Mash-up là thuật ngữ không còn quá mới đối với nhiều bạn trẻ Việt, để chỉ việc ghép (hoặc tự hát lại - trộn nhạc) các video hoặc bài hát không liên quan đến nhau trở thành một clip hoặc một bản nhạc hoàn chỉnh. Mash-up đang ngày càng trở nên phổ biến nhưng giới chuyên môn chưa thể khẳng định, trào lưu này liệu có đi được đường dài hay chỉ là trò vui nhất thời của V-pop?
Thỏa sức lắp ghép
Kể từ khi trào lưu mash-up ra đời, rất nhiều mixer (người mix nhạc) bán chuyên và chuyên nghiệp đã từng thử sức trong lĩnh vực mới này. Mash-up không đơn thuần là cắt, ghép vào nhau, mà còn phải biến những đoạn phim nhạc rời rạc, thậm chí trái ngược nhau thành một thể thống nhất và liên kết. Bạn có thể mash-up 3, 5, 10, thậm chí là 30 ca khúc yêu thích trong một bản mash-up. Những ca khúc đó có thể lấy lại, hoặc bạn tự thu âm, sáng tác. Cùng một chùm ca khúc nhưng mỗi người có cách thể hiện khác, hoà trộn khác nhau tạo nên nhiều biến tấu không ai giống ai... Đó chính là điểm hấp dẫn của mash-up.
Trộn nhạc liệu có đi được đường dài hay chỉ là trò vui nhất thời của V-pop?
Tại Việt Nam, mash-up chỉ thực sự bùng nổ trong vài năm trở lại đây. Phần mở màn đáng nhớ của trào lưu này là tiết mục biểu diễn của Hồ Ngọc Hà tại lễ trao giải Làn sóng xanh tháng 12/2013. Đó là bản mash-up của Nguyễn Hải Phong gồm 5 ca khúc Từ ngày anh đi, Lặng thầm một tình yêu, Sẽ mãi bên nhau, Xin hãy thứ tha, Hãy thứ tha cho em. Sự mới lạ trong cách trộn nhạc, tạo một “tứ” nghe tươi mới đã làm công chúng rất chú ý.
Dù tiếp cận với sân chơi mash-up chưa lâu nhưng giới trẻ Việt đã cho ra những clip thú vị. Đặc biệt nhất phải kể đến bản mash-up 30 bài hát của Minh Triết và Quang Hùng. "Tác phẩm" kỳ công này đã nhận được khá nhiều lời khen của cộng đồng mạng. Sau khi bất ngờ tung bản mash-up "khủng", Minh Triết và Quang Hùng đã thu hút đến hơn 600.000 lượt xem và hơn 20.000 lượt chia sẻ. Với giọng ca ấm áp, hai anh chàng đã lần lượt thể hiện 30 ca khúc hit của V-pop với những bài hát nổi tiếng như: Thật bất ngờ, Làm vợ anh nhé, Em là bà nội của anh, Sau tất cả, và các bản hit của ca sĩ Tiên Tiên như Say you do, Vì tôi còn sống… Tất cả đều được phối rất ăn khớp và mềm mại. Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen, Minh Triết và Quang Hùng cũng nhận được những lời chê, có người còn cho rằng hai bạn trẻ chỉnh giọng, hát nhép và đánh cắp bản quyền của người khác…
Những lo ngại
Mash-up có 2 dạng: Một là ghép từ các audio và video của nhiều nghệ sĩ, dùng chính giọng hát của nghệ sĩ (gọi là video mash-up). Dạng còn lại là người tạo ra mash-up với mục đích biểu diễn. Ở Việt Nam, cả hai dạng này thật sự vẫn chưa làm được đến nơi đến chốn. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho rằng: “Chính vì mash-up không tạo ra từ cái mới, chỉ ghép từ cái cũ nên nó liên quan đến bản quyền. Có thể nói là làm mash-up hay remix cũng là một kiểu... vi phạm bản quyền. Vì vậy mà mash-up khó được xem là chuyên nghiệp”.
Tất nhiên, đó là chưa nói hiện nay ở Việt Nam, trào lưu mash-up nở rộ nhưng dường như nhiều người vẫn chưa hiểu hết thế nào là mash-up và những sản phẩm khi nghe kỹ lại chẳng khác liên khúc (medley) là bao nhiêu. Bên cạnh đó, sự thiếu chuyên nghiệp của các mixer đôi khi sẽ tạo ra sản phẩm mang tính "phá hoại" những bản nhạc nguyên thủy. Một nhạc sĩ bày tỏ: “Về tính đường dài, mash-up có thể là một nét chấm phá, một giải pháp khác thay thế cho cách làm liên khúc xưa nay vẫn có, tạo sự thú vị cho người thưởng thức theo kiểu vui là chính. Sức hấp dẫn của nó có thể tồn tại trong thời gian ngắn. Thực tế thì nó cũng có thể giúp ta phát triển tư duy khi kết hợp với phim ca nhạc hay nhạc kịch chẳng hạn. Nghĩa là nó có thể không là một thể loại âm nhạc nhưng có thể giúp các thể loại âm nhạc khác trở nên hấp dẫn hơn”.
Về phía những người đang tung hô mash-up, quan điểm của họ khá thoáng: "Chỉ cần hay là được"! Âm nhạc quan trọng nhất là phải hay. Thậm chí họ còn cho rằng, chúng ta nên đặt cái cũ ở một vị trí của nó và miễn sao cái mới không thô tục, không làm bậy bạ, không phản cảm là được.
Nhìn chung, trào lưu mash-up đang còn rất tươi mới tại Việt Nam, thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Giới chuyên môn cho rằng, không nên xem mash-up là xu hướng phát triển vì người nghe nhạc vẫn cần sự xuất hiện của những ca khúc mới, hợp với sự phát triển của âm nhạc thế giới hơn. Hơn nữa, trong thời buổi nhộn nhạo của thị trường âm nhạc, khi mà "đạo nhạc" đang là vấn đề nhạy cảm đối với giới sáng tác thì mash-up chỉ nên xem là trò vui thoáng qua để thỏa mãn được sở thích của một bộ phận nhỏ trong giới yêu nhạc.