Việt Nam là nước có nền y dược học cổ truyền phát triển hàng nghìn năm. Với hệ sinh thái phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc, dược liệu quý, hiếm. Kết quả một số cuộc điều tra cho thấy Việt Nam có khoảng 5.100 cây thuốc thuộc 236 họ thực vật.
Đến nay, các đơn vị đã lưu giữ và bảo tồn được 1.531 nguồn gien thuộc 884 loài cây thuốc; đã có 11 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc", bao gồm: Trinh nữ hoàng cung, Actiso, Bìm bìm biếc, Rau đắng đất, Đinh lăng, Diệp hạ châu đắng, cỏ Nhọ nồi, Tần dày lá, Dây thìa canh, chè dây và Kim tiền thảo. Hằng năm, lượng dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ước tính khoảng 100 nghìn tấn, với tổng giá trị là hơn 400 triệu USD/năm.
Trồng dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa là một nghề khá mới. Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã từng bước đưa cây dược liệu vào cơ cấu cây trồng mũi nhọn, thay thế cây lúa, ngô cho năng suất kém để xóa nghèo bền vững.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương từng bước khôi phục, phát triển các loại cây dược liệu như: tam thất, atiso, chè dây, cây đương quy, cây xuyên khung… Qua đó, vừa khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, gìn giữ, bảo tồn những nguồn gen quý, từng bước đưa cây dược liệu trở thành cây trồng "mũi nhọn", hướng đến nâng cao giá trị canh tác.
Theo thống kê, tổng diện tích cây dược liệu của Lào Cai hiện vào khoảng trên 3.900 ha (cây dược liệu hằng năm là trên 1.300ha, cây dược liệu lâu năm là trên 2.600ha). Thu nhập bình quân từ cây dược liệu đạt từ 120 - 150 triệu đồng/ha; trong đó, đặc biệt cây tam thất giá trị đạt trên 600 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh Lào Cai đã có 138 ha với 11 loại cây dược liệu được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO "thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc".
Mở rộng và đưa dược liệu trở thành cây trồng chủ lực không chỉ là hướng đi đúng của tỉnh Lào Cai trong tái cơ cấu nông nghiệp, xoá đói giảm nghèo cho người dân mà còn là của nhiều địa phương khác. Để triển khai công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh Hà Giang đã triển khai Dự án Phát triển cây dược liệu tại 7 huyện nghèo.
Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện diện tích cây dược liệu của Hà Giang gồm trên 1.560 loài, thuộc 824 chi, 202 họ, chiếm trên 39% số loài dược liệu của cả nước. Trong đó, Hà Giang có 51 loài cây dược liệu quý hiếm nằm trong Sách đỏ của Việt Nam, 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia.
Được sở hữu nguồn dược liệu quý hiếm, Hà Giang đã có những chính sách thu hút DN đầu tư, cũng như nhiều ưu đãi về đất đai, giống, vật tư, phân bón cho người dân, thành lập Ban chỉ đạo phát triển cây dược liệu từ cấp tỉnh đến cấp huyện
Dự án Phát triển cây dược liệu của Hà Giang đã được Chính phủ phê duyệt và đã được các Bộ, ngành chức năng của Trung ương thẩm định với quy mô 12.581 ha, trong đó diện tích trồng mới là 5.180 ha. Tổng số vốn thực hiện Dự án là 2.932 triệu đồng, trong đó vốn Nhà nước 1.409 triệu đồng (chiếm 48,05 %); vốn các doanh nghiệp là 708 triệu đồng (24,14%); vốn của các tổ chức kinh tế là 576 triệu đồng (19,64%) và vốn của các hộ nông dân là 237 triệu đồng (8,08%).
Chương trình Phát triển cây dược liệu của Hà Giang được triển khai từ năm 2012, sau gần 12 năm triển khai, Dự án Phát triển cây dược liệu của Hà Giang đã mang lại những kết quả bước đầu, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương..
Từ những mô hình trồng nhỏ lẻ, hiện tỉnh Hà Giang đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu lên tới 7.939 ha với hơn 1.000 loài dược liệu, gồm: thảo quả, hương thảo, giảo cổ lam, đỗ trọng, đương quy, thiên niên kiện… phân bố tại tất cả các huyện trong tỉnh.
Tỉnh Lâm Đồng cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc trồng cây dược liệu, Tổng diện tích sản xuất cây dược liệu tại địa phương vào khoảng 332ha với tổng sản lượng khoảng 9.500 tấn. Trong đó, khoảng 263ha cây dược liệu được trồng trên đất nông nghiệp, 68ha trồng dưới tán rừng.
Theo kết quả điều tra đánh giá tại một số vùng trong cả nước, nuôi trồng sản xuất dược liệu nói chung, cây thuốc nói riêng có thể thu nhận trên 100 triệu đồng/ha. Phát triển trồng cây thuốc đã giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.