Khi bị mất thị phần, họ có công văn lên Bộ Giao thông, yêu cầu Bộ dừng thí điểm Uber, Grab. Và khi Bộ từ chối, để tuỳ các địa phương lựa chọn phương án thích hợp thì họ dán khẩu hiệu, băng rôn vào xe taxi để phản đối Uber, Grab. Lại một việc làm dại đột nữa. Vì làm thế, họ lại quảng cáo cho Uber và Grab rồi. Sở dĩ Uber, Grab họ phát triển rất mạnh, khách hàng đặc biệt yêu mến, tin cậy là nhờ thái độ phục vụ rất tốt. Họ lại tận dụng được công nghệ 4.0, nên kết nối với khách rất nhanh nhạy. Khách không phải mất tiền gọi cho họ mà họ tự gọi cho khách. Khách lại biết được giá ngay khi mình vừa đặt chuyến đi qua điện thoại. Không có chuyện gian lận cho máy tính tiền quay số nhanh, cũng không đi lòng vòng để ăn tiền của khách. Cũng không có chuyện nhìn mặt khách mà “quát giá”. Nếu cứ thấy khách có vẻ như một anh nhà quê mới ra tỉnh, hay một ông Tây ba lô nào đó lên xe là lập tức tiền đội lên như giá ở trên trời. Chả thế có một bà Tây chỉ đi một đoạn đường ngắn ở khu phố cổ mà taxi ta trấn lột của bà hơn một triệu đồng. Bà đã đến cơ quan công an phản đối. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã phải đến gặp bà, rút tiền túi của mình ra hoàn lại bà rồi chân thành xin lỗi bà, để mong bà còn trở lại Việt Nam lần thứ hai, mặc dù ông không hề có lỗi. Phải nói là rất khổ và nhục nữa. Với cách làm ăn mông muội, chụp giật của taxi ta như thế, sẽ không thể tồn tại được nếu mất thế độc quyền. Ở Uber, Grab, ngoài mọi khoản ưu việt tuyệt vời, khách còn được khuyến mại. Anh lái xe bảo tôi: “Không phải chỉ có chú được khuyến mại, với giá rẻ hơn, thậm chí có chuyến như là được miễn phí mà cháu cũng được khuyến mại, nếu cháu phục vụ tốt. Cả hai chú cháu mình đều là khách hàng của họ. Họ là nhà kinh doanh, chứ không phải ông chủ taxi. Taxi của cháu. Họ có mất xu nào mua xe, bảo dưỡng xe hay trả bảo hiểm xe đâu. Tất cả mọi chi phí ấy là tiền của cháu. Thế thì họ kinh doanh cái gì? Kinh doanh công nghệ. Sự kết nối là của họ. Khi khách đặt xe với điểm đón, điểm đến, sóng Uber, Grab sẽ quét. Chiếc xe nào ở gần chú nhất thì chuông điện thoại sẽ đổ. Vì thế, chú không phải chờ đợi gì cả. Bật điện thoại lên, chú sẽ biết ngay tên cháu, xe cháu và hiện cháu đang đi đến đâu rồi. Còn mấy phút, mấy giây nữa cháu sẽ có mặt. Rất tiện lợi”. Khi hỏi về thu nhập, chú lái xe rất thật thà: “Cháu lái cho mấy hãng taxi của ta rồi. Trước đây, cháu chỉ được từ 6 đến 8 triệu. Tháng nào chật vật lắm thì được 12 triệu. Nhưng vất vả lắm. Bây giờ cháu có thời gian đưa vợ đi làm, đưa con đi học. Bận hay chán thì nghỉ. Có thể nghỉ bất cứ lúc nào. Đi làm bất cứ lúc nào. Cứ bật máy lên là nhập cuộc luôn. Cháu nhàn hơn, nhưng thu nhập lại cao hơn nhiều, có tháng, nếu cố gắng, cháu có thể có được 30 đến 32 triệu. Còn 20 đến 25 triệu thì rất thoải mái”.
Người Việt dùng hàng Việt... nếu đó là hàng tốt.
Sở dĩ các nước họ phát triển rất mạnh, vì họ có sự cạnh tranh lành mạnh, lại sòng phẳng và minh bạch. Chúng ta vẫn quen bao cấp, dù bây giờ không còn chế độ bao cấp nữa, nhưng vẫn còn độc quyền ở một số lĩnh vực. Nếu mất thế độc quyền thì lung lay ngay, nếu không nói là sẽ sụp đổ, không thể tồn tại được, vì cách quản lý của chúng ta rất kém, lối làm ăn lại chụp giật, mông muội.
Gần đây nhất là chuyện bán xăng của hãng Petrolimex. Nói như một phóng viên: “Lại thêm một cuộc chiến nữa giữa cái mới và cái cũ. Rồi sớm muộn cũng lại như taxi truyền thống với taxi công nghệ thôi! Thời thế bây giờ khác rồi. Chỉ cần cạnh tranh sòng phẳng và lành mạnh. Cứ cái nào ngon - bổ - rẻ hơn thì người ta sử dụng thôi!”.
Ấy là khi xuất hiên cây xăng Nhật Bản nằm trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Đây cũng là địa bàn có nhiều công ty của Nhật. Cây xăng được dựng lên ở đây chủ yếu cũng là để phục vụ cho các công ty Nhật. Nhưng không phải chỉ có công ty Nhật, nhiều khách hàng của ta cũng đến đổ xăng và thật sự choáng váng trước cung cách phục vụ của họ. Ông chủ người Nhật đứng giữa trời mưa cúi gập đầu chào từng vị khách vào mua xăng. Trong lúc bơm xăng, hai nhân viên của họ với trang phục rất đẹp và lịch sự đã lau kính, lau xe miễn phí cho khách. Và điều đặc biệt là máy bơm xăng của họ có độ chính xác rất cao, nếu có sai số thì cũng chỉ có độ chênh lệch 0,01 lít.
Việc làm rất bình thường, giản dị này của họ, lại làm nhiều khách hàng bị xốc. Họ lại nhớ đến những trạm xăng của ta. Bao nhiêu cây xăng bơm điêu bị báo chí phát hiện. Không chỉ bơm điêu, họ còn pha nước vào. Điều này báo chí cũng đã phanh phui. Có lẽ cũng vì xăng rởm, nhiều xe máy, xe ôtô tự dưng bốc cháy đùng đùng. Điều này ai cũng biết.
Chính vì thế, có trạm xăng của Nhật thì hay quá chứ.
Điều cũng cần ghi nhận là Petrolimex rất đàng hoàng, không làm một việc thô bạo và dại đột như Hiệp hội Taxi. Nghĩa là không đề nghị Bộ Công Thương đóng cửa Trạm xăng của Nhật. Họ chỉ treo băng rôn: “Người Việt dùng hàng Việt”. Khi phóng viên hỏi về dòng hiệu triệu xuất hiện vào đúng thời điểm nhạy cảm ấy, người phụ trách cho rằng, đấy là hưởng ứng chủ trương của Bộ Công Thương trong việc “Nhận diện hàng Việt”. Điều đó cũng rất đúng đắn thôi. Một người dân bảo trên trang mạng truyền thông: “Đúng là phải để doanh nghiệp nước ngoài vào cạnh tranh để cho... sáng mắt ra. Rồi lại chuẩn bị gào khóc, van xin khách hàng đừng bỏ đi. Cứ buôn gian, bán lận, không coi trọng khách hàng thì đừng mong giữ được. Khẩu hiệu thì tốt đấy nhưng sự thật thì lại là: “Người Việt Nam cố gắng đong điêu cho người Việt Nam”. Đề nghị bác tokedu vào Sài Gòn gấp”.
Cũng không thể trách người dân nghi ngờ. Tôi cũng đồng ý với Petrolimex: “Người Việt dùng hàng Việt”, nhưng phải thêm “nếu đó là hàng tốt”. Chứ không thể hàng Việt chung chung được. Xăng trong cây xăng Nhật là xăng ta đấy chứ, có phải họ mang từ Nhật sang đâu. Họ chỉ làm dịch vụ. Xăng ta nhưng cách bán, cách ứng xử với khách hàng là của Nhật.
“Người Việt dùng hàng Việt”, là lời hiệu triệu rất quen thuộc của chúng ta. Có thời, chúng ta còn đẩy lên một nấc nữa: “Mua hàng nội là yêu nước”.
Yêu nước là một phạm trù thuộc về tình cảm. Thậm chí đó là một tình cảm rất đỗi thiêng liêng. Còn mua hàng lại là chuyện nhỏ, rất cụ thể, tuân theo quy luật của giá trị sử dụng hàng hoá. Hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau, nên không thể nhập nhèm được. Người ta có thể sẵn sàng xả thân vì sự sống còn của Tổ quốc, nhưng vẫn không thể mua hàng nội, nếu như đó là một món hàng kém chất lượng. Tôi chợt nhớ ông Raxun Gamzatov, nhà thơ nổi tiếng thế giới, người Dagestan mà bạn đọc Việt Nam đã từng biết đến qua tập thơ “Những ngôi sao xa xôi” và tập văn xuôi đặc sắc “Đagestan của tôi” đã được dịch ra tiếng Việt. Raxun rất yêu đất nước của mình. Đi đâu ông cũng mang theo bên mình nắm đất quê hương. Để rồi không may, nếu có phải chết ở trên đường viễn du ở một quốc gia nào xa xôi, (vì ông đi nhiều lắm) thì ông vẫn nằm trên mảnh đất quê hương mình.
Một người yêu nước được đến như thế kể cũng hiếm lắm. Tôi đã đến thăm cả ba căn nhà của ông. Một nhà ở Makhatkala Đagestan và hai nhà ở Matxcơva. Trong đó có một nhà ông tự bỏ tiền túi ra mua ở Matxcơva để đón người nhà, đón bạn bè đồng nghiệp, còn một nhà do Nhà nước phân vì ông là Đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô. Căn nhà của Nhà nước cho, ông tiếp các chính khách Xô Viết, các cử tri Xô Viết. Chỉ có điều, những hàng hoá vật dụng trong cả ba căn nhà sang trọng này, đều chẳng có cái gì của Đagestan, hay của Liên Xô và nói chung là của cả phe Xã hội chủ nghĩa. Những thứ của Đagestan lại không thuộc về hàng hoá. Đó là nắm đất mà ba phần tư là đá và giờ Đagestan. Mỗi nhà, Raxun có hai đồng hồ chỉ giờ khác nhau. Một cái chạy theo giờ Matxcơva. Một cái chạy theo giờ Đagestan. Giờ là giờ Đagestan, nhưng đồng hồ lại của Thuỵ Sĩ. Những vật dụng khác trong nhà cũng thế, chúng đều là hàng hoá của các nước Tư bản. Nhưng không phải vì thế mà ta lại quy kết Raxun đã chạy theo Tư bản giẫy chết, phản bội lại Tổ quốc mình.
Tôi cũng như quý vị, và quý vị chắc cũng như Raxun. Chúng ta chỉ muốn dùng hàng hoá tốt. Còn hàng hoá ấy thuộc quốc gia nào thì chả có gì quan trọng. Hàng nội mà tốt, thì dù không quảng cáo, khuyến mại, họ vẫn cứ mua. Ví như Bia Sài Gòn hay Bia Hà Nội vậy. Đi đâu tôi cũng thấy cánh bợm nhậu của ta chọn hai loại bia này, mặc dù nó chẳng có khuyến mại bằng ôtô hay xe máy trao giải in sẵn trong nắp bia, hoặc cũng chẳng cần đến các em tiếp viên mặc váy ngắn cũn cỡn tiếp thị ở các nhà hàng. Vậy mà người ta vẫn chen nhau tìm đến đấy. Họ đã thắng trong cuộc cạnh tranh dù không hề cạnh tranh...