Trộm cắp hành lý ở sân bay: Bao giờ chấm dứt?

31-07-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát, siết chặt quy trình vận chuyển hành lý qua đường hàng không đã được Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) triển khai.

Nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát, siết chặt quy trình vận chuyển hành lý qua đường hàng không đã được Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn đó những trường hợp hành khách khiếu nại vì bị trộm cắp hành lý, hàng hóa và thủ phạm được cơ quan công an bắt giữ, làm rõ có cả những nhân viên hàng không. Tình trạng này không chỉ làm xấu hình ảnh của ngành hàng không mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn chuyến bay.

Quy trình vận chuyển qua đường hàng không được đánh giá là chặt chẽ, nhưng vẫn xảy ra mất trộm hành lý.

Liên tiếp phát hiện các vụ trộm cắp tại sân bay

Mới đây nhất, ngày 29/7, tin từ Cục HKVN cho biết, Đội An ninh cơ động - Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài vừa liên tiếp phát hiện các hành vi trộm cắp tài sản của khách tại sân bay. Cụ thể, vào khoảng 18h ngày 25/7, nhận được đơn trình báo của hành khách Phạm Văn Hiệp tại Vụ Bản, Nam Định, là hành khách đi chuyến BL807, chặng bay Hà Nội - TP.HCM, mất 1 chiếc điện thoại iPhone 5S màu vàng khi đang sạc pin tại quầy Oganic Coffee, tầng 2, sảnh E. Đội An ninh cơ động - Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài đã rà soát hình ảnh camera phát hiện đối tượng là Lê Thị Hảo, hộ khẩu tại phường Quang Vinh, TP.Thái Nguyên lợi dụng anh Hiệp không để ý đã lấy chiếc điện thoại. Trước đó, vào hồi 6h cùng ngày, nhận được tin báo của anh Nguyễn Văn Đức (SN 1988) đi chuyến bay VN426 báo có đánh rơi một dây kim loại màu trắng và 1 dây kim loại màu vàng trên ghế ngồi gần cửa ra tàu bay số 31 - Nhà ga hành khách T2. Qua xác minh làm rõ, Trung tâm An ninh hàng không đã phát hiện 1 túi nilon màu trắng bên trong có 2 sợi dây kim loại như miêu tả tại nhà vệ sinh nữ gần cửa ra tàu bay số 31. Túi nilon trên do bà Nguyễn Thị Tuyến là nhân viên vệ sinh Công ty TNHH Hoàn Mỹ cất giữ. Nhân viên Nguyễn Thị Tuyến đã thừa nhận đã nhặt và lấy 2 dây kim loại trên ghế nhưng không trình báo trực giám sát của đơn vị.

Trước đó, ngày 24/7, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho biết, đơn vị vừa làm rõ vụ việc một người Hàn Quốc đi chuyến bay VJ961 ngày 20/7 từ Seoul đến Hà Nội bị mất điện thoại di động để trong hành lý ký gửi. Công an xác định, thủ phạm lấy trộm hành lý của một hành khách người Hàn Quốc là hai nhân viên bốc xếp hàng hóa trên máy bay là Lê Trọng Tài (22 tuổi, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và Lê Văn Thiện (23 tuổi, xã Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) cùng là nhân viên bốc xếp hàng hóa, hành lý thuộc Công ty HGS). Trước đó, vào ngày 7/7, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an TP.Hà Nội) cho biết đã hoàn tất điều tra vụ án trộm cắp tài sản, khởi tố bị can và tạm giam đối với Nguyễn Quốc Thắng (SN 1988), nguyên là nhân viên giám sát sân đỗ, phòng Tài liệu & Hướng dẫn chất xếp - Xí nghiệp Thương mại mặt đất Nội Bài, về tội “Trộm cắp tài sản”. Lợi dụng công việc được giao, Thắng đã gây ra 9 vụ trộm cắp khác nhau, chiếm đoạt và hưởng lợi bất chính tổng số tiền hơn 176 triệu đồng. Đáng chú ý, để thực hiện hành vi phạm tội của mình, Thắng đã móc ngoặc với một số đồng nghiệp là nhân viên bốc xếp, lái xe nâng để hành động.

Có hay không sự thông đồng, móc nối?

Liên quan đến dấu hỏi có hay không sự thông đồng, móc nối? Theo Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp cho biết, việc mất hàng hóa, hành lý có chiều hướng gia tăng, có dấu hiệu tiếp tay trong nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không và gây nhức nhối trong dư luận. Các vụ việc xảy ra ở nhiều địa điểm, ở cả chuyến bay trong nước, quốc tế thậm chí cả các chuyến bay chuyên cơ. Có hành lý, kiện hàng bị rạch, móc đúng vị trí có đồ giá trị (vụ việc một hành khách đi từ TP.HCM ra Hà Nội bị rách kiện hàng và bị móc đúng chỗ để 7 chiếc đồng hồ có giá trị cao). Khách quan mà nói không thể dễ phát hiện các đồ vật giá trị này, phải có móc nối, không loại trừ có liên quan đến soi chiếu.

Đã có những nghi vấn về sự móc nối của các nhân viên hàng không, nhất là những người trực tiếp tham gia vào quy trình vận chuyển hàng hóa, hành lý để lấy trộm tài sản của hành khách. Từ góc độ an ninh, an toàn hàng không, có thể thấy những đối tượng tiếp tay cho hành vi trộm cắp thì đến lúc nào đó nguy cơ tiềm ẩn là sẽ tiếp tay cho các hành vi can thiệp bất hợp pháp, thậm chí là mang vũ khí, thuốc nổ lên máy bay. Nhân viên hàng không làm việc trong khu vực hạn chế, người ngoài khó có khả năng tiếp cận, họ trở thành người biết rõ, thông thuộc đường đi lối lại ở đây. Các cơ quan, đơn vị phải xác định vai trò của yếu tố bảo vệ an ninh nội bộ, yếu tố con người. Nếu để lọt những đối tượng không thật thà, không nghiêm túc tuân thủ quy trình trong nội bộ của mình, sẽ là nguy cơ lớn uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.

Theo Cục HKVN, báo cáo năm 2013, có tới 205 khiếu nại của hành khách liên quan đến việc bị trộm cắp tài sản, trong đó có 141 vụ liên quan đến các chuyến bay quốc tế. Năm 2014 là 301 vụ và chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015 là 168 vụ. Về các vụ trộm cắp liên quan đến nhân viên hàng không bị phát hiện. Theo đó, năm 2013 có 8 vụ, 2014 có 9 vụ và 6 tháng đầu năm 2015 là 5 vụ.

Tuấn Kiệt

 

 


Ý kiến của bạn