Trồng cây dược liệu nâng cao giá trị từ mô hình liên kết sản xuất ở Bắc Sơn, Lạng Sơn

SKĐS - Quế, hồi, hủy xương bồ, cốt khí, thìa canh, cát sâm… là cây trồng thế mạnh, có giá trị kinh tế cao, các sản phẩm dược liệu từ lâu đã trở thành mặt hàng chủ lực của huyện Bắc Sơn – một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn.


Bắc Sơn có tiềm năng về ngành lâm nghiệp, toàn huyện có trên 20.000 ha diện tích đất có rừng, nên bên cạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp để đảm bảo lương thực tại chỗ, huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là trồng các loại cây như: Quế, hồi, cây keo lai trên diện tích đất gò đồi, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.

Những năm qua, mô hình liên kết trồng cây dược liệu giữa công ty Dược với người dân tại các xã trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Xuất phát từ nhu cầu của thị trường về sử dụng các sản phẩm từ cây dược liệu và mong muốn hạn chế khai thác ồ ạt, bảo tồn nguồn gen quý, UBND, Hội Nông dân huyện Bắc Sơn kết hợp với Công ty Dược liệu đã phát triển mô hình liên kết trồng cây dược liệu với các hộ dân trên địa bàn huyện.

Theo đó, năm 2019, triển khai trồng thử nghiệm 5 ha cây dược liệu tại 2 xã Hưng Vũ, Trấn Yên với 5 hộ tham gia mô hình. Kết quả sau 1 năm triển khai cho thấy, các loại cây dược liệu như: cốt khí, thìa canh, cát sâm… phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng của huyện nên phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Vì vậy, từ năm 2020, mô hình bắt đầu được nhân rộng trên địa bàn huyện.

photo-1695182603856

Sơ chế cây dược liệu ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn).

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình, anh Trần Văn Cương, thôn Mỏ Nhài, xã Hưng Vũ cho biết: "Năm 2019, khi được Hội Nông dân xã tuyên truyền, gia đình tôi chuyển đổi 2 mẫu ruộng canh tác kém hiệu quả sang trồng cây thủy xương bồ.

Qua quá trình chăm sóc, tôi nhận thấy, đây là loại cây dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, phát triển tốt và cho thu hoạch sau hơn 1 năm trồng. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được gần 10 tấn củ, với giá bán 10.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận trên 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa. Hiện nay, gia đình tôi tiếp tục trồng cây thủy xương bồ và trồng thêm 1 mẫu cây cốt khí".

Anh Dương Công Ba, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Vũ cho biết: "Cây dược liệu được trồng thử nghiệm trên địa bàn xã từ năm 2019. Khi tham gia mô hình, người dân không chỉ được hỗ trợ, hướng dẫn về kĩ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu mà còn được kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên không lo về đầu ra. Nhận thấy tiềm năng của mô hình, hội đã chủ động tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu. Đến nay, toàn xã có khoảng 30 hộ trồng cây dược liệu với tổng diện tích hơn 25 ha, trong đó chủ yếu là các loại cây như cốt khí, cát sâm. Nhờ trồng cây dược liệu, nhiều hộ dân trên địa bàn xã có thêm nguồn thu nhập từ 40 đến 80 triệu đồng/năm".

photo-1695182605595

Có thể thấy, mô hình liên kết trồng cây dược liệu đã mang lại nhiều kết quả tích cực giúp bà con tăng thu nhập.

Không chỉ tại xã Hưng Vũ, thời gian qua, mô hình liên kết trồng cây dược liệu còn được triển khai tại hầu hết các xã trên địa bàn huyện Bắc Sơn. Cụ thể, hiện nay, diện tích liên kết trồng cây dược liệu của huyện đạt khoảng 62 ha, với trên 100 hộ tham gia mô hình, trong đó, tập trung chủ yếu ở một số xã như: Hưng Vũ, Trấn Yên, Vũ Lăng, Tân Thành.

Để hỗ trợ các hộ dân, UBND các xã đã phối hợp Công ty Dược hỗ trợ người dân đăng ký tham gia mô hình; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu. Theo đó, từ 2019 đến nay, công ty đã phối hợp tổ chức được khoảng 80 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật cho gần 4.000 lượt người; hỗ trợ giống, phân bón cho các hộ mới tham gia mô hình theo dạng đối trừ; ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; phối hợp với Hội Nông dân các xã theo dõi, hướng dẫn người dân chăm sóc theo đúng quy trình, sản xuất theo hướng an toàn, không sử dụng phân bón hóa học, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, tất cả sản phẩm dược liệu đều được đảm bảo theo tiêu chuẩn và trung bình mỗi năm, sản lượng thu hoạch từ 300 đến 400 tấn cây dược liệu khô, với giá bán từ 25 đến 35 triệu đồng/tấn dược liệu khô. Để tiếp tục phát triển mô hình, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên 80 ha. Cùng đó, nhân rộng mô hình tại các huyện khác như: Bình Gia, Văn Quan…

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn, từ hiệu quả của mô hình liên kết, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã tạo điều kiện cho công ty triển khai mô hình, đặc biệt là theo hướng trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng. Ngoài ra, Phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện quan tâm, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp của địa phương.

Có thể thấy, mô hình liên kết trồng cây dược liệu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, không chỉ giúp đơn vị thu mua đảm bảo nguồn cung, chất lượng hàng hóa mà còn giúp nhiều hộ dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cây dược liệu, mở ra hướng phát triển kinh tế mang tính bền vững cho người dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn.

Trồng dược liệu bảo tồn cây thuốc quý, phát triển kinh tế và bảo vệ rừngTrồng dược liệu bảo tồn cây thuốc quý, phát triển kinh tế và bảo vệ rừng

SKĐS - Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Sơn La phù hợp cho nhiều loài dược liệu phát triển, trong đó có nhiều loại cây quý và hiếm có giá trị kinh tế cao. Tỉnh Sơn La cũng đã xác định phát triển dược liệu là hướng đi mới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao tại địa phương.

Kim Chi- Nguyễn Hoa
Ý kiến của bạn