Tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) những năm gần đây, người nông dân đang có xu hướng chuyển chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực, cây ăn quả kém hiệu quả (như sắn và bạch đàn) sang trồng cây dược liệu trà hoa vàng – một loại cây sống trong rừng sâu, trước đây bị người dân săn lùng để bán cho thương lái Trung Quốc với giá rẻ.
Trước nguy cơ tận diệt của loài cây quý cùng yếu tố những loại cây đang trồng chỉ có thu nhập thấp nên người dân đã tiến hành thu mua về trồng thử nghiệm tại vườn.
Do phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương và được chăm sóc tốt, số lượng trà hoa vàng trồng thử nghiệm tại các vườn của nhiều hộ gia đình sinh trưởng và phát triển tốt.
Người dân từ đó quyết định nhân giống và chuyển đổi toàn bộ diện tích sắn, bạch đàn sang trồng trà hoa vàng. Từ 1 vài cây ban đầu, đến nay, mỗi hộ đã có hàng nghìn gốc trà hoa vàng đang cho thu hoạch.
Trà hoa vàng trồng khoảng 3 năm thì có thể thu hoạch. Trung bình mỗi vụ, 1 gốc trà cho khoảng 1 kg hoa, nụ tươi. Cây trồng càng lâu năm thì hoa càng nhiều. Hoa trà thu hoạch được đến đâu bán hết đến đó với giá bán trung bình từ 2 – 3 triệu đồng/kg.
Ngoài nguồn thu từ hoa trà, gia đình còn ươm giống bằng phương pháp giâm hom để bán cho các hộ dân trong và ngoài tỉnh. Được biết, mỗi vườn trà hoa vàng đem lại nguồn thu nhập bình quân từ 300 – 500 triệu đồng/năm, cao hơn gấp hàng chục lần so với trồng sắn, trồng khoai.
Bên cạnh dược liệu trà hoa vàng, người dân Tam Đảo cũng tìm hiểu, nghiên cứu và trồng thêm ba kích. Ba kích từ trước đến nay luôn là cây dược liệu quý, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh hàng trăm triệu đồng từ việc bán giống, nếu ba kích có thể thu hoạch củ thì với khoảng gần 7.000 gốc ba kích, mỗi gốc cho khoảng từ 3 – 4 củ, trọng lượng từ 1,5 – 2 kg, giá bán dao động từ 120 – 180 nghìn đồng/kg sẽ cho thu về gần 1 tỷ đồng.
Từ hiệu quả kinh tế thiết thực mà việc trồng và thu hoạch cây dược liệu mang lại, những năm gần đây, UBND huyện Tam Đảo bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn, phát triển loại cây này.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được nhiều vùng trồng cây dược liệu với tổng diện tích hơn 70 ha gồm: Hơn 15 ha ba kích, tập trung ở vùng núi thuộc xã Đạo Trù; gần 20 ha trà hoa vàng tập trung ở xã Tam Quan, thị trấn Đại Đình và hàng chục ha các loại cây dược liệu khác như: Cà gai leo, đinh lăng, giảo cổ lam, tam thất, náng hoa trắng,… Việc phát triển, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu không chỉ giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, mà còn góp phần bảo tồn những loại thuốc quý.
Xem thêm video được quan tâm:
Dược liệu xông mũi đắt đỏ, có nguy cơ khan hiếm.