Hà Nội

Trồng cây trúc đào trong trường học, coi chừng học sinh ngộ độc

22-04-2017 14:37 | Thời sự
google news

SKĐS - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản đề nghị phối hợp triển khai các biện pháp cấp bách phòng ngừa ngộ độc do độc tố tự nhiên ở một số loài cây, hoa trong khuôn viên các cơ sở giáo dục cho học sinh.

Theo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc do ăn các loại quả của một số loài cây, hoa có trong khuôn viên tại các cơ sở giáo dục làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Nguyên nhân do trong các loài cây, hoa này được trồng làm cảnh hoặc mọc hoang dại có chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể khi ăn phải.

Để chủ động dự phòng ngộ độc, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị cơ quan chức năng địa phương xảy ra ngộ độc khẩn trương triển khai các biện pháp xử trí, xác minh tác nhân gây ngộ độc để dự phòng, điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả của ngộ độc gây ra; đồng thời có công văn đề nghị một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp khẩn trương triển khai một số các biện pháp cấp bách trên toàn quốc, cụ thể như sau.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tại các địa phương rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên đơn vị. Nếu phải trồng với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có biển cảnh báo và các biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp đối với mỗi cây, hoa này.

hoc trúc đào gây độcCây hoa trúc đào rất đẹp nhưng dễ gây ngộ độc. Ảnh minh họa.

Một số các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như:

- Cây lá ngón (Gelsemium elegans); cây cà độc dược (Datura alba Lour)… có chứa alcaloid độc.

- Cây Trúc đào (Nerium oleander  L.); cây Thông thiên (Thevetia peruviana (Pers.) K. Schum.); cây Đai vàng (Dây huỳnh, Huỳnh anh) (Allamanda cathartica L.); Bông tai (Asclepias curassavica L.)… có chứa Glycosid tim

- Cây thầu dầu (Ricinus communis L.); cây Ngô đồng (Jatropha podagrica)… có chứa Protein độc (Toxalbumin).

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tập trung truyền thông các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc đối với các loại độc tố tự nhiên. Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ để ăn uống.

Thường xuyên giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc và thông báo với cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời.

Theo các chuyên gia, những triệu chứng ngộ độc trúc đào biểu hiện ở trạng thái khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt (với liều nhỏ); tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu đi tới hôn mê và tử vong (với liều cao).

Do đó, không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước như giếng, ao, bể nước; không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào, không để trẻ nhỏ nhặt chơi hoa trúc đào vì trẻ dễ cho hoa vào miệng; không dùng lá trúc đào chữa bệnh ngoài da dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngộ độc do độc chất từ trúc đào xảy ra rất nhanh nên cần cấp cứu lập tức, đưa ngay nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Kích thích gây nôn và rửa ruột là các biện pháp bảo vệ cần thiết để làm giảm sự hấp thụ các hợp chất có độc. Uống than hoạt tính cũng có thể được chỉ định trong trường hợp này. Ngoài ra, có thể cho uống nước sắc cam thảo bắc để giải độc hoặc uống nước chè, vì trong nước chè có chứa tannin sẽ làm tủa chất độc và hạn chế sự hấp thu vào ruột. Các chăm sóc y tế tiếp theo là cần thiết và phụ thuộc vào mức độ trầm trọng của sự ngộ độc và các triệu chứng. Nếu dính vào da hoặc mắt, phải rửa mạnh dưới vòi nước ngay để tẩy sạch độc tố.

D.Hải
Ý kiến của bạn