Vào những ngày cuối Thu, đồi sắn dây hơn 3 hecta của nông dân Bùi Thanh Tùng (ở Văn Phú, Nho Quan, Ninh Bình) vẫn đang độ tươi tốt, lá xanh mượt. Cứ khoảng 10 mét, những gốc sắn dây to bằng bắp chân được "chống nạng" và cho leo giàn cao quá đầu người.
Với diện tích phủ rộng, tán lá sắn dây như đang phủ kín cả một vùng trời. Song, điều đáng ngạc nhiên là dù tán lá xanh mướt, rậm rạp là vậy nhưng chẳng có nổi một con sâu hay con bọ nào.
Có sở thích và đam mê nông nghiệp, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Tùng đã tìm đến xã Văn Phú, huyện Nho Quan để định cư tại một khu đất nông trường, nằm ven đồi rừng nguyên sinh quốc gia Cúc Phương.
Anh Tùng quan niệm, đã là nông dân phải hiểu được từng loại thổ nhưỡng. Bởi vậy, qua phân tích, đồi đất nhiều sỏi đá của anh có hàm lượng can-xi rất cao, nên anh đã mạnh dạn trồng thử cây sắn dây và nghệ vàng. Kết quả thu được ngoài mong đợi là củ sắn dây cho hàm lượng khoáng chất rất cao, rất tốt cho sức khỏe con người.
Cũng bởi vậy, sau nhiều năm khó khăn, vất vả khi giá củ sắn dây, củ nghệ không cao, thì nay, mỗi mùa vụ, anh Tùng đã thu nhập khoảng 800 triệu đồng từ củ sắn dây và hơn 700 triệu đồng từ củ nghệ.
Anh Tùng cho biết: "Do áp dụng mô hình trồng củ hữu cơ nên ngay khi bắt đầu vào mùa vụ mới, cây trồng vừa phát triển, các tổ chức, cá nhân đã đặt hàng để thu gom, chế biến. Phần dư còn lại, gia đình sản xuất thành phẩm cũng bán rất chạy nhờ áp dụng công nghệ 4.0".
Dù không phải kỹ sư, không được tiếp cận với nền nông nghiệp tiên tiến nhưng nhờ tiếp cận công nghệ 4.0, tiêu thụ hàng hóa trên các nền tảng internet, anh Tùng đã được nhiều bà con nông dân cả nước biết đến.
Với nhiều năm kinh nghiệm canh tác nông nghiệp, nông dân Bùi Thanh Tùng chia sẻ: "Do sắn dây và củ nghệ có mùa so le nhau nên khi vừa thu hoạch củ nghệ thì vườn bắt đầu cho canh tác thay thế bằng sắn dây. Khi đến mùa thu hoạch sắn dây, cũng là thời điểm thích hợp bắt đầu cho cây nghệ phát triển. Đan xen vào đó là các loại củ quả ngắn ngày khác như bưởi, lạc, hành, tỏi… nên với quy trình khép kín, đan xen này, chẳng có cây nào bị bỏ đi và cây nào cũng có giá trị riêng".
Bởi khi lá sắn dây rụng xuống sẽ phân hủy tự nhiên, bã củ sắn và các loại thân cây cũng được tái tạo tại chỗ thành mùn cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Cùng với phân gà được ủ từ các trại nuôi với chấu sau khi đốt thành tro, anh Tùng khẳng định, chẳng có cây nào là cằn cỗi, yếu còi và kết quả đạt được từ kinh nghiệm canh tác như trên là điều hoàn toàn tất yếu mà ai cũng có thể áp dụng.