Trong “ngôi làng kỳ diệu”

20-07-2018 21:51 | Xã hội
google news

SKĐS - “Dẫu tận cùng đau đớn, vẫn phải cần có nhau”- Câu châm ngôn được những thân phận có tâm hồn luôn căng tràn khát vọng nhưng lại mang trên mình căn bệnh phong quái ác ở Làng phong Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) tự đúc rút ra và thủ thỉ vào tai nhau mỗi khi bình minh ló rạng.

Những vui chơi, phù phiếm là thứ xa xỉ không ai lưu tâm mà thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, nghị lực được nhân lên bởi những san sẻ yêu thương, những chăm chút tận tình của các nhân viên y tế. Có người bệnh nhẹ, điều trị khỏi về nơi phồn hoa nhưng rồi nhớ làng đến da diết lại khăn gói quay về.

Tựa nhau vượt giông bão

Gắn bó với bệnh nhân phong suốt bao năm, nhiều thăng trầm, buồn vui còn neo sâu trong ý nghĩ, bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa tâm tình: Làng phong Quy Hòa thuộc bệnh viện. Bao năm qua, nghĩa tình được tạo dựng, vun đắp từ trong chính gian nan, bệnh tật. Ở làng phong này, tất cả nhân viên y tế hay bệnh nhân đều xem nhau như người ruột thịt điều đó đã tạo nên những yên bình đẹp đẽ trong tâm tưởng người bệnh. Đó cũng là liều thuốc tinh thần cần hiện hữu mỗi ngày, tạo nên bao điều kỳ diệu ngỡ như chỉ có ở cổ tích. Đó là những cuộc hồi sinh,  những chuyện tình, những khát vọng được làm điều gian nan nhất...

Các bệnh nhân phong tìm lại được cuộc sống mới ở Làng phong Quy Hòa.

Các bệnh nhân phong tìm lại được cuộc sống mới ở Làng phong Quy Hòa.

Bao mùa mưa nắng đã trôi qua kể từ cái đêm đầy ám ảnh ập đến với cuộc đời mình nhưng A Nức vẫn nhớ như chuyện mới xảy ra hôm qua. Nức sinh ra ở xã Kon Thụp (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), cha mẹ bệnh tật mất sớm, bước qua tuổi 14, Nức mang trên mình căn bệnh phong quái ác, tay chân co quắp, từng ngón bắt đầu lở loét. Mỗi lần thiên nhiên “trở chứng”, lũ làng lại kéo đến xỉa xói vào Nức, mà rủa rằng: Nó mang trong mình ma quỷ nên lở chân, cụt ngón. Nó mang trên mình sự xui xẻo nên thiên nhiên mới nổi giận. Ý nghĩ thiển cận và lạc hậu của lũ làng đã đẩy Nức dạt ra bìa rừng giữa đêm mưa gió trập trùng rồi Nức ké chuyến xe tải về Quy Nhơn lăn lê mưu sinh qua ngày.

Đúng lúc cuộc sống rơi vào tận cùng bi bát tưởng như không thể nào chống chọi được với những cơn đau thể xác, nỗi tủi phận tâm hồn thì Nức gặp một y tá làm việc ở Làng phong Quy Hòa, cuộc đời Nức bước sang trang mới. Nức được đón nhận, được chăm sóc tận tình, được học tiếng người Kinh, được cất tiếng hát ca trong không gian ấm cúng của những người cùng cảnh ngộ với mình. Khi nỗi đau được xoa dịu, tình yêu riêng tư cũng đến, Nức nên duyên vợ chồng với M’Lơi. Bây giờ, những tháng ngày trước mắt là cả bầu trời hy vọng. Nức bộc bạch rằng: Không chỉ tôi mà bệnh nhân nào ở làng phong này cũng nhiều lần nước mắt tuôn chảy vì xúc động trước các bác sĩ, y tá. Họ không chỉ trị bệnh mà còn nuôi dưỡng, hàn gắn tâm hồn.

Giờ đây, mỗi ngày sau khi vá lưới, trồng rau, hai vợ chồng Nức lại dẫn theo hai đứa con lành lặn cùng với hàng chục gia đình khác có sự hồi sinh kỳ diệu như mình tìm đến những bệnh nhân mới đang hoang mang, thiếu nghị lực kể cho họ nghe về trang mới với những khát vọng mới đang rộng mở phía trước.

Mấy lần trèo lên mỏm đá nghĩ đến chuyện quyên sinh vì thấy toàn thân đau nhức, tay chân lở loét nhưng A Lung lại sợ người mẹ già của mình cạn khô nước mắt, héo mòn vì đau thương nên tự bịt vết thương, đi bán vé số dạo. Vết loét nhiễm trùng hoại tử khiến A Lung bao đêm thốt lên, cuộc sống mình phải kết thúc trong nay mai, có lẽ đó là số phận. Quyết định về thăm người bà con lần cuối ở Quy Nhơn, A Lung được giới thiệu vào Làng phong Quy Hòa và điều không bao giờ dám mơ tưởng đã hiện hữu song hành cùng Lung đó là một cuộc sống mới, một người vợ và những hàng xóm thân thiện.

Ở Làng phong Quy Hòa còn có hàng trăm câu chuyện về những trái tim lành sát cánh bên nhau hàn gắn thân thể khuyết như Phạm Văn Sung (dân tộc H’Re ở Quảng Ngãi) được se duyên cùng Ka Wẹ (người Châu Mạ, ở Lâm Đồng). Anh quên mọi đau thương, cần mẫn cùng các dân trong Làng phong Quy Hòa chăm chỉ trồng rau, vá lưới, đánh cá.  Sung luôn bảo: Cuộc đời đẹp và được sống nhờ bác sĩ, y tá, cuộc đời vui, ấm cúng nhờ có tình làng, cuộc đời đầy hy vọng vào thế hệ sau vì có vợ, được các bác sĩ cho sinh con. Hai vợ chồng, người cụt ngón tay, người cụt chân thì cùng bổ sung cho nhau như một thân thể lành lặn.

Như một đại gia đình

Niềm tự hào cũng là dấu mốc để bác sĩ Vũ Tuấn Anh cùng các nhân viên y tế ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa phấn đấu là đã có bệnh nhân nhiều năm quằn quại với bệnh phong nhưng đã được chăm sóc y tế chu đáo, hưởng thọ 100 tuổi. Bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ rằng: Gọi là làng thì cũng đúng mà như một đại gia đình thì cũng đúng vì ở đó không bất cứ sự phân biệt nào, người nhỏ thì coi người già như cha mẹ, trẻ em xem người lớn như anh chị. Các phương pháp điều trị, chăm sóc bệnh phong tiên tiến nhất luôn được chúng tôi cập nhật, ứng dụng nên bệnh nhân trong Làng phong Quy Hòa rất an tâm. Có những người già neo đơn gần như kiệt sức vì bệnh phong từ các vùng miền xa xôi khác khi tìm đến đều được đón nhận, đưa vào chăm sóc, cứu chữa ngay chứ không nề hà bất cứ điều gì cả.

Ở  Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa còn có tiếp nối rất kỳ diệu hiếm nơi nào có được đó là nhiều người là con em Làng phong Quy Hòa học rất giỏi, quyết tâm theo nghề bác sĩ, nhiều bệnh viện lớn trong cả nước mời nhưng họ tự nguyện quay về Làng phong Quy Hòa để từng ngày dốc hết tâm sức chăm sóc, cứu chữa những thân phận không may mắn.

Ngước nhìn về phía nghĩa trang dành cho những bệnh nhân phong ở cuối Làng phong Quy Hòa, Đinh Jit, một bệnh nhân phong nặng, tâm tình rằng: Tuổi thọ của những bệnh nhân ở các tấm bia mới luôn cao hơn các tấm bia cũ là nhờ vào kỹ thuật hiện đại của y học cùng cách rèn luyện sức khỏe mỗi ngày của các cư dân trong làng đấy. Ở Làng phong Quy Hòa này ai cũng gọi bác sĩ Năm Thuyên là “Thuyên của gia đình phong” bởi cha mẹ bác sĩ Thuyên cũng ở Làng phong Quy Hòa, bị bệnh nặng, nhưng bác sĩ Thuyên lành lặn và rất giỏi. Dù mưa bão hay nắng gió, bác sĩ Thuyên vẫn chăm chút tận tình cho các bệnh nhân phong. Anh từng tâm sự các bệnh nhân đồng thời cùng là thành viên trong đại gia đình làng phong của mình rằng: Được chọn việc làm gian nan nhất là chăm sóc bệnh nhân nặng cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của mình. Hàng chục nhân viên y tế khác là con em Làng phong Quy Hòa cũng chung một ý nghĩ như vậy.

“Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao” là những câu hát đầu tiên trong các buổi sinh hoạt văn nghệ tập thể của Làng phong Quy Hòa. Anh Lương Thành Tân tự hào khoe rằng: Đúng là cuộc đời đẹp khi ai vào đây cũng tìm được khát vọng sống mới. Từ miền nắng gió Ninh Thuận, trên mình đầy vết lở loét, giờ cơ bản lành lặn, được ở lại làm người con của đại gia đình mà vẫn ngỡ như mơ. Mình hay góp vui các tiết mục văn nghệ. Những ca khúc, những câu chuyện về niềm tin, khát vọng được kể và biểu diễn liên tục, món ăn tinh thần này vực dậy, tiếp thêm nghị lực của những thân phận bệnh tật của làng.

Đứng giữa những cột ăng ten tua tủa và dán mắt vào màn hình vô tuyến, bà Nguyễn Thị Thắm cùng hàng trăm bệnh nhân khác tâm đắc: Được trang bị đầy đủ các phương tiện nghe nhìn nên kiến thức của bà con liên tục được bổ sung, nhất là các kiến thức về chăm sóc sức khỏe, các thông tin về những thành tựu của ngành y tế. Đất nước đang giàu đẹp từng ngày nên con em làng phong luôn tâm niệm phải vươn lên học tập với khát vọng thành người có ích và phục vụ cho xã hội. Hầu như năm nào cũng có hàng chục học sinh trong làng đỗ đạt trường nọ, trường kia.

Cơ sở có lịch sử lâu đời, giàu tính nhân văn

Bác sĩ Vũ Tuấn Anh khẳng định, Làng phong Quy Hòa cũng như Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa có lịch sử lâu đời và giàu tính nhân văn. Năm 1929, bác sĩ người Pháp Lemoine đau đáu trước nỗi đau của những bệnh nhân phong nên ông có ý tưởng thành lập một khu điều trị và chăm sóc đặc biệt cho người bệnh. Ý tưởng được chấp thuận, bác sĩ Lemoine thành lập trại phong ở vùng đất Bến Cát (Quy Hòa, cách Quy Nhơn khoảng 8km) là Làng phong Quy Hòa ngày nay. Lúc này, linh mục Paul Maheure người Pháp cũng quyết định sang Quy Hòa bắt tay cùng bác sĩ Lemoine xây dựng một trung tâm y tế xã hội. Đó chính là tiền thân của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa ngày nay. Ngay thời kỳ mới thành lập, cơ sở đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 500 bệnh nhân, trong đó có nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới là thi sĩ Hàn Mặc Tử. Hiện nay, Làng phong Quy Hòa có 256 hộ dân bị bệnh phong, trong đó có 426 bệnh nhân phải điều trị chăm sóc thường xuyên, 80 người tàn tật nặng không nơi nương tựa.

Bài và ảnh: HÀ VĂN ĐẠO
Ý kiến của bạn