Thời gian gần đây, tại một số địa phương đã nổi lên tình trạng trộm cắp vật tư, thiết bị đường sắt. Tuy chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc, nhưng mỗi vụ trộm cắp đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành đường sắt, gây những hậu quả khôn lường đối với quá trình vận hành của các đoàn tàu. Ðặc biệt, thực trạng này đang có những diễn biến hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi, manh động và liều lĩnh, vậy nhưng quy định của pháp luật để xử lý hành vi này lại chưa đủ sức răn đe các đối tượng.
Nguy hại khôn lường
Mới đây nhất, hàng loạt má phanh của các toa tàu (còn gọi là guốc hãm) đang đậu ở ga Ninh Hòa đã bị kẻ gian đánh cắp. Cụ thể, vào sáng ngày 5/8, nhân viên phụ trách hóa vận ga Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đi kiểm tra những toa xe hàng trên đường ray số 1 để chuẩn bị cho công tác xếp hàng thì phát hiện 9 má phanh của các toa tàu hàng đã bị kẻ gian tháo trộm. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngay trong ngày 5/8, các phòng nghiệp vụ của cơ quan công an nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp điều tra, truy bắt đối tượng trộm cắp. Bằng các biện pháp nghiệp vụ cùng với việc sàng lọc những đối tượng khả nghi, lực lượng công an đã bắt giữ Phạm Thành Nhân (20 tuổi) và Lê Thanh Toàn (24 tuổi, cùng trú xã Ninh Bình, TX. Ninh Hòa) là thủ phạm gây ra vụ trộm. Tiến hành khám xét tại nhà Nhân và Toàn, lực lượng công an thu giữ 6 má phanh mà các đối tượng chưa kịp mang đi tiêu thụ. Tại cơ quan điều tra, Nhân và Toàn khai nhận đã đến ga Ninh Hòa dùng cờ-lê tháo 2 má phanh mang về nhà cất giấu. Trước đó, Nhân và Toàn cũng đã thực hiện thành công một vụ trộm má phanh tại ga Ninh Hòa, lấy được 12 má phanh đem bán cho một cơ sở thu mua phế liệu được hơn 300.000 đồng. Từ lời khai của 2 đối tượng, CQĐT Công an thị xã Ninh Hòa đã thu giữ 12 thanh má phanh tại một cơ sở bán phế liệu ở xã Ninh Phụng (TX. Ninh Hòa).

Các đối tượng trộm cắp thiết bị vật tư đường sắt bị cơ quan công an bắt giữ đang thực nghiệm tại hiện trường.
Cũng giống như việc trộm cắp má phanh, nắp hộp cáp thông tin, tà vẹt, bu-lông, cúp lơ điện... thường là mục tiêu của những đối tượng trộm cắp bởi dễ tháo trộm và dễ tiêu thụ. Đặc biệt, những đối tượng trộm cắp các thiết bị đảm bảo an toàn đường sắt thường chỉ để đem bán đồng nát với giá rất rẻ, nhưng hậu quả để lại thường rất lớn. Đơn cử mỗi nắp đậy (được làm bằng vật liệu gang pha hợp kim, có tác dụng bảo quản hộp đấu nối cáp quang dưới đất phục vụ hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt thông suốt) chỉ có giá trên 100 nghìn đồng nhưng khi tháo trộm, chỉ bán được vài nghìn và nếu thiết bị này bị đánh cắp thì nguy cơ chập, thậm chí hệ thống bị tê liệt dẫn đến xảy ra tai nạn thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Còn cúp-lơ điện có trị giá hàng chục triệu đồng nhưng nếu các đối tượng trộm cắp chỉ bán được với giá hơn 2 triệu đồng. Hậu quả để lại khi mất thiết bị này là hệ thống điện, điều hòa trên các toa tàu sẽ không hoạt động.
Cần được xử lý nghiêm
Liên quan đến hành vi trộm cắp thiết bị, vật tư đường sắt, ông Nguyễn Đình Tân - Giám đốc Xí nghiệp Vận tải đường sắt Phú Khánh cho biết, giá trị của các vụ trộm cắp là không lớn nhưng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng khi đoàn tàu vận hành thiếu các thiết bị đảm bảo an toàn. Ngay như vụ trộm cắp má phanh vừa mới xảy ra tại ga Ninh Hòa, việc đoàn tàu bị mất đi má phanh khiến nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn vì người lái tàu sẽ không điều khiển được đoàn tàu, nhất là khi vào ga, khi tránh tàu, nguy cơ rất cao là đổ tàu hoặc sẽ đâm vào các tàu khác. Hậu quả nguy hiểm là vậy, song theo Nghị định 126 năm 2008 của Chính phủ thì má phanh tàu hỏa không nằm trong danh mục các công trình quan trọng về an ninh quốc gia, vì thế không thể xử lý hành vi này theo Điều 131 Bộ luật Hình sự về tội phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia. Còn căn cứ để xử lý về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 Bộ luật Hình sự thì yêu cầu giá trị tài sản thiệt hại phải từ 2 triệu đồng trở lên. Hành vi của các đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng, nhưng nhiều khả năng sẽ chỉ bị xử phạt hành chính, vì thế sẽ không có tác dụng răn đe. Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Đình Tân cho biết, một chiếc má phanh mới có giá gần 200 ngàn đồng và với những má phanh mà giá trị sử dụng còn từ 50 - 60% thì giá trị còn thấp hơn nhiều. Thời gian tới, ngoài việc tăng cường các biển cảnh báo về nguy cơ trộm cắp hệ thống phanh tại các nhà ga, xí nghiệp sẽ kiến nghị cơ quan chức năng đưa thiết bị của ngành đường sắt vào danh mục công trình quan trọng về an ninh quốc gia.
Để đảm bảo an ninh trật tự đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có Công điện số 606 yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn đường sắt dịp kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Theo công điện này, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các tiểu ban an ninh trật tự đường sắt các khu vực tiếp tục thực hiện hai quy chế phối hợp giữa Tổng công ty và Tổng cục An ninh, Tổng cục VI, Tổng cục VII của Bộ Công an để chủ động phòng ngừa, kịp thời giải quyết các biểu hiện gây mất an ninh trật tự, đề phòng trộm cắp, phá hoại trên tàu. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các ga, kịp thời phát hiện, phối hợp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật; yêu cầu các đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt có phương án phòng ngừa các vụ phá hoại, trộm cắp thiết bị, phụ kiện, đặt chướng ngại vật trên đường sắt...
Tuấn Phong