Trồng cây kiểu... “trông mới cây già”

24-03-2013 13:00 | Thời sự
google news

Chuyện lạ về chơi cây thời gian gần đây có lẽ là chuyện trồng mới những cây... già, rất già. Trồng mới tức là trồng ở vị trí mới; cái lạ là người ta muốn trồng tại các vị trí mới ấy những cây rất già, những cổ thụ đích thực.

Chuyện lạ về chơi cây thời gian gần đây có lẽ là chuyện trồng mới những cây... già, rất già. Trồng mới tức là trồng ở vị trí mới; cái lạ là người ta muốn trồng tại các vị trí mới ấy những cây rất già, những cổ thụ đích thực.

Thời ở miền Bắc mới có Tết trồng cây, tôi còn ở tuổi thiếu nhi, sống ở làng. Bọn tôi tham gia Tết trồng cây theo lối tự túc hoàn toàn: chẳng những cuốc thuổng đào hố trồng cây do mình tự mang từ nhà, mà đến cả các cây giống đem trồng cũng vậy. Tất nhiên, trong mỗi góc vườn nhà không khó để kiếm ra một cây đem góp vào ngày hội, dù đó là cây nhãn, cây xoan, cây sung hay cây bàng, cây gội, cây sếu...; mọi góc vườn nhà đều luôn có sẵn những cây con chẳng rõ mọc lên từ hồi nào, do những hạt giống từ phương nào nhờ gió trời, chim trời đưa tới. Tuy thế, ở đồng bằng miền Bắc khi ấy, các giống cây có thể đem trồng vào Tết trồng cây - thường là trồng dọc theo các con đường làng - là khá ít ỏi. Và kích cỡ cây giống, do lối huy động “tự phát” kể trên, thường là nhỏ, rất nhỏ, cây nào cũng cao chưa tới một mét, đoạn thân to nhất chỉ bằng cỡ ngón tay ngón chân. Kiểu cách trồng cây quá nhỏ, quá non này dẫn tới hậu quả nhãn tiền là hầu hết những dãy cây trồng lên sau mỗi Tết trồng cây thường bị chết dần, cây thì không sống nổi do bầu vỡ, cây yếu, lại nhiều cây bị trâu bò chăn thả rông dẫm đạp... Có những đoạn đường được dành riêng để trồng cây, năm nào cũng như phải trồng lại từ đầu.
Trồng cây kiểu... “trông mới cây già” 1
 Hầu hết những cây được trồng mới đều bị cắt cụt cành lá, chỉ còn thân trơ trụi.

Ít năm sau đấy, chuyện trồng cây ở làng quê miền Bắc có ít nhiều thay đổi, do có sự can dự của ngành nông lâm. Một số giống cây mới được đưa về trồng ở các làng mạc, phổ biến nhất là các giống phi lao, bạch đàn, xà cừ... Rồi các hợp tác xã ở các làng thường lập ra những tổ đội chuyên việc ươm giống, trồng cây, hầu hết gồm các xã viên già, thường gọi là tổ “các cụ trồng cây”.

Chẳng biết do thất vọng với chuyện làm ăn của hợp tác xã hay với chuyện trồng cây ít kết quả mà trong dân gian xuất hiện câu:

Hoan hô các cụ trồng cây
 
Mười cây chết chín, một cây gật gù...

Trong chuyện trồng cây, sau này nghĩ lại, thấy sự hiểu biết và xử lý về kỹ thuật là điều trọng yếu. Cho đến bây giờ thì trồng cây, trồng rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả... mỗi thứ đã là một ngành riêng, có chuyên gia, có quy trình riêng. Giống cây nào được chọn để trồng đều đi qua nhiều khâu gây trồng, từ gieo hạt, giâm cành, qua giai đoạn cây nhỏ trong bầu đất nhỏ, đến giai đoạn trồng ươm thành cây giống, cho đến lúc “xuất xưởng” có thể đã là cây cao 1 - 2m, thậm chí 5 - 7m, đường kính gốc nhỏ thì 2 - 3cm, có khi tới 5 - 7cm, được thợ trồng bứng chính quy đào gốc, đóng bầu cẩn thận, có thể chuyên chở khá xa mà vẫn đảm bảo tỷ lệ sống cao. Cho nên cảnh quan những hàng cây mới trồng bây giờ thường là hình ảnh liên tiếp những thân cây khá ít lá, chỉ với những cành trụi gầy guộc chĩa lên trời. Nhưng người ta biết, với phần đông trong số  đó, mầm non lá xanh sẽ mọc lên khi xuân sang hè đến.

Dịp sau Tết 2012, tôi được xem người ta dùng xe kéo bánh xích đưa gốc cây bồ đề mà trước đó được đặt tạm ở lô đất cạnh khu biệt thự có tên “Palm garden” ra trồng ở vị trí trung tâm của công viên quận Long Biên đang xây dựng cạnh hồ Kim Quan. Qua những câu chuyện giữa một vài nhân viên hàng ngày phun nước tưới cây với một số ông già tản bộ quanh đấy, thì biết gốc bồ đề này có xuất xứ đâu tận Tây Ninh, gần biên giới Campuchia. Từ nơi đó chuyên chở về Hà Nội này chắc phải đi suốt cả tháng trời. “Các bác trông cái gốc thế này chưa hình dung được vòm lá nó đâu! - Anh nhân viên vừa phun nước cho cây vừa nói với mấy ông già - Vòm lá nó phủ đến hàng mẫu đất; cành nhánh tỏa ra nhiều lắm! Để đưa đi xa nên phải cưa bỏ gần hết, chỉ còn cái gốc thế này!”.

Trồng cây kiểu... “trông mới cây già” 2
 Chẳng biết đến bao giờ, cây được trồng mới này mới có được vòm lá xum xuê kín gốc.

Quả thật, cây bồ đề ấy chỉ còn gây được ấn tượng ở cái gốc: chu vi nó có thể tới gần chục mét; nhưng trên cái gốc cao chừng 5 - 6m đó chẳng còn cành nào đáng gọi là cành; chỉ có những nhánh nhỏ cỡ đầu ngón chân ngón tay, có thể mới mọc ra, trông rất giống những bụi cây ký sinh trên gốc cây chủ. Ngắm cái gốc khổng lồ này, hẳn ai cũng sẽ cảm thấy tiếc cái cây cổ thụ có bóng tỏa xum xuê mà cái gốc này chỉ là di tích. Chẳng biết từ cái gốc này đến bao giờ mới có thể nảy nở một vòm lá bằng với chu vi gốc, chứ chưa dám ước ao trùm rợp khoảnh đất rộng như một quảng trường mà người ta đã bố trí sẵn để đón đợi vòm cây tương lai? Để có vòm lá như thế, nếu bắt đầu từ những gốc cây nhỏ, có thể sẽ đạt hiệu quả nhanh chóng hơn nhiều!

Từ gốc cây này nhìn rộng ra, tôi bỗng thấy có cả một “thị hiếu cổ thụ” trong chuyện trồng cây đang được người ta rầm rộ thực hiện ở nhiều nơi. Cứ nhìn hàng cây mới trồng hai bên hè đường Ngô Gia Tự, tức là đoạn mới mở từ một thành hai làn đường rộng rãi đoạn từ Cầu Chui đến Cầu Đuống. Hầu hết cây trồng mới ở đoạn này, dù là long não, bằng lăng hay loại cây gì khác, đều là những cây có tuổi 9 - 10 năm, đã cắt cụt ngọn và cành lá, chỉ còn cái thân cây trơ trụi cao chừng 5 - 6m, đường kính thân trên dưới 10cm, có khi tới 20cm. Sau gần một năm được trồng tại đó, dấu hiệu những cây sống được là đã có những chùm lá nhỏ mọc ra, những cây bằng lăng mùa hè vừa rồi thậm chí còn trổ hoa. Nhưng đến bao giờ thì chúng mới có được cái vòm lá tương ứng với độ lớn của thân cây? Có thể nói là lâu lắm, thậm chí gần như là không bao giờ!

Người ta muốn sao cho ngay trên những đại lộ mới mở phải có thật sớm, thậm chí có ngay những hàng cây cao rủ bóng. Cái ý chí ấy có thể khiến cho trên các đại lộ xuất hiện ngay lập tức những thân cây to cao. Nhưng còn vòm lá xanh rợp bóng thì dù gì cũng buộc phải chờ đợi, bởi không thể ra lệnh mà có ngay được đâu!  

Nhìn vào những khu biệt thự tại các khu đô thị mới xây dựng lại càng dễ thấy các cổ thụ đủ loại được các chủ nhân kỳ khu đưa từ những nơi nào xa lắc xa lơ về tô điểm cho ngôi nhà mơ ước một đời của mình. Có cây me đường kính gốc đến 30cm, ý chừng từ Nam Bộ đem ra Bắc. Có những cây xoài hết thời ăn quả, được mua về làm cổ thụ, như noi theo hình bóng những cây quéo cổ thụ xứ Bắc xưa kia. Nhiều nhất là những cây lộc vừng. Có lẽ loại này trở thành nạn nhân vì trót bị người Việt đặt cho cái tên có chữ “lộc”. Một biệt thự 200m2, khoảng sân chừng 30m2 được trồng đến 2 cây, cây nào cũng gốc lớn, thân to, cành ngọn bị cắt bớt đến tối đa vì nhu cầu vận chuyển; mà hỏi ra thì giá mỗi cây đến 50 - 60 triệu đồng! Thảo nào lộc vừng từ các chốn thâm sơn cùng cốc bị lũ lượt lôi về các khu đô thị mới.

Cũng có những chủ nhân ưa thích nét cây vườn thôn quê, và thế là cạnh sân biệt thự có những cây xoài, cây mít rủ bóng, dưới gốc những cây khế, cây roi có chỗ còn thấy quả chín rơi đầy! Sự có mặt của những cây già ấy tại các khu đô thị mới là thêm một tín hiệu cho biết trong các làng quê cổ truyền đang và sẽ mất đi nhiều cây cối tạo cảnh quan, chúng báo tin những vùng thôn quê sẽ ngày càng xơ xác hơn, chỉ vì bị rút tỉa đủ thứ, từ nhân lực, đất đai và bây giờ là những cây cối các cỡ, cây nhỏ, cây vừa khi xưa và bây giờ đến cả những cây già, cổ thụ, để làm đẹp thật mau thật sớm cho các khu biệt thự tỉnh thành.

Người ta có thể vin vào chuyện nước chảy chỗ trũng, đồng tiền sẽ điều chỉnh đến cả cảnh quan. Nhưng trong những biến động dích dắc xoay quanh những tham vọng ích kỷ này, theo tôi dự tính, trên tổng thể, cái mất nhiều hơn cái được. Bằng chứng là số cây bị chết trong phương thức “trồng mới cây già” này là khá nhiều. Nhiều cây khác tuy không bị chết do cách bứng trồng này, nhưng hầu như mãi mãi không thể lấy lại vóc dáng sum suê lá cành thuở trước. Vậy là chỗ cũ bị mất cây mà chỗ mới cũng chỉ được không hơn mức một cái cọc, trong khi ta cần nó thành một cái cây.

Vậy thì hãy chỉ nên trồng cây theo quy cách đúng là những cây giống, đừng ép cây già chuyển vị trí từ rừng sâu và từ các làng quê ra đô thị, theo ý chí nhà giàu!

Lại Nguyên Ân


Ý kiến của bạn