Trốn trong nhà là thoát được ô nhiễm?

17-10-2019 06:47 | Y học 360
google news

SKĐS - Thật ra, trốn trong nhà cũng chưa hẳn là an toàn. Ô nhiễm trong nhà (indoor pollution) không chỉ do bụi mịn chui từ ngoài vào, mà chính cuộc sống của chúng ta cũng tạo ra một căn nhà đầy những nguy cơ ô nhiễm đe dọa sức khỏe.

10 tác nhân thường gây ra ô nhiễm không khí trong nhà

1. Bụi: Bụi lơ lửng trong không khí, không chỉ chứa những chất vô cơ, mà còn có chứa các loại dị nguyên như mạt nhà, phấn hoa, nấm mốc...

2. Thuốc diệt côn trùng: Các chai xịt muỗi, gián, kiến mà hầu như nhà nào cũng có, mỗi lần xịt là bạn lại bơm vào trong nhà mình một lượng hóa chất độc hại như arsen, chất có thể ảnh hưởng đến hệ nội tiết, và thậm chí là hình thành ung thư cho chính bạn.

3. Chất vệ sinh nhà cửa, sơn và các chất khử mùi nhà cửa: Rõ ràng, cái gì có mùi là có hóa chất, có loại ít độc, nhưng có loại độc hại cao. Các chất hữu cơ bay hơi từ hóa chất tẩy rửa hay sơn sẽ gây các triệu chứng như nhức đầu, ngứa da, ngứa họng, ho…

4. Nước hoa: Đây là loại hóa chất kích thích triệu chứng hô hấp thường gặp nhất và cũng thường bị bỏ quên nhất. Ngày nào cũng xịt, ngày nào nhà cũng ô nhiễm nha.

Trốn trong nhà là thoát được ô nhiễm?

5. Khói, bao gồm khói thuốc lá, khói nhang và mọi thứ khói: Không chỉ khói thuốc lá mới có hại nhé, khói nào cũng có khả năng gây hại! Tất cả các loại khói đốt: Khói đốt củi, đốt than, đốt dầu, khói từ nhang cúng, nhang xua muỗi, và gần đây còn là nhang thanh lọc nhà cửa, đều có hại.

Tất cả đều là sản phẩm đốt cháy của chất hữu cơ, cho dù có hay không có thêm hóa chất tạo mùi cho thơm và “sang”, nó đều có hại nếu hít lâu dài. Không biết đốt khói mù mịt trong nhà, thanh lọc không khí bằng cách nào, nhưng biết chắc là sẽ bổ sung thêm 1 mớ CO2 và các loại hóa chất khác vào bầu không khí mà chúng ta hít thở. Lợi không biết có không, mà thấy hại là có rồi đó!!! Nên vui lòng, bớt đốt nhang lại, hít khói ngoài đường chắc cũng đủ “bổ” phổi rồi!

6. Sáp nến cháy: Rất nhiều người có sở thích đốt nến cho lãng mạn, nhưng xin nhớ là khi sáp cháy có thể sinh ra các hóa chất có hại như toluene và benzen, toàn những thứ kích thích đường hô hấp, và còn có nguy cơ gây ung thư nữa.

7. Các phân tử mịn và hóa chất hữu cơ bay hơi từ các máy móc văn phòng: Máy photocopy và máy in đều sinh ra các phân tử mịn và các hợp chất hữu cơ bay hơi, có thể xâm nhập sâu vào trong phổi và gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

8. Lông thú nuôi: Gây ra các triệu chứng dị ứng hô hấp như viêm mũi dị ứng hay hen suyễn. Nếu lỡ có dính dị ứng lông chó, mèo, chim, chuột, thì thôi đành phải đứt ruột nhờ người nào đó cưu mang các boss đi nhé!

9. Radon: Radon là chất phóng xạ phân hủy từ Uranium có trong vỏ trái đất, nó có thể xuyên từ lòng đất để vào ngôi nhà của bạn. Nhà càng kín, sự tích tụ radon càng nhiều, và tất nhiên, tác động của chất phóng xạ sẽ càng cao.

10. Cuối cùng là virus và vi khuẩn lơ lửng trong không khí: Trong mùa cảm cúm, chỉ cần một cú hắt hơi, hay ho là người bệnh đã phóng thích một lượng virus rất nhiều vào không khí, và tồn tại một thời gian đủ để lây nhiễm cho những người hít phải. Phòng càng kín, nhà càng bí, khả năng lây của các bệnh lây truyền qua đường hô hấp sẽ càng cao.

Trốn trong nhà là thoát được ô nhiễm?Tốt nhất là hút bụi và lau nhà mỗi 2 ngày 1 lần

Làm sao giảm thiểu ô nhiễm trong nhà?

Điều đầu tiên là hạn chế các nguồn ô nhiễm:

- Không hút thuốc lá trong nhà (muôn thuở), bớt đốt nhang lại, và đừng bao giờ nghĩ đốt nhang là để thanh lọc không khí!

- Tránh sử dụng các thuốc xịt diệt côn trùng mà thay thế bằng các cách tự nhiên khác như sử dụng cửa lưới để chống muỗi, sử dụng bẫy gián để diệt gián hoặc chỉ đơn giản là đừng để rác hay thức ăn thừa trong nhà, vệ sinh bồn rửa chén và thu nhỏ các lỗ thông nước ở các miệng cống để gián không chui vào nhà.

- Hạn chế sử dụng các chất vệ sinh nhà cửa, giặt giũ hay chất xịt có mùi nhân tạo trong nhà.

- Điều thứ hai là phải vệ sinh nhà cửa thật sạch bụi. Tốt nhất là hút bụi và lau nhà mỗi 2 ngày 1 lần, mọi ngóc ngách trong nhà, hút luôn giường ngủ, kệ sách, sofa, thảm… để giảm thiểu tối đa bụi bặm và các thứ nguy hiểm ẩn nấp trong đó.

- Điều tiếp theo là phải giữ cho không khí lưu chuyển giữa trong nhà và môi trường, hay gọi tắt là thông khí thật tốt. Sự lưu chuyển không khí giữa trong và ngoài nhà sẽ giúp “dọn dẹp” các chất ô nhiễm ứ đọng lại trong nhà của bạn, vừa giảm thiểu ô nhiễm trong nhà, vừa giúp giảm các mầm bệnh truyền nhiễm lơ lửng trong không khí.


TS.BS. PHẠM LÊ DUY
Ý kiến của bạn