Theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), nước ta được đánh giá có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu với hơn 5.000 loài dược liệu, trong đó có nhiều loại dược liệu quý, hiếm và vốn tri thức y học truyền thống dân tộc với nhiều bài thuốc có giá trị, là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm từ dược liệu bao gồm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, sản phẩm chăm sóc bảo vệ sức khỏe từ dược liệu, hóa mỹ phẩm từ dược liệu…
Hằng năm tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính 100.0000 tấn với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. Trong khi đó theo WHO có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc sử dụng thuốc, các sản phẩm từ dược liệu cũng là một xu hướng của thế giới hiện nay.
Dược liệu được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: Thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, nguyên liệu sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc, hóa mỹ phẩm. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm CAGR 11,32%.
Sìn Hồ được biết đến là huyện có khí hậu nhiệt đới mát mẻ quanh năm với độ cao 1.500 m so với mặt nước biển, rất thuận lợi để phát triển vùng dược liệu của tỉnh Lai Châu. Sìn Hồ được đánh giá là một trong 8 vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia.
Ông Nguyễn Quốc Vương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) cho biết, những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh Lai Châu và huyện ủy Sìn Hồ, huyện đã tập trung tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trồng và phát triển cây dược liệu. Đối với nhân dân huyện chú trọng thực hiện trồng phát triển hai cây trồng chính là đương quy và atisô. Sau khi triển hai 2 mô hình này cho thấy phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện toàn huyện có khoảng 60 ha cây đương quy trồng thường xuyên hàng năm. Loại cây này huyện đang tìm kiếm mời các nhà đầu tư sơ chế để thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con tránh mang tính chất thời vụ. Còn cây atisô huyện có khoảng 25 ha và có một hợp tác xã đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện, đứng ra bao tiêu, thu mua toàn bộ sản phẩm atisô cho bà con, tạo ổn định liên hết trong việc trồng, thu mua.
Từ năm 2016, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương. Đề án dựa trên hình thức nhà nước và người dân cùng làm; trong đó, huyện hỗ trợ và huy động tối đa nguồn lực của nhân dân để phát triển các loại cây dược liệu thành sản xuất hàng hóa, tổ chức đào tạo đội ngũ làm dịch vụ phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, đóng gói, trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm các loại cây dược liệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Phòng NN&PTNT huyện cho biết, nhân dân ở cả 10 xã trên địa bàn đã tổ chức trồng cây dược liệu dưới tán rừng, với các loài cây chính như đảng sâm, đương quy, lan gấm, đinh lăng, sơn tra, giảo cổ lam, sa nhân…, cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, bước đầu mang lại thu nhập. Qua kiểm tra, đánh giá tình hình cây dược liệu cho thấy cây đảng sâm, sa nhân có tỷ lệ sống dao động 85-90%, tỷ lệ sống cao nhất tại các xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang. Dựa vào cây dược liệu, nhiều hộ gia đình từ diện hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá.
Lùng Phình là một trong 5 xã trên địa bàn huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai nằm trong vùng quy hoạch trồng dược liệu liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà quản lý). 4 loại cây dược liệu chính là atiso, đương quy, đan sâm và cát cánh đã được nghiên cứu tính phù hợp đất đai, khí hậu từ năm 2010, sau đó được đưa vào trồng trên diện rộng, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho 80% đồng bào dân tộc nơi đây.
Ông Tạ Công Huy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết: Đến nay, huyện Bắc Hà có gần 100 hộ tham gia trồng cây dược liệu. Theo đề án phát triển cây dược liệu của tỉnh Lào Cai đến năm 2020, huyện Bắc Hà có trên 84ha là cây dược liệu.
Không chỉ huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai còn phát triển dược liệu gắn với việc xóa đói giảm nghèo tại các huyện Sapa, Bát Xát, Si Ma Cai. Đặc biệt tại huyện Sapa trong 2 năm trở lại đây đã bắt đầu tái trồng lại atiso và đưa vào danh mục cây trồng dược liệu chủ đạo giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, thậm chí là làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.