Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý
A Lưới là huyện miền núi vùng cao, biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có 17 xã và 1 thị trấn với địa hình chủ yếu là đồi núi, bị chia cắt bởi nhiều hệ thống khe suối, xen giữa các vùng núi cao, đèo dốc.
Dân số huyện A Lưới tính đến cuối năm 2022 ước khoảng 53.828 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 77,09% dân số. Cuối năm 2022, trên địa bàn có 5.399 hộ nghèo chiếm 38,2%, trong đó, hộ nghèo DTTS là 5.137 hộ chiếm 95,1%.
Mặc dù là huyện vùng cao, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng A Lưới lại có khí hậu mát mẻ trong lành, điều này thích hợp để trồng các cây dược liệu. Thời gian qua, nhiều chương trình, dự án được triển khai ở A Lưới để giúp người dân tạo sinh kế, phát triển kinh tế.
Phòng Nông nghiệp&Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho biết, mới đây, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai nội dung "Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý" thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I (từ 2021-2025).
Theo đó, dự án vùng trồng dược liệu quý được triển khai trên diện tích 363,4 ha tại các xã Quảng Nhâm, A Roàng và Hồng Bắc. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Chương trình MTQG 1719, dự án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý có tổng kinh phí đầu tư 229 tỷ đồng.
Các loại dược liệu được trồng bao gồm nhiều loại như: ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, mạch môn, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện, xạ can... Dự án sẽ sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.
Hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng đồng bào DTTS và miền núi
Lãnh đạo UBND huyện A Lưới cho rằng, việc hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào khu vực triển khai dự án. Ngoài ra, giúp hình thành ý thức bảo tồn nguồn gene dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững.
Thời gian qua, nhiều loại cây giá trị đã và đang được phát triển tại A Lưới như sâm Bố Chính, thiên niên kiện, cà gai leo, ba kích… với diện tích trồng khoảng 20ha. Việc triển khai trồng cây dược liệu không chỉ giúp người dân có thêm sinh kế, mà thông qua đó còn giúp A Lưới phát triển các loại dược liệu giá trị trong tương lai theo kế hoạch đã đề ra.
Theo Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế là nơi có điều kiện tự nhiên đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu nhiệt đới phù hợp cho sự phát triển, nơi giao thoa, hội tụ của nhiều hệ động thực vật. Thêm vào đó, điều kiện địa hình đa dạng gồm núi rừng, gò đồi, đồng bằng duyên hải, đụn cát, đầm phá, biển ven bờ đã tạo ra một hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học.
Trong những năm qua, việc phát huy tiềm năng bản địa các loài dược liệu trên địa bàn tuy đã được cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, nhiều loại dược liệu quý hiếm được khảo sát đánh giá và thử nghiệm được triển khai, một số sản phẩm dược liệu đã phát huy hiệu quả tiêu biểu như tràm gió, thiên niên kiện, ba kích, sâm cau, tinh bột nghệ...
Tuy nhiên, so với tiềm năng vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, vùng nguyên liệu dược liệu còn ít, chưa có những mô hình quy mô lớn.
Việc đầu tư, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu trong tự nhiên và bảo tồn tài nguyên dược liệu nhằm góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường và bảo vệ sức khỏe, văn hóa của cộng đồng đặc biệt là phát triển kinh tế tư nhân thúc đẩy ngành hóa dược phát triển đang đặt ra nhiều vấn đề cần bàn luận một cách sâu sắc.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bảo tồn và phát triển cây dược liệu vùng núi Quảng Ngãi.