước đã qua hơn hai mươi năm đổi mới. Kinh tế thị trường với các đặc thù của nó giờ không còn lạ lẫm đối với người Việt Nam. Các khái niệm như "cạnh tranh", "độc quyền", được nhắc đến thường xuyên trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Lĩnh vực y tế cũng vậy, nhất là từ khi chính sách xã hội hóa y tế được chú trọng, việc cạnh tranh diễn ra ở tất cả các cấp độ khác nhau.

Không ai phủ nhận sự cạnh tranh này đã mang đến cho bức tranh của ngành y tế Việt nam thêm màu sắc. Ngày nay người dân đã có thêm nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Các cơ sở y tế thay vì ban phát cho bệnh nhân như việc họ vẫn làm trong thời kỳ bao cấp, họ chủ động tìm đến bệnh nhân, tìm hiểu các nhu cầu của bệnh nhân và tìm cách đáp ứng. Cạnh tranh cũng là động lực để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị, giảm giá thành và bớt phiền hà trong thủ tục hành chính.

Nhưng thực tế việc cạnh tranh này sẽ đưa chúng ta đến đâu? Có thực sự các tiêu chí như: chất lượng - hiệu quả - giá thành - giảm phiền hà chúng ta sẽ đạt được hay không? Hãy nhìn sang các nước phát triển để tìm câu trả lời. Người viết bài này đã có thời gian theo học lớp Quản lý bệnh viện tại CHLB Đức và cũng đã tìm hiểu về mô hình quản lý y tế của một số nước phát triển.

Khi nhắc đến thị trường chăm sóc sức khỏe của các nước tiên tiến, ngày nay người ta quan tâm nhiều đến hai mô hình đại diện cho hai khuynh hướng phát triển khác nhau của hệ thống y tế. Tại Mỹ, hệ thống y tế được vận hành theo mô hình của thị trường tự do. Về mặt lý thuyết, một thị trường tự do lý tưởng được xác định bởi: Mối quan hệ song phương giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ; Thị trường vận động hoàn toàn theo quy luật cung cầu...

 Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện K. Ảnh: Trần Minh

Nhưng thực tế thị trường CSSK không hoàn toàn diễn ra theo cách này. Do luôn tồn tại một sự mất cân đối về thông tin giữa các nhà cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ. Khách hàng/bệnh nhân thường không có thông tin một cách đầy đủ để có được sự lựa chọn tối ưu. Điều này có nhiều nguyên do, trong đó yếu tố quan trọng nhất phải kể đến là tính vô giá của sức khỏe. Có nghĩa sẽ không có một mức chi phí giới hạn cho "mặt hàng" sức khỏe. Theo lẽ thường, hàng hóa hay dịch vụ được mang đến theo nhu cầu của thị trường, nhưng trong lĩnh vực CSSK thì có hiện tượng dịch vụ tạo nên nhu cầu nhất là ở các lĩnh vực kỹ thuật cao. Thêm vào đó, việc thông tin về các sản phẩm/dịch vụ nhiều khi được đưa đến cho khách hàng một cách có chủ ý, thiếu tính khách quan theo sự định hướng của nhà cung cấp dịch vụ, hoặc do sự hạn chế về trình độ của nhà cung cấp. Sự bất tương xứng về thông tin giữa khách hàng và nhà cung cấp khiến cho mối quan hệ này phụ thuộc rất nhiều vào "niềm tin", cái không thể đo lường được. Dẫn đến tình trạng khách hàng không phải lúc nào cũng có được sự lựa chọn tốt nhất, ngay cả khi phải chi trả với mức chi phí cao.

Thực tế cho thấy, sự cạnh tranh tự do này đã khiến cho ngành y tế Mỹ phát triển một cách vượt bậc. Chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao , các tiến bộ khoa học trong y học chiếm tỷ lệ lớn trên thế giới. Thu hút được nguồn lao động chất lượng cao trên khắp thế giới về phục vụ tại nước Mỹ.

Theo các nhà kinh tế y tế, việc chi tiêu cho quỹ khám chữa bệnh tại Mỹ cũng tuân theo quy luật Pareto, tức là 80% chi phí y tế dành cho 20% số người thụ hưởng. Điều đó có nghĩa là 80% số người còn lại không được tự do tiếp cận các loại dịch vụ y tế tiên tiến do thiếu năng lực tài chính. Dẫn đến một hệ lụy là tính công bằng trong chăm sóc y tế không được đảm bảo. Người có tiền có thể sử dụng các dịch vụ tốt nhất, trong khi những người có thu nhập thấp lại không đủ khả năng để trang trải các chi phí thiết yếu. Cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm cũng không làm cho cơ hội tiếp cận của bệnh nhân với các dịch vụ y tế trở nên thuận lợi hơn. Đây cũng chính là lý do mà Tổng thống Barack Obama muốn sớm thiết lập một hệ thống BHYT toàn dân trên lãnh thổ Hợp chủng quốc. Sự cạnh tranh khốc liệt diễn ra ở tất cả các cấp độ, các mối quan hệ của thị trường. Giữa các bác sĩ hành nghề tư nhân với nhau, giữa các bác sĩ với hệ thống bệnh viện, và giữa các bệnh viện, các trung tâm phục hồi chức năng với nhau. Trên thực tế như đã trình bày ở trên, nghịch lý chính ở chỗ có sự mất cân bằng về thông tin giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ. Bệnh nhân nhiều khi phải trả chi phí không tương xứng với dịch vụ mà mình thụ hưởng. Các bệnh viện với sức ép của lợi nhuận, tìm cách để giảm chi phí và tăng thu lợi nhuận một cách nhanh nhất có thể, khiến cho chất lượng dịch vụ thiếu tính ổn định. Thêm vào đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn đo lường chất lượng để đánh giá hoạt động y tế vẫn luôn là một việc không dễ dàng, khiến cho công tác kiểm soát chất lượng chăm sóc y tế không được thực hiện một cách triệt để. 

ThS. Nguyễn Nam Dương


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH