Trồng lúa giảm phát thải, nông dân có thể thu thêm hàng triệu USD

05-05-2024 08:49 | Xã hội
google news

SKĐS - Trồng lúa giảm phát thải, người nông dân không chỉ tiết kiệm tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới mà còn có thể gia tăng thu nhập khi bán tín chỉ carbon. 1 triệu ha lúa người nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD/năm.

Lão nông tá hỏa khi ruộng lúa bỗng chết cháy nghi có kẻ phá hoạiLão nông tá hỏa khi ruộng lúa bỗng chết cháy nghi có kẻ phá hoại

SKĐS - Khi ra thăm ruộng lúa, lão nông tá hỏa khi một phần ruộng chuẩn bị đến ngày thu hoạch bỗng chết cháy và úa vàng.

Canh tác giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Trong cuộc họp giao ban ngày 3/5, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần có phương án truyền thông để giúp người dân hiểu rõ được những lợi ích khi áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải trong đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Bộ trưởng, áp dụng quy trình canh tác này sẽ giúp người sản xuất giảm được chi phí đầu vào, tăng được lợi nhuận đáng kể so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, việc giảm phát thải, bán tín chỉ carbon chỉ là giá trị gia tăng. Bộ trưởng đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nghiên cứu xây dựng sổ tay về quy trình canh tác trong đề án này. Trong đó, giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu nhất những câu hỏi của người nông dân như có dễ làm không, có tốn kém không, lợi nhuận có cao không...

Trong đề án 1 triệu ha nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.

Trồng lúa giảm phát thải, nông dân có thể thu thêm hàng triệu USD- Ảnh 2.

Trồng lúa giảm phát thải đem lại lợi ích lớn cho người nông dân.

Ngoài ra, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống... Tỷ suất lợi nhuận của nông dân trồng lúa là trên 50%.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt tính toán, với diện tích lúa khi thực hiện đề án sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm (sản lượng 13 triệu tấn lúa năm 2030). Nếu áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỷ đồng/năm. Chỉ với hai yếu tố trên, ngành lúa có thêm 16.500 tỷ đồng/năm. Chưa kể các yếu tố tăng thêm về giá trị trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải.

Điều đáng nói, nông dân không chỉ giảm được chi phí đầu vào, tăng được giá bán lúa mà còn thu được tiền từ bán tín chỉ carbon. Ước tính của Ngân hàng Thế giới, với 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon/năm. Ngân hàng Thế giới cũng cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon, tức 1 triệu ha lúa người nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD/năm.

Canh tác lúa giảm phát thải thế nào?

Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện môi trường nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện có nhiều công cụ đánh giá hoạt động giảm phát thải (MRV) và đơn vị này đang tìm kiếm một phương pháp chuẩn được chấp thuận của đơn vị chi trả, đó là Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy nhiên, hoạt động quan trọng giúp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, đó là rút khô nước trước và trong quá trình canh tác. Bởi, khi ruộng khô nước vi sinh phân giải khí metan sẽ không hoạt động hay nói cách khác phát thải sẽ giảm.

Theo đó, thời gian rút nước càng lâu, thì phát thải sẽ càng thấp. "Trong vụ, chúng ta có hai biện pháp giảm phát thải bao gồm, thứ nhất là rút nước giữa vụ; thứ hai là tưới ngập khô xen kẽ", ông Trịnh cho biết.

Tuy nhiên, khi đưa nước lên ruộng, vi sinh vật phân giải khí metan sẽ tiếp tục hoạt động, tức tăng phát thải khí nhà kính. Do đó, tưới ngập khô xen kẽ có ưu thế hơn, bởi khi vi sinh vật bắt đầu tăng hoạt động, tiếp tục rút nước nó sẽ giảm, tức đồ thị phát thải sẽ thấp hơn so với rút nước 1 lần.

Hệ số giảm phát thải khí nhà kính nếu rút nước 1 lần giữa vụ có thể giảm được 29%, nhưng nếu rút nước nhiều lần trong vụ (ngập khô xen kẽ) có thể giảm được 45% lượng phát thải trong 1 vụ lúa. Ngoài áp dụng kỹ thuật tưới, ông Trịnh cho biết, hoạt động tiếp theo để giảm phát thải khí nhà kính là bón phân và quản lý rơm rạ trên đồng ruộng.

Theo đó, sau khi thu hoạch, ngoài rơm có thể đưa ra khỏi đồng ruộng, thì phần gốc rạ còn lại do máy cắt không hết được nông dân xử lý bằng cách cày vùi xuống đất. Nếu vùi trước thời điểm gieo sạ trên 30 ngày, thì rạ được phân hủy có thể chuyển thành chất hữu cơ phục vụ cây trồng và ít phát sinh khí thải. Tuy nhiên, nếu thời gian vùi và gieo sạ trong 30 ngày, tức thời gian chưa đủ cho quá trình phân hủy thì trong đất có nhiều khí thải, làm ngộ độc cây lúa và vi sinh vật trong thời kỳ này sẽ tăng sinh khối, dùng nhiều dinh dưỡng dẫn đến cạnh tranh với cây lúa.

Ông Trịnh cho biết, nông dân vùi rạ lớn hơn 30 ngày trước khi gieo sạ giúp lượng phát thải giảm 5 lần so với vùi và gieo sạ trong 30 ngày. "Như vậy, nếu có vùi rơm rạ, thời gian phải lớn hơn 30 ngày và đây là biện pháp chúng ta cần lưu ý", ông nhấn mạnh.

Đối với bón phân, khuyến cáo được ông Trịnh đưa ra, đó là không bón nhiều phân hóa học, nhất là đạm, bởi nó sẽ làm tăng phát thải khí nhà kính. Mục tiêu đề án 1 triệu héc ta là chúng ta giảm lượng phân đạm, cho nên, không khuyến khích người nông dân tăng đạm.

Theo ông, việc san phẳng đồng ruộng bằng máy laser để đảm bảo việc rút nước, nhưng vận hành máy móc thực hiện công việc này cũng làm tăng phát thải. "Lượng tăng này sẽ tính vào lượng giảm phát thải. Chẳng hạn, quy trình canh tác giảm được 5 tấn, mà dùng máy móc làm tăng 2 tấn, thì kết quả cuối cùng chỉ được 3 tấn", ông Trịnh cho biết.

Theo vị đại diện của Viện môi trường nông nghiệp, tất cả hoạt động tăng/giảm phát thải có thể được tính toán một cách dễ dàng bằng cách lập bảng excel hoặc đưa vào phần mềm tính toán. "Chúng ta có đủ các cột, bao gồm quản lý nước trước vụ, quản lý nước trong vụ, bón phân thế nào, xử lý rơm rạ ra sao…? Tất cả sẽ ra được hệ số phát thải cho từng chân ruộng, từng loại hình kỹ thuật áp dụng như tưới ngập thường xuyên, rút nước giữa vụ hay nhiều lần trong vụ", ông cho biết.

Theo ông Trịnh, thông qua một MRV được lựa chọn, kết quả phát thải cuối cùng sẽ được xác định. Dĩ nhiên quá trình này cần sự hỗ trợ của lực lượng khuyến nông trong ghi nhận, cập nhật dữ liệu cũng như khai báo thông tin từ cấp độ hợp tác xã hoặc doanh nghiệp.

Theo đó, sẽ có 3 cơ sở để xác định hệ số phát thải: thứ nhất là dữ liệu nông dân điền vào; thứ hai là kết quả quan trắc MRV của cán bộ khuyến nông và thứ ba là hệ thống đo đếm tham chiếu. "Chúng tôi đo tham chiếu ở Đồng bằng sông Cửu Long để biết phát thải thật sự của các hệ thống canh tác ở đây là bao nhiêu, rồi qua hệ thống này, MRV sẽ tính toán ra lượng phát thải của ruộng lúa là bao nhiêu", ông Trịnh cho biết.

Giá lúa, gạo cùng tăngGiá lúa, gạo cùng tăng

Cả giá lúa và gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua đều tăng do vụ Đông Xuân đang vào cuối vụ, nguồn cung giảm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 5/5 | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn