Công an huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) đã ra quyết định khởi tố bị can với ông Ngô Quang Tăng (61 tuổi, ở xã Tuấn Đạo) về tội "Trồng cây thuốc phiện".
Trước đó, vào ngày 4/2, Công an huyện Sơn Động cùng Công an xã Tuấn Đạo kiểm tra đột xuất nơi ở của ông Ngô Quang Tăng, phát hiện khu vực vườn rộng khoảng 54 m2 có trồng hơn 2.100 cây thuốc phiện.
Làm việc với cơ quan công an, ông Tăng khai nhận số cây thuốc phiện trên được trồng từ tháng 11/2022, mục đích để phục vụ nhu cầu cá nhân.
Theo cơ quan công an, khu vực vườn trồng cây thuốc phiện được ông Tăng thiết kế rất kín đáo, xây bao quanh là tường và lưới thép. Cây thuốc phiện được trồng đan xen với nhiều loại cây khác nên không dễ phát hiện.
Cách đây không lâu, Công an huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cũng phát hiện số lượng lớn cây thuốc phiện được trồng trái phép tại vườn nhà bà Hoàng Thị Giang (SN 1969, ở thôn Bó Đướt, xã Thượng Sơn).
Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, số cây thuốc phiện này đang sinh trưởng tốt và chuẩn bị ra hoa.
Chủ nhà khai nhận do thiếu hiểu biết, đã trồng cây thuốc phiện với mục đích để làm thức ăn cho gà và thuốc chữa bệnh phục vụ gia đình.
Nhìn nhận ở góc độ pháp luật, luật sư Lê Hoàng Phúc An - Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X cho biết: "Khi Nhà nước ban hành pháp luật, thì mọi người dân không phân biệt là người hiểu biết hay không hiểu biết đều phải có nghĩa vụ tìm hiểu để tuân thủ.
Tuy nhiên, khi đã có hành vi vi phạm, việc xử lý sẽ được cơ quan chức năng xem xét đánh giá. Nếu người hiểu biết pháp luật, biết rõ hành vi là sai trái, vi phạm pháp luật mà vẫn thực hiện thì được đánh giá là cố ý và cần bị xử lý nghiêm.
Còn đối với người do điều kiện hoàn cảnh khó khăn, không thể tìm hiểu quy định pháp luật (đồng bào miền núi), thì có thể được xem xét về nguyên nhân thực hiện hành vi để giảm tính chất mức độ vi phạm. Trong việc xử lý sẽ đề cao tính tuyên truyền, giáo dục hơn so với người hiểu biết pháp luật nhưng cố tình thực hiện hành vi".
Theo luật sư Phúc An, nhựa của cây thuốc phiện là tiền chất mà những người phạm tội sử dụng, để sản xuất chất ra các chất ma túy. Do vậy, việc trồng cây thuốc phiện là hoạt động khởi nguồn của chuỗi sản xuất, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy.
Đây là những hành vi được xác định là tội phạm nguy hiểm. Mọi người đều biết tệ nạn ma túy gây ra những hệ lụy rất lớn đối với xã hội, nó làm ảnh hưởng tới sự phát triển của giống nòi, hủy hoại tương lai của thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước, gieo rắc "cái chết trắng", khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh "tan cửa nát nhà"… Vì vậy, cần nghiêm cấm hành vi trồng cây thuốc phiện.
Viện dẫn quy định tại Điều 247 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, đối chiếu với trường hợp trên, luật sư Phúc An cho biết với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây người trồng cây này có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp người trồng cây thuốc phiện nhưng chưa thuộc các trường hợp áp dụng mức phạt tù, thì căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số: 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ để xác định nếu vi phạm thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
"Pháp luật sinh ra để bảo vệ những lợi ích chung của xã hội, đảm bảo sự an toàn và phát triển của đất nước. Mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết về tác hại của việc trồng, sử dụng cây thuốc phiện, biết được các chế tài nghiêm khắc của pháp luật dành cho hành vi này để từ đó không trồng loại cây này", thành viên của Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư chia sẻ.
Xem thêm video được quan tâm:
Tạm Giữ Hình Sự Người Đàn Ông Trồng Hơn 2 Nghìn Cây Thuốc Phiện Trong Vườn Nhà